Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết Việt 140 năm trước qua ghi chép của bác sĩ Pháp

Trong thời gian tham gia chiến dịch Bắc Kỳ (1884-1886), bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard có những trải nghiệm thực tế về ngày đầu năm mới.

Nhiều thế kỷ trước, trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, nhiều giáo sĩ, thương nhân phương Tây đã chứng kiến và ghi lại không ít những luật tục, nghi thức đón Tết Nguyên đán của người Việt.

Chẳng hạn, giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài thương nhân người Anh Samuel Baron trong cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài đã cho biết những nghi lễ, tập tục Tết thời Lê - Trịnh. Hay cuốn Làng xã của người An Nam ở Bắc Kỳ của Paul Ory thì lại đề cập đến phong tục và các quy tắc lễ nghi Tết của người dân tại cộng đồng làng xã vào thế kỷ 19…

Tuy nhiên, khác với các ghi chép của những giáo sĩ, thương nhân kể trên, bác sĩ Charles-Édouard Hocquard lại có những trải nghiệm thực tế về ngày đầu năm mới trong Tử Cấm Thành Huế và cả trong chúng dân. Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, ông đã vẽ lên một bức tranh sinh động về ngày Tết Nguyên đán năm Bính Tuất (1886).

Tet Nguyen dan anh 1

Sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. Ảnh: MC.

Hocquard cho biết gần đến ngày đầu năm mới, người giàu, cũng như người nghèo, ngừng làm việc một tháng để ăn uống và giải trí. Không buôn bán, không làm đồng, không lao dịch, người lớn, trẻ em đều diện quần áo ngày hội.

Từ ngày 25 tháng Chạp, các bộ, nha, sở của triều đình khóa cửa và không ký bất kỳ một văn bản nào nữa, hộp dấu cũng được đóng lại cho đến ngày thứ mười một của năm mới.

Mọi cổng ngõ đều đóng im ỉm. Thị dân và quan lại mặc lễ phục lui tới thăm viếng nhau, tặng nhau những lá thiếp lớn màu đỏ và quà cáp. Đây cũng là ngày hội của trẻ con, chúng chúc mừng người lớn và được tặng lại tiền trong phong bao màu đỏ.

Khắp nơi là màu đỏ, màu của niềm vui. Trước mỗi căn nhà đều có một cành tre to để cả lá cắm dưới đất; cũng có cả những cây cột trên ngọn buộc lá dừa hoặc lông gà, đến tối treo đèn lồng đủ mọi màu sắc. Theo tín ngưỡng dân gian, hàng năm linh hồn tổ tiên và người thân đều về với gia đình trong dịp Tết. Trồng những cây cột ấy là để linh hồn nhận ra nhà mình mà về.

Trước cửa mỗi nhà người ta còn dùng phấn vẽ xuống đất một cây cung đã lắp tên để ôn lại trận chiến giữa Phật với ma quỷ. Một số người lấy xương rồng và cành cây có gai lấp hẳn cửa nhà mình để ngăn quỷ dữ vào nhà quấy phá mấy ngày Tết. Ở tường bên trái phía ngoài cửa, người ta lập một bàn thờ nhỏ, đốt thắp hương thần giữ cửa, những nhà giàu còn cúng cả hoa, bánh trái và thức ăn.

Nội thất trong nhà được sắp xếp lại. Người ta treo các tràng hoa và giấy ở giữa sân để tôn vinh thần giếng. Trong những ngày vui này, kẻ ăn người ở là sướng nhất. Người ta kiêng không nặng lời với chúng.

Trong những ngày Tết, người An Nam ních thật nhiều thức ăn, mỗi ngày ba bữa và luôn dành một phần cúng tổ tiên, trong bếp thì luôn thắp hương cúng ba vị thần cư ngụ trong ba viên đá kê bếp.

Tóm lại, qua những ghi chép của Hocquard về ngày Tết Nguyên đán của người Việt năm 1886, có thể thấy một số phong tục còn ghi chưa đúng (chẳng hạn như tục thắp hương ông Táo liên tục trong mấy ngày Tết, tục dành một phần cúng tổ tiên ngày Tết…).

Điều này cũng dễ hiểu, bởi Hocquard đến từ một đất nước châu Âu có nên văn hóa khác lạ. Mặt khác, ông lại chưa có đủ thời gian để hiểu sâu sắc văn hóa phong tục của người bản xứ. Tuy nhiên, những ghi chép này giúp chúng ta biết thêm những thông tin về nghi lễ, tập tục trong Tết Nguyên đán cách đây 140 năm (có thứ tồn tại đến giờ, và cũng có thứ chỉ còn vang bóng).

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Tết Nguyên đán của người Việt xưa qua ghi chép của người nước ngoài

Những ghi chép này không chỉ mô tả không khí Tết Nguyên đán ở chốn cung đình mà còn ở cả trong chúng dân và cho biết tâm lý của người Việt trong dịp lễ Tết này.

Tết thời Gia Long không có chuyện quan lại tặng quà vua

Theo Micheal Đức Chaigneau, điểm đặc trưng của Tết dưới thời vua Gia Long là quà biếu. Theo thông lệ, hàng năm, nhân dịp đón năm mới vua Gia Long tặng quà cho các quan đại thần.

Khám phá lại phong tục ngày Tết

Thông qua các cuốn sách của mình, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đem đến nhiều câu chuyện lý thú về các phong tục dịp Tết.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm