Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Temu được gì khi chia hoa hồng cao 'không tưởng' ở Việt Nam?

Ngoài tạo làn sóng tham gia affiliate tại Việt Nam, trước đó tại Mỹ và châu Âu, Temu cũng vượt mặt eBay và cạnh tranh sát sao với Amazon nhờ chi hoa hồng mạnh tay.

Temu tạo làn sóng bàn tán và "share link" tại Việt Nam chỉ trong 3 ngày ra mắt. Ảnh: Xuân Sang.

"Đây là cách tôi kiếm được 100 triệu đơn giản với Temu”, “Cơ hội kiếm tiền cực khủng chỉ trong 24 giờ"... mạng xã hội Việt Nam những ngày vừa qua tràn ngập những bài viết, video kêu gọi tham gia chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) của Temu, thu hút hàng chục nghìn lượt xem và tương tác từ người dùng.

Với nhiều người, những bài đăng này có thể gây phiền toái khi thường xuất hiện dưới dạng "spam link" hoặc quảng cáo theo kiểu đa cấp, nhưng không thể phủ nhận nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc đã tạo bùng nổ lớn tại Việt Nam chỉ sau 3 ngày ra mắt chương trình affiliate.

Đổ xô chạy theo chính sách “béo bở”

Dù chỉ mới đặt chân vào thị trường Việt Nam, Temu đã mạnh tay chi hoa hồng tới 30% cho những người tham gia giới thiệu người dùng mới.

Temu còn áp dụng mô hình tiếp thị “đa cấp” khi cho phép những người làm affiliate giới thiệu người khác tham gia để nhận thêm 20% hoa hồng từ thu nhập của những người mà họ giới thiệu.

Mức hoa hồng cao gấp 3 lần so với các sàn lớn như Shopee, Lazada đi kèm với các chính sách hỗ trợ người làm tiếp thị liên kết tiện lợi khiến nhiều người đổ xô tham gia tranh thủ để kiếm thu nhập.

Temu anh 1

Mức hoa hồng hấp dẫn với những thao tác tham gia dễ dàng khiến nhiều người đổ xô tham gia Temu affiliate. Ảnh: Xuân Sang.

"Tuy nhiên, những khoản hoa hồng hàng trăm triệu thực chất chỉ là con số hiển thị trên màn hình, rất khó để rút được số tiền thực tế lớn đến vậy vì các điều kiện phức tạp", ông Dương Trọng Nghĩa, nhà sáng lập của Lemon Digital và CEO của KP3. Agency, chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Cụ thể, người tham gia chỉ có thể nhận hoa hồng cho 10 giao dịch mua hàng đầu tiên từ người dùng mới trong vòng 30 ngày. Nếu đơn hàng bị hủy, hoàn trả hoặc không đạt những điều kiện đi kèm, người tham gia cũng sẽ mất quyền nhận hoa hồng.

Ngay cả khi đủ điều kiện, việc rút tiền từ Temu không đơn giản. Người tham gia phải chuyển tiền qua PayPal và thực hiện nhiều thao tác khác để chuyển đổi tiền.

“Paypal hiện chưa hỗ trợ rút tiền tại Việt Nam, người dùng sẽ mất ít nhất một tháng để thực sự nhận được tiền thưởng”, ông Nghĩa cho biết.

Theo The Times, dù áp dụng các chương trình affiliate tương tự tại Mỹ hay châu Âu, Temu vẫn chưa chứng minh rõ ràng việc người tham gia có thể rút được tiền mặt từ affiliate. Thay vào đó, đối tác thường chỉ nhận được điểm thưởng hoặc sản phẩm miễn phí từ ứng dụng, thay vì tiền mặt.

Nước đi khôn ngoan

Dẫu vậy, ông Nghĩa khẳng định chương trình tiếp thị liên kết với tỷ lệ hoa hồng cao "không tưởng" là chiến lược truyền thông cực kỳ khôn ngoan của Temu.

Tính riêng ngày 22/10, từ khóa "Temu Affiliate" đã thu hút hơn 22.000 lượt thảo luận trên Facebook. Thống kê của Google Trends cũng ghi nhận lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan tăng vọt, điển hình như từ khóa "tiếp thị liên kết Temu" và "aff Temu" tăng lần lượt 14-23 lần chỉ trong vòng 24 giờ.

"Temu chỉ cần đổ tiền vào chính sách tiếp thị liên kết và thu về nguồn lợi truyền thông hoàn toàn miễn phí từ hàng trăm nghìn bài đăng quảng bá, kêu gọi tham gia ứng dụng", ông Nghĩa đánh giá.

Temu anh 2

Hàng loạt bài đăng "spam link" quảng bá, kêu gọi mọi người tham gia Temu. Ảnh: Xuân Sang.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Lâm, chuyên gia bán hàng trực tuyến và CEO của Julyhouse, lại cho rằng hiệu ứng truyền thông này là điều bình thường đối với một nền tảng mới.

"Tạo làn sóng chia sẻ link giới thiệu là điều bắt buộc để Temu có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn như Shopee, Lazada", ông Lâm cho biết.

Đồng thời, vị này cũng cho rằng tiềm năng của Temu chưa chắc bằng các ông lớn hiện tại ở Việt Nam như Shopee, Lazada hay TikTok Shop.

Trên thực tế, Temu thâm nhập Việt Nam trong thời kỳ ngành thương mại điện tử đã tương đối phát triển với nhu cầu mua sắm online tăng nhanh. Do đó, Temu không nhất thiết phải đốt nhiều tiền để thu hút khách hàng như cách Shopee, Lazada từng làm.

Ông Lâm đánh giá Temu không hề gặp những rào cản về thị trường hay tâm lý tiêu dùng yếu như Shopee hay Lazada từng gặp phải. Mặt khác, việc cơ sở hạ tầng, giao thông đã được cải thiện đáng kể còn giúp tốc độ giao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam tương đương tốc độ giao hàng trong nước.

"Khó khăn lớn nhất mà Temu gặp phải là cuộc chiến thị phần với Big 4 thương mại điện tử Việt Nam, gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki", ông Lâm nhận định.

Theo báo cáo của YouNet ECI, người dùng Việt Nam đã chi 87.370 tỷ đồng mua hàng trên 4 sàn thương mại điện tử trong quý II/2024.

Trong đó, Shopee dẫn đầu với 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. TikTok Shop xếp ngay sau với 19.240 tỷ đồng, chiếm 22%. Cả hai sàn này nắm 93,4% thị phần tổng giao dịch, biến cuộc đua thương mại điện tử thành cuộc cạnh tranh giữa Shopee và TikTok Shop.

Đe dọa eBay, Amazon tại Mỹ

Theo The Paper, chỉ sau hơn 2 năm đến Mỹ, Temu đã nhanh chóng vượt qua eBay, trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới với 700 triệu lượt truy cập hàng tháng, trong đó 25% đến từ thị trường Mỹ. Trong khi đó, Amazon dẫn đầu với 2,7 tỷ lượt truy cập, phần lớn đến từ người dùng tại Mỹ.

Tuy nhiên, tính đến tháng 8, lượng người dùng toàn cầu của Temu đã đạt 91% so với Amazon. Dự báo đến cuối năm nay, Temu sẽ chính thức vượt Amazon về số lượng người dùng toàn cầu, theo báo cáo của Sensor Tower.

Sự thành công của Temu tại thị trường Mỹ phần lớn đến từ các chiến dịch giảm giá “sập sàn” với khẩu hiệu "mua sắm như tỷ phú". Nhiều sản phẩm trên Temu giảm giá đến 90%, miễn phí vận chuyển, và thậm chí một số mặt hàng gần như được tặng miễn phí.

Temu cũng nâng cấp trải nghiệm mua sắm của khách hàng bằng các chính sách hoàn tiền, trả hàng miễn phí trong 90 ngày cũng như cho phép giữ lại sản phẩm nếu giao hàng trễ.

Thậm chí, người dùng đã có thể nhận được sản phẩm mà không cần trả bất kỳ khoản tiền nào nhờ vào các chương trình "tín dụng" từ việc giới thiệu bạn bè. Cụ thể, người dùng có thể quy đổi tiền hoa hồng tích lũy từ chương trình affliate để trực tiếp mua hàng trên Temu.

Chia sẻ với The Time, Brianna Lukey, một người mua hàng ở Texas (Mỹ), đã nhận thành công đơn hàng trị giá 200 USD mà không phải trả tiền nhờ khoản tiền thưởng có được sau khi mời bạn bè tham gia. Ban đầu, cô nghi ngờ nhưng sau khi đăng bài giới thiệu trên mạng xã hội, cô đã tích lũy đủ điểm "tín dụng" để sở hữu nhiều sản phẩm miễn phí.

Bên cạnh việc "đốt tiền" cho các chương trình khuyến mãi, Temu còn tập trung vào việc tặng tín dụng PayPal và phiếu mua hàng cho người dùng mới. Hiện tại, người dùng được khuyến khích mời thêm bạn bè với phần thưởng từ 1 xu đến 1 bảng Anh cho mỗi người tham gia thành công.

Temu anh 3

Giá bán sản phẩm tại thị trường Mỹ và châu Âu cũng rất thấp để cạnh tranh với eBay, Amazon. Ảnh: Temu.

Một số chuyên gia cho rằng Temu đang áp dụng chiến lược trợ giá để chiếm lĩnh thị trường tương tự Amazon.

“Họ đang chịu lỗ để giành thị phần”, GS Douglas Schmidt từ Đại học Vanderbilt, nhận định.

Bất chấp các chính sách thu hút người dùng, điều cốt lõi vẫn nằm ở chất lượng sản phẩm. Nhiều người dùng tại các thị trường Temu có mặt như Mỹ, châu Âu cho biết các sản phẩm thường được mô tả bằng hình ảnh giả với thông tin gây hiểu nhầm. Việc tiếp thị thiếu trách nhiệm có thể khiến khách hàng địa phương mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Hiện nay, đa số hàng hóa trên Temu không có thương hiệu, giá trị thấp và được cung ứng xuyên biên giới. Chất lượng thực tế, độ bền của sản phẩm của sàn này cũng chưa được kiểm chứng.

Động thái mới của Temu sau phản ánh chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết Temu vừa có văn bản chính thức gửi cơ quan này về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Hệ lụy khi Temu trả hoa hồng cao 'không tưởng' ở Việt Nam

Ngoài cơ hội kiếm tiền cho nhiều người, việc Temu chia hoa hồng cao cũng tạo cơ hội để các hình thức affiliate "bẩn" phát triển, thu lợi bất chính.

Temu chia hoa hồng ‘không tưởng’ ở Việt Nam

Sàn TMĐT xuyên biên giới bắt đầu mở chương trình tiếp thị liên kết ở Việt Nam với mức chiết khấu cao nhất 30% cho người mới.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.

Cẩm Tú

Bạn có thể quan tâm