Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tết là chất keo gắn kết tình thân trong gia đình Việt

Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, nói Tết là cơ hội để gắn kết các thành viên trong gia đình người Việt. Đây là nền tảng để xây dựng khối đoàn kết dân tộc.

dai su o Viet Nam anh 1

Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong nhiều năm. Ông coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Năm nay, dù bận rộn công việc, ông vẫn muốn đón cái Tết Việt trọn vẹn.

Trân trọng những điều đặc biệt dịp Tết

- Năm nay, ông ăn Tết ở Việt Nam chứ?

- Trước đó tôi có kế hoạch đi nước ngoài, nhưng cuối cùng quyết định ở lại vì muốn thực hiện những mong muốn của mình: đi chúc Tết những người bạn ở Việt Nam, ăn bữa tất niên với các bạn Việt Nam. Tết đã đến với Việt Nam cũng là Tết đến với tôi rồi. Tôi đã trải qua nhiều cái Tết ở Việt Nam, năm nay, tôi vẫn ở lại đây thôi, để tiếp tục chia sẻ với các bạn những niềm vui trong bầu không khí Tết ấm áp ở Hà Nội.

Có thể tôi sẽ đi thăm một số di tích gần. Đặc biệt những ngày đầu năm mới, khi người dân Hà Nội đã về quê ăn Tết, tôi muốn tranh thủ ôn lại kỷ niệm, nhớ lại những ngày đầu tôi đến Hà Nội khi còn có thể đi bộ, ngắm vỉa hè, dạo quanh thành phố ít xe cộ.

Điều tôi thích trong dịp Tết là có thể tản bộ, nhìn thấy người Việt đi trên đường phố với quần áo đẹp, trẻ em tháp tùng cha mẹ, đi chúc Tết, du xuân... Điều đó tạo cho người ta cảm giác bình an, lạc quan, hướng về một năm mới với niềm tin và hy vọng.

dai su o Viet Nam anh 2

Ông Saadi Salama khẳng định tình cảm với Việt Nam trong cuốn Câu chuyện Việt Nam của tôi. Ảnh: Y.N.

- Sau nhiều năm ăn Tết ở đây, ông có cảm nhận thế nào về Tết Việt Nam?

- Đây là lần thứ 21 tôi ăn Tết ở Việt Nam. Tôi nghĩ mỗi dịp Tết lại có một vẻ riêng của nó. Năm nay, Tết Hà Nội có hơi lạnh. Thời tiết này hợp với sở thích của tôi, làm tôi nhớ về những ngày đầu tôi sang Việt Nam.

Năm 1981, tôi ăn cái Tết đầu tiên ở Việt Nam. Khi ấy tôi cảm thấy mọi thứ thật lạ và đặc biệt, khác những hình ảnh tôi đã thấy ở Palestine và nhiều nơi khác tôi trải qua trong 25 năm cuộc đời trước đó.

Hà Nội đã phát triển và thay đổi rất nhanh. Nhưng duy có ngày Tết, ta gặp lại bầu không khí thanh bình của những năm 1980.

Bầu không khí Tết có từ những ngày cuối tháng chạp năm trước. Cái hồn của Tết bao trùm tất cả chúng ta. Bước vào mùng 1 tháng giêng thì thành phố này có vẻ nhẹ nhàng đi, không bận rộn nữa. Ngày 30 Tết, ai cũng hối hả về nhà đoàn tụ, sum vầy, chuẩn bị bữa tất niên, để rồi ngồi vào bàn ăn, ôn lại chuyện năm trước, bắt đầu năm mới với hy vọng và lạc quan.

Trong đêm giao thừa, Hà Nội chật chội, đông đúc bao nhiêu thì sáng mồng 1 lại yên bình bấy nhiêu. Một phần là người ta nghỉ ngơi sau một đêm thức khuya, một phần là người ta không muốn thăm nhau quá sớm. Theo quan niệm tâm linh của người Việt, đến thăm ai năm mới phải tính toán kỹ xem có hợp để xông nhà, xông đất hay không. Vì vậy, đa số người dân thường chờ cho gia chủ chọn được người xông đất xong rồi mới qua chúc Tết.

- Phong tục nào của Tết Việt để lại ấn tượng với ông nhất?

- Tôi khẳng định phong tục tập quán Việt Nam gắn liền sự hình thành văn hóa của dân tộc Việt Nam - một dân tộc phải đối phó với nhiều thử thách rất lớn từ khi hình thành.

Văn hóa là chỗ dựa để dân tộc Việt Nam phát triển. Từ lâu, tôi đã ngưỡng mộ Việt Nam và muốn đến với đất nước các bạn để tìm câu trả lời cho câu hỏi về những gì Việt Nam đã đạt được trên con đường giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Sống ở đây, tôi nhận thấy câu trả lời là khối đoàn kết dân tộc Việt, bắt nguồn từ sự đoàn kết trong gia đình. Tết đến với người Việt Nam là để mỗi gia đình sum vầy. Ngồi bên nhau, họ giải quyết những bất đồng trong năm cũ.

Trong dịp đầu năm âm lịch, người Việt Nam sẵn sàng bỏ qua các ấn tượng xấu trong năm cũ để bắt đầu năm mới tốt lành. Tôi rất ngưỡng mộ đức vị tha này ở người Việt Nam. Tết luôn là cơ hội để gắn kết các thành viên trong gia đình. Đây, theo tôi, là nền tảng để xây dựng khối đoàn kết dân tộc.

Dù nay đất nước Việt Nam phát triển rất nhanh, người Việt Nam vẫn gắn liền với văn hóa của các thế hệ cha ông. Họ gìn giữ, bảo tồn văn hóa đặc trưng của người Việt. Ta có thể thấy rõ ở những phong tục người Việt Nam thể hiện khi bắt đầu tiễn năm cũ, đón năm mới. Ai cũng đi chợ để mua một cành đào, cây quất mang về, tin rằng những cành đào, cây quất đó sẽ đem lại điều may mắn, mang lộc về cho cuộc sống. Văn hóa là một chất keo gắn kết người dân.

Ngày nay, nhiều người Việt có đủ điều kiện để hàng ngày sống như ngày Tết, họ có thể mua bánh chưng hàng ngày. Nhưng mọi người vẫn chờ đến Tết để cùng nhau gói bánh chưng, rồi quây quần hàng giờ quanh nồi bánh. Đó là một điều đáng quý.

Tôi may mắn vì có cơ hội gắn bó với Việt Nam

- Người Việt Nam có câu “ăn Tết”, “chơi Tết”. Ông sẽ ăn Tết như thế nào?

- Để chuẩn bị đón xuân mới, tôi tìm cách tạo bầu không khí Tết. Phòng khách có cành đào (tôi thích màu của hoa đào), có mứt sen, hạt bí, mứt dừa, hạt dẻ cười, hạt điều, nhiều loại trà. Tôi sẽ mời một số bạn bè đến, mời họ thưởng trà Việt, đôi khi là trà Palestine, một chút quả từ Palestine như quả chà là.

Mỗi lần bạn bè tôi đến thăm, các bạn thường mang quà là một món đặc sản từ quê họ. Tôi có người bạn quê Nam Định hay mang cho tôi giò, người Thái Nguyên mang cho trà, người đến từ cao nguyên mang cà phê...

Tôi thấy mình rất may mắn vì có cơ hội gắn bó với Việt Nam, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam. Nhờ vậy mà nhiều người Việt Nam cũng có cảm tình với tôi. Qua những quan hệ đó, qua những món quà quê được tặng từ tấm lòng, tôi lại có dịp hiểu sâu hơn về những vùng miền Việt Nam.

Sống ở Việt Nam, tôi thấy rất thoải mái, hạnh phúc và trên hết là vinh hạnh. Tôi ngày càng muốn hiểu sâu về đời sống tinh thần người Việt.

dai su o Viet Nam anh 3

Đại sứ Saadi Salama trong một lần mua cành đào Tết. Ảnh: Anh Tuấn.

- Ông có lời chúc gì tới bạn đọc Zing nhân dịp Tết này, thưa ông?

- Trong thời gian vừa qua, chúng ta trải qua nhiều khó khăn. Chúng ta trải qua giai đoạn khá dài ứng phó với đại dịch Covid-19. Tôi ngưỡng mộ những biện pháp mà chính phủ Việt Nam áp dụng để chống dịch. Hơn hết, tôi ấn tượng và đánh giá cao vai trò của người dân Việt Nam. Nếu không có sự đồng lòng, ý thức và tinh thần của người dân, thì chưa chắc Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu ứng phó với đại dịch thành công.

Thế giới chúng ta đang trong giai đoạn có nhiều thử thách, làm cho con người ta phải nhìn lại bản thân mình. Dù cũng trải qua những khó khăn đó, Việt Nam đã thành công trong nỗ lực để đưa đất nước ngày càng phát triển.

GDP của Việt Nam đã đạt được thành quả đáng kể. Tôi hy vọng rằng năm tới Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, phục vụ cho sự phồn vinh của nhân dân Việt Nam.

Tôi chúc bạn bè của tôi, chúc nhân dân Việt Nam tiếp tục phấn đấu để đưa Việt Nam ngày càng có vị trí trên trường quốc tế; tiếp tục đạt được những thành công, thành tựu to lớn trên con đường phát triển kinh tế xã hội.

Chúc độc giả của Zing luôn tìm hiểu sâu, mong Zing tiếp tục giúp bạn đọc cơ hội tìm hiểu thông tin Việt Nam nói riêng và tình hình thế giới nói chung. Tôi nhận thấy người Việt Nam rất khát khao tìm hiểu về thế giới. Giờ đây chúng ta không thể chỉ biết mình nữa, mà cũng cần quan tâm đến thế giới.

'Trong con người tôi, có một phần Việt Nam rất lớn'

Đại sứ Palestine - ông Saadi Salama - có nhiều năm học tập và làm việc tại Việt Nam. Ông coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Tờ báo Tết đầu tiên

Là số báo Tết khởi nguồn cho những báo xuân, báo Tết về sau, "Nam Phong tạp chí" số Tết 1918 dày dặn về dung lượng với 126 trang.

Lê Lam

Bạn có thể quan tâm