Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ký ức Tết Mậu Thân 1968 tại vùng đất ven đô huyền thoại

Ông Lê Quang Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam, nhớ về Tết Mậu Thân tại đất thép Củ Chi.

cu chi,  dia dao cu chi,  dat thep cu chi,  tet mau than,  xuan mau than,  mau than 1968,  1968,  tet 1968,  tien cong 1968,  tong tien cong 1968,  noi day 1968 anh 1

Quân và dân Củ Chi đón nhận danh hiệu "Đất Thép Thành Đồng" vào năm 1967. Ảnh: Báo Nhân dân.

"Đất thép" là địa bàn hoạt động của quân dân ta trong những ngày chuẩn bị cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. "Đất thép" gồm khu vực Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát.

Xã Trung Lập Thượng được yên ít hôm, thì bỗng một hôm, khoảng 5 giờ sáng, mọi người vừa thức dậy, tư thế sẵn sàng như thường lệ, thì đã nghe tiếng trực thăng sầm sập bay về ấp Sa Nhỏ. Chúng bay sát ngọn cây, qua ngay trên đầu chúng tôi. Trong chớp nhoáng, chúng đã đổ quân trên cánh đồng đầu ấp. Hầm dành cho chúng tôi cũng ở phía đầu ấp, nếu chạy lên hầm thì sẽ đụng địch. Làm sao? Nguy quá! Bị động bất ngờ rồi! Đồng chí Tươi trấn tĩnh nói: "Không sao, chúng tôi còn có hầm dự phòng cho anh". Cất giấu tài liệu xong, tôi và đồng chí Công, cận vệ, theo chân đồng chí Tư Tươi chạy nhanh ra hầm dự phòng.

Đến miệng hầm, vừa giở nắp thì... Trời ơi! Dưới hầm đã có một cậu thanh niên. Chết rồi, sao vậy, Tư Tươi? Tôi kêu trời. Đồng chí Tư Tươi la khe khẽ - Cậu ở đâu mà biết và chiếm hầm của tụi tui? Lên mau! Cậu thanh niên hoảng quá leo lên. Tư Tươi cho biết, cậu này là thanh niên trốn lính, chiếm nhầm hầm của cơ quan. Tình huống thật là gay go, nhưng tôi và đồng chí Công cận vệ phải nhanh chóng xuống hầm vì nếu chần chờ, địch đến thì nguy, hoặc có ai đi qua đây nữa thì miệng hầm bị lộ, không còn an toàn. Cậu thanh niên năn nỉ: "Hầm còn rộng lắm các anh cho tôi xuống cùng, nếu chạy đụng địch thì chết mất". Tôi nghĩ ngay, nếu để cậu ta chạy bị địch bắt, cậu ta lại dẫn địch chỉ hầm thì càng nguy to. Tôi đề nghị Tư Tươi cho cậu thanh niên ở lại với chúng tôi. Tư Tươi đồng ý và đậy nắp hầm, nghi trang giúp chúng tôi. Chúng tôi xếp chỗ cho cậu thanh niên và tôi khẽ dặn dò cậu ta: "Ở đây phải tuyệt đối theo lệnh của tôi. Phải thật bình tĩnh. Có tình huống gì thì để chúng tôi đối phó". Mấy ngày qua, tôi đã quán triệt với đồng chí Công, cận vệ: "Khi ở dưới hầm, nếu lỡ bị địch phát hiện thì phải tỉnh táo kiên quyết chống lại. Phải sẵn sàng các quả lựu đạn để tung lên - khi địch phát hiện, súng AK phải lên đạn sẵn, lên khỏi miệng hầm phải nhắm đúng phía địch mà ria một mất một còn, thoát chạy hoặc hy sinh, không để địch bắt sống...".

Cậu thanh niên im lặng, chúng tôi nghe ngóng tình hình, căng thẳng từng giây, từng phút. Khoảng chưa đầy 15 phút, bỗng lại nghe tiếng động nhẹ mỗi lúc một gần, và... tiếng động vỗ nhẹ trên nắp hầm kèm tiếng gọi khe khẽ: "Mày ở dưới đó phải không?" - Chết thật! Như vậy là thế nào? Tôi hỏi cậu thanh niên dưới hầm. - "Nó cùng tôi thường xuống hầm này, nên hôm nay nó cũng đến như mọi lần". Nguy hiểm quá! Nhưng biết làm sao! Nếu lên tiếng không cho nó xuống, nó lại chạy lung tung, bị địch bắt thì càng tai hại, thôi thì cứ cho nó xuống.

Cậu thanh niên thứ hai mới xuống hầm đã tỏ ra ngạc nhiên sao trong hầm có đến ba người. Tôi khẽ hỏi: "Có ngụy trang lại kỹ nắp hầm chưa?" và ra lệnh như đối với cậu thanh niên trước. Thế là hầm dành cho hai người bất đắc dĩ chứa bốn người. Cậu thanh niên mới xuống hầm cho biết là địch rất đông, còn càn quét lùng sục dữ dội trong ấp, nhưng không đi về phía chúng ta. Từ dưới hầm, chúng tôi nghe văng vẳng tiếng trực thăng đang bay lượn hỗ trợ cuộc càn của bộ binh, thỉnh thoảng lại nghe tiếng nổ lớn, có thể là chúng đánh trái.

Đã 12 giờ trưa mà tiếng động của cuộc càn vẫn chưa dứt. Nhớ lại sáng sớm, chưa kịp ăn uống gì đã chạy càn, bây giờ mới thấm đói. Hai cậu thanh niên ngồi im, tựa vào nhau, cảm giác bây giờ cái hầm không còn chật hẹp như lúc mới xuống. Sợ các cậu ngủ, tôi khẽ dặn dò "không được ngủ, phải để cho tinh thần thật tỉnh táo, nếu có tình huống xảy ra thì đối phó kịp thời". 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, rồi 4 giờ... mà địch vẫn chưa rút. Mãi gần 5 giờ mới nghe im tiếng súng, tiếng nổ, tiếng trực thăng.

Đồng chí Công - cận vệ, hé nấp hầm nghe ngóng, xác định địch đã rút hẳn. Chúng tôi thở phào, thoáng mát biết bao khi thoát khỏi hầm lên hưởng không khí trong lành trên mặt đất, sau ngót 12 tiếng đồng hồ ngột ngạt dưới hầm. Đồng chí Tư Tươi đón tôi, trên đường về cơ quan đã nói lời xin lỗi và tự phê bình: "Chúng tôi có lỗi và thiếu sót quá, xin anh Tư bỏ qua cho" và đồng chí giải thích: "Hầm là của cơ quan đào, nhưng một số thanh niên phát hiện thấy gần đây mình không dùng, họ tưởng mình bỏ, họ chiếm". Chiều và tối hôm đó, sau khi chia nhau đi thăm hỏi và giúp đỡ đồng bào trong ấp nơi địch đã càn qua, chúng tôi họp kiểm điểm rút kinh nghiệm về việc bảo đảm an toàn cho các hầm trú ẩn.

Những ngày sau đó, cho đến cuối tháng 11 tôi được đưa về ấp Đồng Lớn ở tại nhà ông Chín Quỳnh, hội viên Nông hội. Gần nhà ông Chín, Phân khu đoàn có đào một hầm bí mật dành cho chúng tôi. Ở đây tôi chỉ đi làm việc, hội họp từ 3 đến 4 giờ chiều đến đêm, vì ban ngày không thể đi lại an toàn, luôn phải nơm nớp đối phó với những cuộc đổ quân càn quét bất ngờ của địch với những trận pháo bầy, với những đợt oanh kích của máy bay. Có đêm tôi phải đi làm việc xa tận các xã ven đường số 1, gần các đồn bốt; có lần về sát Đồng Dù xã Phước Vĩnh An.

Họp hành thông thường phải ở dưới hầm với nhiều ngóc ngách địa đạo phòng khi bị địch úp chụp bất ngờ thì còn có đường bí mật rút đi, không trồi lên mặt đất. Đêm nào cũng tận 12 giờ, 1 giờ mới về đến nhà, 4 giờ sáng đã phải thức dậy. Thế mà có hôm, sáng sớm chúng tôi chưa kịp ăn sáng địch đã đổ quân xuống càn, chúng tôi phải nhịn đói ngồi hầm gần suốt cả ngày. Lúc đầu chúng tôi cảm thấy rất căng thẳng, nhưng rồi cũng sớm thích nghi với nhịp độ của cuộc chiến tranh, với cuộc sống hàng ngày của quân và dân địa phương.

Mặc cho địch tập trung đánh phá cực kỳ ác liệt vùng "Đất thép" bằng mọi phương tiện chiến tranh, bằng mọi thủ đoạn tinh vi thâm độc, quân và dân, trong đó có đoàn viên và thanh niên vùng này vẫn "một tấc không đi, một li không rời", vững vàng bám đất, đánh địch giữ làng.

Trong hoàn cảnh chung đó, đoàn viên và thanh niên luôn tỏ ra xứng đáng là tuổi trẻ của "Đất thép" anh hùng, có nhiều sáng kiến, rất thông minh, dũng cảm đánh và diệt địch, lập công, đi đầu trong phong trào thi đua diệt Mỹ. Địch càng đưa nhiều quân Mỹ đến chiến trường này thì phong trào thi đua diệt Mỹ càng nở rộ, càng xuất hiện nhiều dũng sĩ diệt Mỹ trên "Đất thép", đa số là đoàn viên và thanh niên.

Đúng vào đêm giao thừa và đêm mùng một Tết Mậu Thân (ngày 30 và 31/1/1968) cùng với quân và dân toàn miền Nam, quân và dân, đoàn viên và thanh niên "Đất thép" đã đồng loạt tổng tiến công bằng cả ba mũi chính trị, binh vận, vũ trang, đánh vào các đồn bốt, căn cứ, huyện lị của địch ở Củ Chi, Bến Cát, Trảng Bàng. Địch bị bất ngờ, co cụm để tìm cách đối phó. Chúng hoang mang dao động, vì với lực lượng rất mạnh, với nhiều vũ khí rất hiện đại mà lại bị ta đánh bất ngờ ngay những nơi là sào huyệt rất kiên cố của chúng, ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị suy sụp nghiêm trọng. Trái lại, qua cuộc tổng tiến công, quân và dân ta càng vững tin ở khả năng sức lực của bản thân, ở chiến thắng trong tương lai.

Đoàn viên và thanh niên vùng "Đất thép" rất tự hào được trực tiếp làm lực lượng xung kích trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, một cuộc Tổng tiến công lịch sử gây tiếng vang cả thế giới, giành thắng lợi vẻ vang, tạo thêm thế và lực để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Lê Quang Thành/NXB Chính trị quốc gia Sự thật

SÁCH HAY