Giá cổ phiếu Tesla tăng hơn 400% kể từ đầu năm, đẩy định giá của công ty lên mức đỉnh 464 tỷ USD hồi cuối tháng 8. Khi đó, chỉ có 6 công ty Mỹ có giá trị vốn hóa cao hơn hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk. Giới tài chính quốc không thể giải thích nổi "hiện tượng Tesla" cho đến tuần trước.
Ngày 5/9, Financial Times đưa tin trong thời gian qua, Tập đoàn SoftBank chi hàng tỷ USD mua hợp đồng quyền chọn (option) cổ phiếu công nghệ, đẩy số lượng giao dịch hợp đồng quyền chọn lên mức cao chưa từng thấy tại trung tâm tài chính Mỹ. Do đó, giá cổ phiếu hàng loạt hãng công nghệ, trong đó có Tesla, tăng phi mã.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu Tesla lao dốc 16% kể từ đầu tháng 9, hậu quả là 75 tỷ USD vốn hóa bay hơi. Giá tiếp tục sụt thêm 15% hôm 8/9 sau khi Ủy ban S&P 500 quyết định không đưa Tesla vào chỉ số chứng khoán S&P 500. Dù vậy, trong hai phiên giao dịch sau đó, giá cổ phiếu Tesla tăng trở lại, hiện dao động ở mức 370 USD.
Như vậy, định giá của Tesla đang ở mức 348,72 tỷ USD, vẫn cao gấp gần 4 lần Volkswagen AG, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Business Insider dẫn lời nhà phân tích Steve Kalayjian của nền tảng giao dịch Ticker Tocker dự báo giá cổ phiếu Tesla có thể sớm giảm 5-10%.
Tesla của tỷ phú Elon Musk đang khiến giới đầu tư lo ngại. Ảnh: Getty. |
"Thêm một tin xấu, giá cổ phiếu Tesla sẽ lao dốc rất nhanh", chuyên gia Kalayjian nhấn mạnh. Ông thậm chí cho rằng giá có thể sụt xuống mức 200-250 USD/cổ phiếu. Nhiều nhà phân tích công nghệ khác cũng bi quan về Tesla dù tin tưởng giá cổ phiếu các tập đoàn công nghệ khác sẽ ổn định.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà phân tích nổi tiếng David Trainer, CEO hãng New Constructs, mô tả Tesla là "cổ phiếu nguy hiểm nhất Phố Wall" ở thời diểm đầu tháng 9. Ông mô tả Tesla là một "lâu đài trên cát" có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào. Theo ông, định giá của Tesla lẽ ra phải thấp hơn 10 lần so với mức hơn 400 tỷ USD thời điểm đó.
Theo Bloomberg, trên thực tế nền tảng tài chính của Tesla không vững vàng như các công ty công nghệ khác. Hãng xe điện của tỷ phú Musk không hưởng lợi từ dịch Covid-19 như Amazon, không có lợi nhuận khổng lồ như Apple, Microsoft hay Alphabet (công ty mẹ của Google). Trên thực tế, Tesla chưa từng có lãi.
Tất nhiên Tesla đã xây dựng được một thương hiệu mạnh và công nghệ xe tự hành của hãng thuộc loại tân tiến nhất hiện nay. Nền tảng sản xuất của Tesla cũng được mở rộng với nhà máy ở Thượng Hải (Trung Quốc). Hơn nữa, việc bán 5 tỷ USD cổ phiếu tuần trước cũng giúp Tesla xây thêm các nhà máy mới tại Đức và Texas (Mỹ), cũng như có nguồn tiền mặt dự trữ.
Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu của Tesla không mấy ấn tượng trong thời gian qua. Một nguyên nhân là hàng loạt hãng xe hơi đã tung ra thị trường các mẫu xe điện mới, khiến sự cạnh tranh trở nên rất khốc liệt.
Doanh số và thị phần của Tesla ở châu Âu sụt giảm trong năm nay, thậm chí trước khi Volkswagen tung ra một số mẫu SUV điện giá rẻ. Giới phân tích dự báo Volkswagen sẽ vượt qua Tesla để chiếm vị thế nhà sản xuất ôtô điện lớn nhất thế giới trong 2 năm nữa.