Temu vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật khi gia nhập thị trường Việt Nam. Ảnh: Shutterstock. |
Thông tin với Tri Thức - Znews, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết ngày 24/10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
"Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung, trong thời gian vừa qua, Bộ đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp quản lý", Bộ Công Thương cho biết.
Theo đó, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về thương mại điện tử.
Trong đó, có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ như Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hóa, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới.
Cùng với đó chỉ đạo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong trường hợp phát sinh những vi phạm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng báo cáo trình Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Về Temu, đây là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới lớn thứ 2 tại Trung Quốc được điều hành bởi PDD Holdings. Nền tảng thương mại điện tử này hiện phổ biến thứ 2 thế giới với 663 triệu lượt truy cập trung bình hàng tháng trong quý III, đứng sau Amazon với 2,7 tỷ lượt truy cập.
Đầu tháng 10, Temu đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam và tung ra hàng loạt ưu đãi như miễn phí giao hàng, cho phép trả hàng hoàn tiền lên tới 90 ngày, sẵn sàng chia hoa hồng "khủng" lên tới 30% cho hoạt động tiếp thị liên kết nhằm đẩy mạnh số lượng người dùng mới.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.