Nếu Mỹ có bất kỳ động thái nào nhằm giảm quy mô hiện diện ngoại giao tại một quốc gia có tới 5.000 quân, nhiều quốc gia trong khu vực sẽ coi đây là sự leo thang căng thẳng với Iran.
Động thái này có thể dẫn đến triển khai quân sự trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Reuters dẫn lời hai nguồn tin từ chính phủ Iraq cho biết trong cuộc điện đàm cách đây một tuần với Tổng thống Barham Salih, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đe dọa đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Iraq. Cuộc trò chuyện ban đầu được tường thuật bởi một trang tin của Iraq.
Trích dẫn nguồn tin này và hai nhà ngoại giao phương Tây khác, Reuters cho biết đến ngày 27/9, Washington đã bắt đầu chuẩn bị rút nhân viên ngoại giao nếu đại sứ quán Mỹ ở Iraq được lệnh đóng cửa.
Ngoại trưởng Pompeo được cho đã đe dọa đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Iraq. Ảnh: Reuters. |
Người dân Iraq lo ngại rằng Mỹ sẽ nhanh chóng rút các nhà ngoại giao về nước sau khi triển khai quân sự chống lại các lực lượng mà Mỹ cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công.
Giáo sĩ dân túy người Iraq Moqtada al-Sadr, người chỉ huy hàng triệu người Iraq, tuần trước kêu gọi các nhóm tránh leo thang căng thẳng và tránh biến Iraq thành chiến trường.
Một trong những nhà ngoại giao phương Tây cho biết chính quyền Mỹ "không muốn bị giới hạn lựa chọn" trong việc làm suy yếu Iran hoặc các lực lượng thân Iran ở Iraq. Khi được hỏi liệu Washington có khả năng đáp trả bằng các biện pháp kinh tế hay quân sự hay không, nhà ngoại giao này trả lời: "Các cuộc tấn công".
Khi được hỏi về kế hoạch rút nhân sự khỏi Iraq, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Chúng tôi không bao giờ bình luận về các cuộc thảo luận ngoại giao kín của ngoại trưởng với các nhà lãnh đạo nước ngoài... Việc các nhóm do Iran hậu thuẫn phóng tên lửa vào đại sứ quán của chúng tôi là mối nguy hiểm không chỉ đối với chúng tôi mà còn đối với chính phủ Iraq".
Nguy cơ trở thành chiến trường
Tại khu vực Trung Đông nơi các quốc gia bị chia rẽ giữa một bên là đồng minh của Iran và một bên là đồng minh của Mỹ, Iraq là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi khi có quan hệ chặt chẽ với cả hai. Tuy nhiên, điều này từ lâu cũng để ngỏ nguy cơ biến Iraq trở thành chiến trường cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.
Rủi ro đó đã ập đến vào tháng 1, khi Washington tiêu diệt vị tướng quân nổi tiếng nhất của Iran Qassem Soleimani trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại sân bay Baghdad. Iran đáp trả bằng vụ bắn tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq.
Kể từ đó, một thủ tướng mới thân Mỹ lên nắm quyền ở Iraq, trong khi Tehran vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với các phong trào vũ trang hùng mạnh của người Hồi giáo dòng Shiite.
Tên lửa thường xuyên bay qua Tigris về phía khu nhà ngoại giao kiên cố của Mỹ, vốn được xây dựng để trở thành Đại sứ quán Mỹ lớn nhất trên thế giới.
Người biểu tình ném bình hơi cay về phía lực lượng an ninh Iraq trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở Baghdad, Iraq ngày 25/1. Ảnh: Reuters. |
Trong những tuần gần đây, các cuộc tấn công bằng tên lửa gần Đại sứ quán Mỹ ở Iraq đã gia tăng, cùng với đó là các vụ đánh bom trên đường nhằm vào các đoàn xe chở thiết bị cho liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Một cuộc tấn công trong số đó đã nhằm vào đoàn xe của Anh ở Baghdad. Đây là vụ đụng độ đầu tiên thuộc loại này nhằm vào các nhà ngoại giao phương Tây ở Iraq trong nhiều năm.
Hai nguồn tin tình báo Iraq cho rằng kế hoạch rút các nhà ngoại giao Mỹ vẫn chưa được thực hiện và sẽ phụ thuộc vào việc liệu lực lượng an ninh Iraq có thể ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy hay không.
Hai nguồn tin này cho biết thêm đã nhận được lệnh ngăn chặn các cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ. Họ cũng được thông báo rằng Mỹ sẽ chỉ rút nhân viên ngoại giao về nước nếu họ thất bại trong nhiệm vụ này.
Con dao hai lưỡi
Người Iraq đang lo ngại về tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 đối với các quyết sách của chính quyền Tổng thống Trump.
Trong khi ông Trump tự hào về đường lối cứng rắn của mình chống lại Iran, từ lâu ông cũng cam kết sẽ rút quân đội Mỹ khỏi các cuộc giao tranh ở Trung Đông. Mỹ đã cắt giảm lực lượng được triển khai đến Iraq chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từ năm 2014 đến năm 2017.
Một số quan chức Iraq cho rằng lời cảnh báo rút nhà ngoại giao về nước của Ngoại trưởng Pompeo chỉ là hăm dọa, vốn có dụng ý nhắm tới các nhóm vũ trang để ngăn chặn các cuộc tấn công. Tuy nhiên, các quan chức này cho rằng lời đe dọa này có thể sẽ phản tác dụng khi kích động dân quân, khiến các nhóm này coi đây là cơ hội làm Washington rút lui.
Gati Rikabi, thành viên của ủy ban an ninh quốc hội Iraq, cho biết: "Việc Mỹ đe dọa đóng cửa đại sứ quán chỉ là chiến thuật gây áp lực, nhưng là một con dao hai lưỡi".
Ông và một thành viên khác thuộc ủy ban này cho biết các động thái của Mỹ vốn có mục đích khiến các nhà lãnh đạo Iraq ủng hộ Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi sợ hãi, nhưng không thành công.
Lực lượng chống khủng bố Iraq đứng gác trước đại sứ quán Mỹ ở Baghdad hôm 2/1. Ảnh: AFP. |
Cả hai phía đều có "diều hâu"
Lực lượng dân quân đang chịu áp lực của dư luận trong việc kiềm chế những người ủng hộ. Kể từ năm 2019, dư luận ở Iraq đã quay lưng lại với các nhóm chính trị được coi là thân Iran gây ra tình trạng bạo lực.
Trước công chúng, các nhóm dân quân Shiite hùng mạnh do Iran hậu thuẫn đã cố gắng tránh xa các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu phương Tây.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng lực lượng dân quân Shiite hoặc những người ủng hộ Iran đã tạo ra các nhánh nhỏ để thực hiện những cuộc tấn công như vậy nhằm giúp tổ chức chính né trách nhiệm.
Một nhân vật cấp cao trong đảng chính trị Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq cho biết Tổng thống Trump có thể muốn rút các nhà ngoại giao ra, tránh để họ bị tổn hại và tránh sự cố đáng xấu hổ trước dịp bầu cử.
Quan chức này cho rằng các cuộc tấn công của dân quân không nhất thiết nằm dưới sự kiểm soát của Tehran, đồng thời lưu ý rằng Bộ Ngoại giao Iran đã công khai kêu gọi ngừng các cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan ngoại giao ở Iraq.
"Iran muốn gạt bỏ người Mỹ, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào. Nước này không muốn có bất ổn ở biên giới phía tây. Cũng giống như các nhóm diều hâu ở Mỹ, cũng có diều hâu ở Iran - những người có liên hệ với các nhóm thực hiện các cuộc tấn công và không nhất thiết tuân theo chính sách của nhà nước”, lãnh đạo đảng chính trị Hồi giáo dòng Shiite này nói, đề cập đến các nhóm chính trị gia theo trường phái diều hâu cứng rắn.