Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách đánh mới trong trận xuân Mậu Thân 1968 của quân ta

Cách đánh độc đáo, sáng tạo trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là sáng tạo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng.

Tet Mau Than 1968,  xuan mau than,  xuan 1968,  noi day mau than,  noi day 1968,  tet,  ky niem 1968,  cuoc tien cong 1968,  tong tien cong 1968 anh 1

Quân giải phóng phát loa báo tin lực lượng cách mạng đã làm chủ quận 6, Sài Gòn (1968): Ảnh: TTXVN.

Thành công lớn trong Tết Mậu Thân của ta là tìm ra cách đánh mới và giữ được bí mật cách đánh về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật làm cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bị bất ngờ, không thể phán đoán nổi. Chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của kẻ địch, tất cả thành phố, tỉnh lị đều bị đồng loạt tiến công, kể cả các vị trí trọng yếu như Bộ Tổng Tham mưu đến Biệt khu Thủ đô, từ Dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn đến Toà Đại sứ Mỹ.

Đây là một cách đánh rất độc đáo, ta không chỉ tiến công tuần tự từ ngoài vào trong mà kết hợp từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, dưới nhiều hình thức (quân sự, chính trị, binh vận), bằng nhiều lực lượng (chủ lực, đặc công, biệt động, lực lượng tại chỗ...), kết hợp giữa tiến công và nổi dậy đồng loạt, rộng khắp trên toàn chiến trường miền Nam. Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1968-1972) nhận định: Cách đánh của Mậu Thân quả thật là độc nhất vô nhị trong chiến tranh từ trước đến nay mà lực lượng ta dùng là lực lượng tổng hợp quân sự, chính trị, trong nước và ngoài nước. Cách đánh trong Tết Mậu Thân 1968 rất sáng tạo, trước hết là xác định về hướng tiến công chủ yếu, mục tiêu tiến công chủ yếu, ta nhằm vào các đô thị ở miền Nam. Đây là đòn tiến công bất ngờ lớn, khiến cho quân địch không kịp trở tay, làm cho giới lãnh đạo Mỹ phải sững sờ, choáng váng.

Đòn tiến công của ta đã nhằm trúng vào các mục tiêu yết hầu, huyết mạch của địch, bao gồm các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của chính quyền Sài Gòn, các Sở chỉ huy, sân bay, bến cảng, kho tàng, căn cứ truyền tin, đầu mối giao thông, đặc biệt là đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ, những mục tiêu nhạy cảm nhất trong bộ máy chiến tranh của chúng ở miền Nam. Địch vẫn cho rằng bộ đội ta ít kinh nghiệm đánh thành phố và chưa có khả năng đánh vào các trung tâm đầu não của chúng. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm kháng chiến, ta đã đưa được chiến tranh vào thành thị, biến hậu phương và hậu cứ địch thành chiến trường của ta. Còn Rôbớt Kennơđi (Robert Kennedy) - Thượng nghị sĩ Mỹ đã phải thốt lên rằng: Tại sao nửa triệu lính Mỹ có 70 vạn lính Nam Việt Nam cộng tác, có ưu thế hoàn toàn trên không và ngoài biển, được cung cấp quá đầy đủ và được trang bị những vũ khí hiện đại nhất lại không có khả năng bảo vệ được thành phố khỏi bị đối phương tấn công.

Chọn thời điểm tiến công vào dịp Tết Nguyên đán - đúng đêm giao thừa, lúc mà địch dễ bộc lộ sơ hở, chủ quan và lơi lỏng nhất, các đơn vị quân đội Sài Gòn chỉ còn một nửa quân số thực hiện nhiệm vụ, khiến cho Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn lúng túng trong việc ứng phó. Đồng thời, bước vào năm 1968 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, năm mà tình hình nước Mỹ rất nhạy cảm về chính trị. Vào thời điểm này, Mỹ đã qua 8 năm trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Chúng cũng từng mở hai cuộc phản công chiến lược lớn vào mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 nhưng không đạt được kết quả gì đáng kể, trái lại chúng còn bị quân và dân miền Nam đánh cho thiệt hại nặng nề và thất bại hoàn toàn trong mục tiêu chiến lược "bẻ gãy xương sống Việt Cộng".

Leo thang đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam và uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta cũng không xoay chuyển được tình thế. Tính đến tháng 12-1967, Mỹ đã huy động vào cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam nửa triệu quân với 40% số sư đoàn bộ binh sẵn sàng chiến đấu của nước Mỹ, 30% lực lượng không quân chiến thuật, 1/3 lực lượng hải quân, đã sử dụng hết lực lượng dự trữ dành cho một cuộc "chiến tranh cục bộ". Gánh nặng chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và xã hội nước Mỹ, đến chiến lược toàn cầu của Mỹ. Đế quốc Mỹ đang trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Về phía ta, đây là lúc các lực lượng quân sự, chính trị ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó và ta đang nắm quyền chủ động trên chiến trường. Từ những phân tích đánh giá trên, Đảng ta đã khẳng định: "Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn", tình hình đó cho phép chúng ta "có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định".

Tết Mậu Thân 1968 giành được thắng lợi rất to lớn, đã trực tiếp đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt chiến lược quan trọng nhất của cuộc chiến tranh làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của Mỹ. Nó đã làm cho Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh, từ tiến công "tìm và diệt" qua phòng ngự "quét và giữ" để xuống thang chiến tranh, chuyển sang "phi Mỹ hóa" rồi "Việt Nam hóa chiến tranh" dần dần rút quân Mỹ về nước, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra đến chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris và tiến tới kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cách đánh độc đáo, sáng tạo trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sáng tạo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, đó là truyền thống dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng những kẻ thù lớn mạnh. Đó là truyền thống lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông. Cách đánh trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự kế thừa và phát huy lên một tầm cao mới, trong điều kiện mới truyền thống đánh giặc giữ nước và nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam.

Đại tá, ThS Phạm Anh Tuấn/NXB Chính trị quốc gia Sự thật

SÁCH HAY