Những năm gần đây, các nhà phân tích đã tranh cãi về khả năng tồn tại của tàu sân bay Mỹ trong kỷ nguyên của các loại tên lửa chống hạm tầm xa. Đặc biệt, Trung Quốc được xem là cường quốc quân sự có thể nhấn chìm tàu sân bay Mỹ trên biển.
Tuy vậy, Hải quân Mỹ dường như ít lo lắng về các cuộc tấn công nhắm vào tàu sân bay so với những người ngoài cuộc. Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, nói với các quan chức vào hồi đầu năm, rằng “hiện tại chúng tôi ít bị tổn thương nhất so với từ Thế chiến II tới giờ”.
Tạp chí Forbes có bài phân tích của tác giả Loren Thompson, Giám đốc điều hành Viện Lexington ở Virginia, Mỹ, về những thách thức mà quân đội Trung Quốc đối mặt khi nhắm mục tiêu tàu sân bay Mỹ.
Tàu sân bay quá nhỏ so với đại dương
Một lý do khiến Hải quân Mỹ không quá sốt sắng trước mối đe dọa từ tên lửa của Trung Quốc, vì họ đã đầu tư rất nhiều vào các công nghệ mới, nhằm củng cố khả năng phòng thủ cho các nhóm tác chiến tàu sân bay.
Hải quân Mỹ cũng thay đổi chiến thuật để hoạt động gần Trung Quốc hơn. Nhưng lý do lớn nhất để Hải quân Mỹ tự tin nằm ở sự khó khăn mà Trung Quốc sẽ gặp phải trong việc tìm kiếm và theo dõi tàu sân bay.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ quá nhỏ bé so với đại dương bao la. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Về mặt lý thuyết, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ là mục tiêu cỡ lớn. Nó dài hơn 300 m, cao bằng tòa nhà 25 tầng. Boong tàu bằng thép dài hơn 3 sân bóng đá có mức độ phản xạ tín hiệu radar rất lớn.
Tuy nhiên, tàu sân bay dù kích thước rất lớn, nhưng nó vẫn quá nhỏ bé so với đại dương. Chỉ riêng Biển Đông, một trong các vùng biển tiếp giáp Trung Quốc có diện tích tới hơn 3,6 triệu km2.
Một nhóm tác chiến tàu sân bay hoạt động ở một trong các vùng biển tiếp giáp có thể thực hiện cuộc tấn công vào Trung Quốc với tiêm kích trên hạm. Trong khi chúng có thể dễ dàng ẩn nấp ở đâu đó trên Tây Thái Bình Dương.
Nếu một tàu sân bay đang tiến hành hoạt động kiểm soát trên biển, thì việc giữ các tuyến đường biển mở cho đồng minh quan trọng như Nhật Bản có thể vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, song song với bờ biển Trung Quốc.
Do đó, thật khó để tìm kiếm và xác định mục tiêu trong hàng triệu km2 trên đại dương bao la. Bên cạnh đó, tàu sân bay Mỹ liên tục di chuyển. Siêu tàu sân bay Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân nên gần như không bị giới hạn về phạm vi.
Tàu sân bay Mỹ chạy với tốc độ tối đa hơn 30 hải lý/giờ. Với tốc độ như vậy, tàu sân bay Mỹ có thể ở bất kỳ đâu trong khu vực rộng 1.800 km2 sau 30 phút. Khu vực này mở rộng thành 15.500 km2 sau 90 phút.
Đó cũng là thời gian cần thiết từ khi phát hiện mục tiêu tàu sân bay đến khi có lệnh phóng tên lửa từ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là nếu lệnh phóng tên lửa được ban hành, tàu sân bay Mỹ đã di chuyển khỏi vị trí ban đầu một quãng rất xa.
Những rào cản công nghệ với Trung Quốc
Thách thức lớn nhất đối với quân đội Trung Quốc là xác định mục tiêu tàu sân bay Mỹ theo thời gian thực. Đầu tiên, họ phải tìm kiếm và xác định mục tiêu tàu sân bay, cập nhật liên tục vị trí của nó trên biển. Sau đó khóa mục tiêu tàu sân bay vào một vũ khí cụ thể.
Thách thức tiếp theo là vượt qua lớp phòng thủ nhiều tầng bảo vệ cho các hàng không mẫu hạm để tiếp cận được mục tiêu. Cuối cùng là đánh giá thiệt hại xem cuộc tấn công có vô hiệu hóa được tàu sân bay Mỹ hay không.
Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc tuyên bố tên lửa DF-21D là sát thủ diệt tàu sân bay. Ảnh: AP. |
Hải quân Mỹ gọi quá trình này là “chuỗi tiêu diệt”. Mỗi bước được thực hiện một cách tuần tự, nếu bất kỳ liên kết nào trong chuỗi bị hỏng, thì toàn bộ quá trình sẽ thất bại. Hải quân Mỹ và các đồng minh đã có kế hoạch để phá vỡ từng bước trong chuỗi tiêu diệt.
Cụ thể, đối với bước đầu tiên trong chuỗi là xác định mục tiêu. Trung Quốc có thể sử dụng radar trinh sát tầm xa. Radar này sử dụng bước sóng dài và dùng tầng điện ly để phản xạ tín hiệu trở lại mặt đất, sau đó tiếp nhận thông tin phản xạ trở lại theo cách tương tự.
Trung Quốc có ít nhất 2 radar khổng lồ có thể làm điều này, nhưng phạm vi phủ sóng rất khiêm tốn so với đại dương bao la. Việc sử dụng tầng điện ly để phản xạ sóng radar giúp tín hiệu đi xa hơn và không bị ảnh hưởng bởi giới hạn đường chân trời, nhưng chất lượng hình ảnh thu lại được khá thấp và rất khó để xác định mục tiêu một cách chính xác.
Bên cạnh đó, radar có kích thước rất lớn và được đặt cố định biến chúng trở thành mục tiêu dễ bị tấn công khi chiến tranh bắt đầu. Lựa chọn thứ 2 cho Trung Quốc là sử dụng vệ tinh, tương tự loại mà Mỹ đang sử dụng để giám sát các đại dương.
Nhưng để xác định mục tiêu chính xác bằng vệ tinh, nó phải được triển khai ở quỹ đạo thấp cách bề mặt Trái Đất khoảng 900 km. Ở độ cao như vậy, với tốc độ quay quanh Trái Đất là 25.749 km/h, vệ tinh sẽ nhanh chóng biến mất khỏi đường chân trời và phải mất hơn 1 tiếng sau để trở lại vị trí ban đầu.
Bất kỳ vũ khí nào của Trung Quốc muốn tiếp cận tàu sân bay Mỹ đều phải vượt qua lớp phòng thủ dày đặc này. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Hải quân Mỹ cho rằng để giám sát liên tục các đại dương gần Trung Quốc, Bắc Kinh cần có ít nhất 3 chòm sao vệ tinh theo hướng bắc – nam. Mỗi chòm sao như vậy phải có hàng chục vệ tinh để đảm bảo phủ sóng liên tục. Trung Quốc không có mạng lưới vệ tinh dày đặc như vậy.
Tùy chọn thứ 3 là sử dụng máy bay có hoặc không có người lái trang bị radar để tiếp cận gần tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, tàu sân bay Mỹ được bao quanh bởi mạng lưới phòng thủ gồm các tàu khu trục, tuần dương, máy bay. Trung Quốc không có máy bay nào đủ khả năng để tiếp cận và duy trì giám sát liên tục đối với tàu sân bay Mỹ. Điều tương tự được áp dụng đối với tàu chiến mặt nước và tàu ngầm.
Như vậy, ngay ở bước đầu tiên là xác định mục tiêu, quân đội Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn.
Một số nhà quan sát nhấn mạnh đến mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc với đầu đạn có khả năng cơ động. Tuy vậy, chưa có quốc gia nào phát triển thành công loại tên lửa đạn đạo có thể bám theo mục tiêu di chuyển.
Đối với tên lửa chống hạm, tầm bắn càng xa thì khả năng cập nhật tham số mục tiêu từ cảm biến bên ngoài lại càng trở nên quan trọng. Vì vậy, nếu không có hệ thống trinh sát liên tục cập nhật tham số mục tiêu cho tên lửa, vũ khí phần lớn sẽ trở nên vô dụng.
Vấn đề này được áp dụng cho tất cả vũ khí, dù là tên lửa đạn đạo hay phương tiện bay siêu thanh. Nếu vị trí mục tiêu không được cập nhật kịp thời và khá chính xác, thì đầu đạn sẽ không có khả năng tấn công mục tiêu.
Điểm mấu chốt là Trung Quốc chưa vượt qua được các rào cản trên ở thời điểm hiện tại, cũng như tương lai gần. Quân đội Trung Quốc có thể quấy rối nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Nhưng để nhấn chìm một hàng không mẫu hạm Mỹ, cái giá phải trả có thể sẽ rất lớn.