Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết thời Gia Long không có chuyện quan lại tặng quà vua

Theo Micheal Đức Chaigneau, điểm đặc trưng của Tết dưới thời vua Gia Long là quà biếu. Theo thông lệ, hàng năm, nhân dịp đón năm mới vua Gia Long tặng quà cho các quan đại thần.

Phục dựng Tết Nguyên đán dưới triều Nguyễn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Trong ảnh là cảnh các quan chầu ở sân chờ dâng biểu chúc mừng năm mới nhà vua. Nguồn: phunuonline.

Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX (Souvenirs des Hue) của Michel Đức Chaigneau (1803-1894) (Lê Đức Quang dịch và chú giải, Trần Đình Hằng giới thiệu) là tư liệu quý ghi lại những ký ức về kinh thành Huế, giúp đời sau hiểu hơn mối quan hệ Việt - Pháp cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, hình dung ra diện mạo của kinh thành Huế, hay đời sống xã hội, từ cung đình đến làng quê.

Michel Đức Chaigneau, sinh ra và lớn lên tại Huế trong hơn 20 năm đầu thế kỷ 19. Ông là con trai của Jean Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng, làm quan dưới triều Gia Long và Minh Mệnh) và một người phụ nữ Huế.

Van hoa qua Tet anh 1

Sách Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX. Ảnh: Thái Hà Books.

Chuyện tặng quà Tết thời Gia Long

Thuở thiếu thời, Michel Đức Chaigneau từng theo cha vào cung bái kiến vua Gia Long và được vào tận nơi ở của hoàng hậu. Trong cuốn hồi ức, Michel Đức Chaigneau đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về đời sống bên trong hoàng cung dưới thời vua Gia Long, trong đó có những thông tin ít biết về ngày Tết Nguyên đán ở nơi đây.

Ngày Tết Nguyên đán dưới thời vua Gia Long được Micheal Đức Chaigneau mô tả trong các phần của cuốn hồi ức là: Quà thưởng, quà tặng dịp Tết; Thờ cúng tổ tiên ngày Tết và Kinh thành Huế ngày đầu năm.

Trong phần Quà thưởng, quà tặng dịp Tết, Michel Đức Chaigneau cho biết điểm đặc trưng của Tết dưới thời vua Gia Long là quà biếu. Theo thông lệ, hàng năm, nhân dịp đón năm mới vua Gia Long tặng quà cho các quan đại thần.

Michel Đức Chaigneau viết “Như bất cứ nơi nào khác, quà thưởng cuối năm rất được tán đồng ở xứ Cochinchine. Mỗi dịp năm mới, nhà vua đều có quà thưởng cho quan lại: thông thường là bộ khăn đóng áo dài hay những tấm vải”.

Quà chỉ là vải vóc (tơ lụa Trung Hoa), hay quần áo, nhưng thể thức tặng quà lại tương đối đặc biệt. Michel Đức Chaigneau viết: “Nhà vua phái người mang đi, đựng trong một cái hộp đáy sơn vàng với hình con rồng cùng màu, được nhiều người hộ tống với lọng che. Lọng rõ là không phải chỉ che nắng che mưa cho món quà làm tăng uy tín cho vật phẩm hoàng gia”.

Michel Đức Chaigneau cũng cho biết văn hóa tặng quà Tết “có đi, có lại” trong hàng ngũ quan lại, binh lính, phục vụ, gia nhân, con trẻ với bậc sinh thành... Hầu hết quà tặng đều đơn giản, không nặng tính vật chất, chủ yếu là thực phẩm.

Ông viết: “Các quan nhỏ cũng tặng quà cho các quan lớn là cấp trên trực tiếp: đôi vịt hay cặp gà, một giỏ cam hay nhiều bánh pháo nổ hay pháo hoa. Binh lính thuộc cấp một vị quan, tất thảy từ chỉ huy đến lính thường, cùng nhau đi Tết cho vị quan một cách rất trang trọng: một con heo nhốt rọ hay một đấu gạo”.

“Gia nhân, cả nam cả nữ đều tặng quà cho gia tộc ông bà chủ. Nếu gia nhân đông thì quà sẽ nhiều, nếu ít người thì quà cũng ít lại. Quà thường là giò heo, giỏ trái cây hay đấu gạo, tùy theo số lượng cùng nhau đóng góp. Cuối cùng đến cả con trẻ cũng có một món quà gì đó cho cha mẹ mình”.

Theo Michel Đức Chaigneau, quà cáp thuộc cấp tặng cho quan trên, gia nhân tặng cho nhà chủ đó sẽ được trao trả lại vào ngày đầu năm. Việc đó sẽ thông qua sự phân phát [mừng tuổi] vài quan tiền hay lạng bạc, hay có thể là một bữa tiệc.

Ông viết: “Người chủ sẽ phân phát quà mừng tuổi cho mọi người, cho người này ít tiền, người kia vật phẩm tương xứng với vị thế. Nơi các nhà quan, sau khi gia nhân vái lạy, sẽ đến phiên lính tráng: ngày hôm đó, lính tráng sẽ nhận được một ít tiền tương xứng với món quà họ đã mang biếu cho quan”.

Van hoa qua Tet anh 2

Đoàn của vua trong một nghi lễ ngày Tết. Ảnh tư liệu.

Chỉ có vua tặng quà quan lại

Có một điều rất đặc biệt là thời vua Gia Long, chỉ có vua tặng quà quan lại dịp đầu năm, tuyệt nhiên không có chuyện quan lại tặng quà vua, mà họ chỉ vào cung để chúc tụng vua vào ngày đầu tiên của năm mới.

Theo mô tả của Michel Đức Chaigneau, buổi sáng đầu năm, quan lại mặc đại lễ phục, tập trung ở Hoàng thành. Họ sắp xếp đội ngũ và sau đó vào sân chầu.

Các quan nhất phẩm ở hàng đầu, quan nhị phẩm ở hàng thứ hai, và cứ theo thứ tự như vậy cho đến quan phẩm thấp hơn. Tất cả các quan lại bái lạy năm lần vừa hô: “Chúng thần xin kính chúc Hoàng thượng vạn vạn tuế”. Sau nghi thức này, nhà vua có đôi lời ngắn gọn với các quan lại và rồi tất cả lui ra.

Theo một số tư liệu khác, chẳng hạn như sách Tết hoàng cung của tác giả Nguyễn Phước Hải Trung ngày lễ buổi sáng đầu năm mà Michel Đức Chaigneau mô tả trên chính là lễ Khánh hạ.

Theo định lệ từ thời vua Gia Long, vào ngày mùng 1 Tết, vua ngự ở điện Thái Hòa, đặt đại triều, bá quan làm lễ Khánh hạ. Lúc mờ sáng mùng 1, chiếc đại kỳ thêu rồng và các loại cờ khánh hỷ nhiều màu sắc đã được kéo lên rợp sắc cả Kỳ Đài. Sau khi viên quan ở Khâm Thiên Giám báo giờ tốt, vua mặc triều phục ra điện Cần Chánh chuẩn bị thực hiện lễ Nguyên đán.

Tiếp đến, trong tiếng tiểu nhạc, vua bước lên Ngự liễn cùng đội Nghi trượng ra Đại Cung Môn, lên điện Thái Hòa làm lễ. Bấy giờ, từ Ngọ Môn, chuông trống gióng lên để đón chào, vua xuống kiệu và tiến vào điện trong âm thanh đại nhạc.

Chín phát đại bác báo hiệu, vua ngự ở ngai vàng và buổi lễ Nguyên đán diễn ra bắt đầu bằng nghi tiết như các quan làm lễ bái, dâng biểu mừng. Ngoài ra, trong những nghi tiết này còn có sự chen lẫn của những tiết mục múa hát cung đình.

Tết xưa trong mắt học giả Việt, Pháp

Nghi lễ, phong tục, thú chơi Tết được các học giả, nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam mô tả sinh động trong cuốn sách “Tết Việt Nam xưa”.

Tết Nguyên đán dưới thời Nguyễn

Nghi lễ đón Tết được vua quan nhà Nguyễn tổ chức long trọng tại hoàng cung.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm