Ông Nishida Hideki, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam. |
Hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo sắp khai trương cửa hàng đầu tiên tại trung tâm thương mại Vincom Biên Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vào cuối năm nay. Đồng thời, thương hiệu cũng công bố kế hoạch tiến ra miền Trung với cửa hàng đầu tiên đặt tại Huế vào năm 2025, đưa hệ thống cửa hàng bán lẻ trải khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.
Thực tế, đây là một trong những thương hiệu có tốc độ mở cửa hàng nhanh nhất tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây. Tính cả cửa hàng ở Biên Hòa, Uniqlo sẽ mở mới tổng cộng 6 điểm bán trong năm nay, nâng quy mô hoạt động lên 27 cửa hàng bên cạnh ứng dụng trực tuyến chỉ sau vỏn vẹn 5 năm hiện diện.
Tự tin sẽ tiếp tục phát triển tốt tại Việt Nam
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Nishida Hideki, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, cho biết tốc độ mở cửa hàng thời gian qua vẫn đang song hành cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.
"Chúng tôi không đặt nặng về tốc độ phát triển cửa hàng mà chủ yếu dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng. Với phương châm 'Made for all' - sản xuất sản phẩm cho mọi đối tượng, chúng tôi muốn mang trang phục LifeWear của Uniqlo đến nhiều vùng miền hơn. Chúng tôi đang triển khai với tốc độ như nhau ở tất cả quốc gia", ông Nishida Hideki bày tỏ.
Theo ông, Việt Nam là một thị trường có tiềm năng rất lớn, với động lực đến từ những người tiêu dùng trẻ trung, năng động và sáng tạo. Riêng với Uniqlo, ông cho rằng thương hiệu cũng may mắn được người Việt Nam yêu thích. Chỉ tính riêng trên nền tảng trực tuyến qua ứng dụng Uniqlo, lượng người dùng hiện tại đã tăng trưởng 140% so với năm ngoái.
Mặc dù không công bố kết quả kinh doanh cụ thể tại Việt Nam, báo cáo năm tài chính 2024 kết thúc vào ngày 31/8 vừa qua của Fast Retailing - công ty mẹ của Uniqlo - đã cho thấy toàn thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ và Australia ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Kết quả khởi sắc ở các thị trường đóng góp lớn vào con số lợi nhuận kỷ lục hơn 500 tỷ yen (khoảng 3,3 tỷ USD) của "ông lớn" thời trang này trong năm.
Các cửa hàng Uniqlo ở Việt Nam luôn thu hút đông đảo người tiêu dùng. |
"Dựa trên những cơ sở này, chúng tôi rất tự tin để phát triển thêm cửa hàng ở các thị trường mới như Huế, Biên Hòa... Chúng tôi cũng tự tin đáp ứng được nhu cầu của thị trường và tiếp tục phát triển tốt ở Việt Nam, bằng cách luôn luôn lắng nghe người tiêu dùng", ông khẳng định.
Ông cũng cho biết tập đoàn Nhật Bản sẵn sàng gia tăng đầu tư tại Việt Nam để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện tại, bên cạnh việc mở rộng kinh doanh, thương hiệu cũng đang liên kết chặt chẽ với các đối tác để tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng Uniqlo ở Việt Nam.
"Hiện nay, hơn 60% sản phẩm tại các cửa hàng Uniqlo Việt Nam được sản xuất ngay tại Việt Nam, tăng so với mức hơn 50% của năm ngoái. Nhờ đó, chúng tôi có thể đáp ứng nhanh hơn yêu cầu của người tiêu dùng, hay có những sản phẩm riêng cho thị trường Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ nội địa hóa trong các năm tới", ông Nishida chia sẻ, đồng thời cho biết các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cũng đang được xuất sang các nước khác để có mặt tại hơn 2.500 cửa hàng Uniqlo trên toàn thế giới.
Công thức tồn tại trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt
Dù vậy, một thị trường đầy dư địa như Việt Nam cũng không hề dễ dàng với tất cả doanh nghiệp. Chỉ trong vài tháng qua, hàng loạt thương hiệu thời trang nội địa đã thông báo thu hẹp quy mô hoạt động hoặc đóng cửa hoàn toàn. Có doanh nghiệp lý giải rằng không theo kịp sự thay đổi chóng mặt của thị trường, nhưng cũng có những đơn vị gặp khó khi sức mua đi xuống trong bối cảnh nhiều loại chi phí gia tăng.
Bình luận về những biến động này, ông Nishida Hideki nhấn mạnh: "Rõ ràng thị trường thời trang cạnh tranh rất khốc liệt và rất khó để tồn tại trên thị trường này".
Riêng với Uniqlo, một thương hiệu đã tồn tại 40 năm và vẫn không ngừng tăng trưởng, ông cho rằng tập đoàn không có gì quá khác biệt, có chăng là Uniqlo luôn kiên định và triệt để theo đuổi những triết lý của mình trong suốt những năm qua.
"Có những nhu cầu về thị trường không thay đổi theo thời gian, như là cảm giác dễ chịu và sự tiện dụng cần có của trang phục. Triết lý LifeWear của chúng tôi cũng hướng đến phục vụ những nhu cầu rất cơ bản này của người tiêu dùng. Có lẽ đó là lý do các sản phẩm của chúng tôi rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Chúng tôi lắng nghe và cải tiến để thích nghi với một số xu hướng hay nhu cầu lớn của thị trường", ông Nishida chia sẻ.
Ông Nishida Hideki cho biết Uniqlo luôn kiên định và triệt để theo đuổi những triết lý của mình trong suốt những năm qua. |
Mặt khác, vị lãnh đạo này tin rằng "công thức thành công" của Uniqlo còn đến từ hệ thống lắng nghe khách hàng. Ông cho hay bản thân ông và tất cả nhân sự của công ty ở mọi cấp bậc đều thường xuyên có mặt ở các cửa hàng để lắng nghe khách hàng và trao đổi cùng nhau, trên cơ sở đó kịp thời chỉnh sửa, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Đó cũng là cách Uniqlo đang làm để có thể đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho từng cửa hàng khi liên tục mở rộng quy mô hoạt động như thời gian qua.
"Đối với tôi, 'dịch vụ khách hàng' có nghĩa là Uniqlo. Và nhắc đến Uniqlo, người tiêu dùng phải nhớ tới 'dịch vụ khách hàng'. Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành thương hiệu được người tiêu dùng yêu thích và tín nhiệm nhất", ông Nishida bày tỏ.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.