Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết se se lạnh…

Trời giăng một màn mây xám đục. Thi thoảng, có ánh nắng dịu dàng của mùa xuân len qua nhành lá non tơ của cành đào bích. Người người hào hứng du xuân trong cái se lạnh ngọt ngào.

Ngày bé, tôi nhớ Tết lạnh lắm. Chỉ cần hé cửa, ngóng tiếng pháo là gió thổi rát mặt. Bà phải mặc áo ấm, quàng khăn, đi tất, mang giày cho mấy anh em cẩn thận, mới để chúng tôi đi chúc Tết cùng bố mẹ. Năm nào hai chị em cũng tự nhủ sẽ thức để đón giao thừa. Thế nhưng, cái lạnh cắt da của đêm tháng Chạp gọi giấc ngủ đến thật mau. Xem xong Táo quân là chúng tôi lăn ra ngủ.

Sáng đầu năm, mùi nhang trầm vừa thơm, vừa ấm đã nhẹ nhàng đánh thức hai đứa. Nằm trong chăn, tôi ngây người vì mình đã bỏ qua giây phút thiêng liêng tiễn biệt năm cũ. Bao nhiêu buồn vui cứ thế nhẹ nhàng trôi theo gió đông. Tôi bần thần một hồi khi nhận ra năm mới đã kề bên.

Tet se lanh anh 1

Đầu năm mới, cả nhà sẽ quây quần bên mâm cơm.

Không gian tĩnh mịch đến nỗi tôi có thể nghe tiếng róc rách từ tích nước chè nóng hổi của ông. Dòng nước xanh ngắt nhẹ nhàng chảy vào chén tạo ra điệu nhạc. Sáng mùng Một, chắc ông đã dậy rất sớm để pha một ấm nước chè tươi, chờ tiếp người xông đất.

Nhà tôi không bao giờ chọn người xông đất, ông bà bảo đó là tùy duyên. Đầu năm mới, bác cả tôi về chúc Tết ông bà từ sớm, nên bác thường là người xông đất. Có năm, bác đi công tác không về, người hàng xóm đầu tiên đến chơi Tết ngẫu nhiên sẽ đảm nhận cái nhiệm vụ mà nhiều người cho là quan trọng ấy.

Bất kể người đó vừa trải qua cơn bệnh nặng, làm ăn thất bát, hay gặp năm xung tháng hạn, ông tôi đều đón tiếp nhiệt tình, niềm nở. “Có quý, khách mới tới nhà. Vạn sự tùy duyên. Sống thiện tâm ắt có phúc báo”. Ông tôi vẫn thường nói vậy để xua tan những lo lắng của bà khi người xông đất đầu năm không được như ý.

Lắng tai nghe thêm chút nữa, tiếng lạch cạnh của dao thớt, bát đũa thi nhau đưa lại. Bà và mẹ đang nấu nướng chuẩn bị cỗ cúng. Cả nhà sẽ tề tựu trong bữa cơm đầu tiên của năm mới. Ngoài bánh chưng, xôi gấc và gà luộc, chắc chắn sẽ có một bát canh măng nóng hổi, bỏ thật nhiều mộc nhỉ và nấm hương, đúng như chị em tôi thích. Trời lạnh thế này, được ăn bát canh nóng thì còn gì bằng.

Tet se lanh anh 2

Trong cái lạnh của ngày đầu năm, cây đào già ở góc sân ngập ngừng khoe sắc.

Hai đứa bảo nhau chui ra khỏi chăn, thay quần áo mới, chuẩn bị chúc Tết ông bà. Bộ quần áo mẹ mua cho từ chợ phiên hôm rằm tháng Chạp, cứ cất mãi trong tủ, chúng tôi đợi đến mùng Một mới mang ra mặc. Mùi nắng cuối năm còn vấn vít trong sợi vải.

Vừa chui ra khỏi chăn, hai chị em đã xuýt xoa vì lạnh. Lạnh đến nỗi hơi thở tựa như làn khói mỏng mảnh bay ra từ điếu cày của ông những khi tàn thuốc. Lạnh mới có không khí Tết, ăn miếng bánh chưng cùng thịt đông, dưa hành mới thấy ngon. Ngày xưa, nhà không có tủ lạnh, Tết mà nắng chói chang như tháng tư là bà tôi lo lắm.

Nắng đầu xuân thường là nắng nồm, nhiều hơi ẩm, bánh chưng dễ bị mốc. Bà lại phải cắt bỏ bốn góc, đem ra rán vàng trong chảo, để cả nhà chia nhau ăn mới hết. Cái bánh chưng lúc ấy trông thật nham nhở, không còn thẳng thành, vuông cạnh như trưa ngày ba mươi, lúc được ông buộc lạt đỏ, đặt lên bàn thờ.

Mải thay quần áo, rồi chải đầu, chải tóc mãi, giờ chị em tôi mới nhớ tới cây đào già ở góc sân. Năm nào bố cũng mua một cành đào thật đẹp để trưng trong nhà. Còn cây đào già, nhiều tuổi hơn cả tôi vẫn lặng lẽ đứng đó. Xen giữa màu lá xanh là những cánh hoa phơn phớt hồng. Hoa nở nhiều hơn hẳn chiều hôm qua. Sau một đêm giá lạnh, cánh đào dường như thắm hơn…

Biến đổi khí hậu, Trái Đất nóng lên, khiến cho cái Tết của miền Bắc mất đi phong vị đặc trưng. Không còn “mưa riêu riêu, gió lành lạnh nữa”, thay vào đó là ánh nắng chói chang đầy xa lạ, khiến cho hoa đào nở sớm. Mấy hôm nay, nghe đài báo miền Bắc sẽ đón Tết trong không khí lạnh, tôi thấy vui vui trong lòng. Cái Tết ngày bé thơ bỗng ùa về trong ký ức.

Tet se lanh anh 3

Ngày đầu năm, người ta đi du xuân, thăm viếng họ hàng. Ảnh: Vov.vn

Giờ nhà nào cũng có tủ lạnh, chẳng ai lo thức ăn bị thiu hỏng. Nhưng có chút gió se se mới đúng là Tết. Con trẻ sẽ quàng thêm một chiếc khăn ấm, cùng bố mẹ đi chúc Tết. Họ hàng, láng giềng sẽ đến thăm hỏi nhau. Mọi người quây quần ăn một miếng mứt gừng cay cay, uống một ngụm trà nóng, cùng hàn huyên về chuyện cũ và gửi đến nhau lời chúc bình an.

Trong cái se lạnh, mùi nhang trầm như thơm hơn. Ngày đầu năm, thắp nén hương lên bàn thờ, con cháu thành tâm tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Trong cái không khí thanh tịnh và tươi mới của tân niên, người ta nói với nhau về yêu thương đùm bọc, san sẻ đỡ đần. Se lạnh hay nắng gắt đâu có quan trọng, bởi đoàn viên mới thực sự là Tết.

Vua quan nhà Trần ăn Tết lâu, chuộng trò ‘polo’

Tết của vua tôi nhà Trần kéo dài từ ngày lập xuân cho tới hết tháng 2, với nhiều nghi lễ, trò chơi phong phú.

MC Thảo Vân: ‘Dẫn Táo quân là cái duyên từ tình yêu với Tết’

Người nói lời “Chúc mừng năm mới” trong chương trình Táo quân trải lòng về chương trình mà mình gắn bó trong nhiều năm.

Tục cúng Hành binh - Hành khiển ngày Tết ở Nam Bộ

Ngày nay ít nơi cúng Hành binh - Hành khiển, hoặc có cúng thì lễ vật cũng giản tiện hơn xưa. Ít ai nhớ nổi tên các vị để khấn cho đúng. Nhiều nơi ở thành thị, tục này bị quên lãng.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm