Đây là vụ mới nhất trong một chuỗi các đợt tấn công nhằm vào những căn cứ của Mỹ ở Iraq, diễn ra sau khi Washington đe dọa đóng cửa đại sứ quán và rút 3.000 quân khỏi nước này.
Tình trạng dân thường thương vong trong các vụ tấn công tương tự đã có phần sụt giảm trong năm qua. Do đó, vụ việc hôm 28/9 gây nhiều chú ý vì số dân thường thiệt mạng đáng kể.
Phía quân đội cho biết thêm hai trẻ em khác bị thương trong vụ tấn công.
3 trẻ em và 2 phụ nữ trong một gia đình ở Iraq đã thiệt mạng do tên lửa rơi trúng nhà ngày 28/9. Ảnh: AFP. |
Hiện chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc. Thương vong của dân thường có thể khiến nhóm chịu trách nhiệm vào vị thế bất lợi bởi người dân đã kiệt quệ sau nhiều năm bạo lực của các nhóm vũ trang khác nhau.
Quân đội Iraq cáo buộc "các băng nhóm tội phạm và những phần tử sống ngoài vòng pháp luật" đang tìm cách "gây hỗn loạn và khủng bố người dân".
Từ tháng 10/2019 đến tháng 7/2020, ít nhất 39 cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq được ghi nhận. Một số vụ tương tự tiếp tục xảy ra trong khoảng thời gian sau đó.
Các nguồn tin tình báo của Iraq đã đổ lỗi các cuộc tấn công lên một nhóm nhỏ các phe phái bán quân sự cứng rắn do Iran hậu thuẫn.
Các sĩ quan cấp cao của Mỹ hiện coi các nhóm vũ trang thân Iran là mối đe dọa lớn. Washington đã yêu cầu Baghdad hành động dứt khoát. Thế nhưng, Iraq phải cân nhắc hành động để giữ thế cân bằng với ảnh hưởng của Mỹ và nước láng giềng Iran.
AFP dẫn một số nguồn tin cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi điện cho Tổng thống Iraq Barham Saleh trong tháng này và đe dọa đóng cửa đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Đó được coi là một đòn mới đối với Thủ tướng Mustafa al-Kadhemi, người vừa nhậm chức hồi tháng 5.
Trong khi ông được coi là người thân phương Tây, các quan chức Mỹ đã cáo buộc ông không kiên quyết chống lại các nhóm thân Iran.
Một quan chức Iraq nói với AFP: "Tuần trăng mật đã kết thúc".
Tối hậu thư của Mỹ được đưa ra sau những lời đe dọa trừng phạt nhằm vào các nhân vật chính trị và quân sự cấp cao.
Kể từ đó, giáo sĩ và chính trị gia người Shiite theo chủ nghĩa dân túy Moqtada Sadr đã kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra về các cuộc tấn công tên lửa. Đề xuất này được ông Kadhemi ủng hộ.
Liên minh bán quân sự Hashed đã sa thải một số chỉ huy bị cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công vào căn cứ phương Tây, đồng thời phủ nhận trách nhiệm về hành vi của các nhóm tự xưng có liên quan tới Hashed và "có các hành vi quân sự bất hợp pháp chống lại lợi ích nước ngoài".
Tuy nhiên, nhiều nhóm theo đường lối cứng rắn hơn đã tăng cường các luận điệu chống Mỹ.
Một quan chức phương Tây giấu tên cho biết: “Nếu Washington hiện thực hóa lời đe dọa và rút quân, những nhóm này sẽ có thể khoe khoang rằng họ đã khiến người Mỹ ra khỏi Iraq với chi phí thấp”.