Hiến pháp được thông qua năm 1978 sau nhiều thập kỷ tranh chấp dân sự và chế độ độc tài khiến Tây Ban Nha trở thành một trong những quốc gia có sự phân chia quyền lực nhiều nhất trong thế giới phương Tây. Đất nước gồm 17 vùng bán tự trị với mức độ kiểm soát khác nhau đối với các vấn đề như giáo dục và y tế.
Ngày 1/10, người dân xứ Catalonia đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập. Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng đây là hành động vi hiến.
Catalonia tuyên bố kết quả bỏ phiếu cho thấy 90% trong số 2,26 triệu người bỏ phiếu ủng hộ việc tách khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, người đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý chỉ chiếm 42% tổng số cử tri đủ điều kiện.
Hôm 11/10, các nhà lãnh đạo Catalonia đã ký tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha nhưng ngay lập tức hoãn thi hành và kêu gọi đàm phán với Madrid.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Ảnh: Reuters. |
Luật pháp quy định gì?
Điều 155 của hiến pháp Tây Ban Nha quy định nếu chính quyền của một khu vực vi phạm hiến pháp hoặc "có hành vi đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích chung của Tây Ban Nha", Madrid có thể "có những biện pháp cần thiết để bắt buộc họ tuân thủ hoặc để bảo vệ lợi ích chung".
Điều 155 cho phép nhà nước - trong trường hợp này là chính quyền ở Madrid - "kiểm soát các thể chế chính trị và hành chính của khu vực nổi dậy", chuyên gia Teresa Freixes từ Đại học Tự trị của Barcelona nói với AFP.
Theo chuyên gia Javier Perez Royo thuộc Đại học Seville, các biện pháp có thể bao gồm "đình chỉ chính quyền khu vực, đưa Mossos d'Esquadra (lực lượng Cảnh sát Catalonia) dưới sự chỉ huy của bộ Nội vụ" và thậm chí "đóng cửa nghị viện khu vực".
Sau đó chính quyền có thể tổ chức một cuộc bầu cử khu vực mới, chuyện gia Jose Carlos Cano Montejano từ Đại học Complutense của Madrid cho hay.
Tuy nhiên, các biện pháp như vậy có thể gây ra căng thẳng tại khu vực vốn đã bị chia rẽ nghiêm trọng về vấn đề ly khai và luôn tự hào về sự tự chủ tương đối của họ.
Sinh viên tại Barcelona trong một buổi diễu hành trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Ảnh: Getty. |
Tiến trình thực hiện diễn ra thế nào?
Thủ tướng Mariano Rajoy không thể đơn phương kích hoạt điều 155. Trước tiên, ông sẽ phải thông báo với lãnh đạo vùng Catalonia Carles Puigdemont về ý định của mình, để ông này có thời gian suy nghĩ về việc chấp thuận. Điều này Rajoy đã thực hiện vào ngày 11/10.
Tiếp đến, ông Rajoy sẽ cần sự đồng ý của thượng viện, nơi đảng Nhân dân bảo thủ của ông chiếm đa số. Một ủy ban phải ủng hộ đề xuất của thủ tướng và sau đó thượng viện sẽ biểu quyết.
Một thượng nghị sĩ giấu tên cho biết thủ tục này có thể mất một tuần để hoàn thành. Chuyên gia Perez Royo thì cho rằng thời gian sẽ rơi vào khoảng "8-10 ngày".
Biện pháp khác
Tuy vậy, điều khoản 155 chỉ là một trong nhiều lựa chọn của ông Rajoy để ngăn chặn Catalonia ly khai. Theo Cano Montejano, chính phủ có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp, giới hạn "quyền tự do đi lại và quyền tự do tụ tập" của công dân.
Madrid có thể lập luận rằng cuộc khủng hoảng ở Catalonia là một "tình huống liên quan đến an ninh quốc gia" và giành thêm quyền hạn. Điều này sẽ cho phép chính phủ thông qua các luật bằng nghị định, chẳng hạn như trực tiếp kiểm soát lực lượng cảnh sát vùng Catalonia.
Nhà lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont. Ảnh: Getty. |
Chính phủ cũng có thể tiến hành khởi tố hình sự đối với các nhà lãnh đạo Catalonia. Ông Puigdemont đang bị điều tra do các cáo buộc bất tuân dân chủ, lạm dụng chức vụ và sử dụng sai quỹ công. Nếu bị kết tội, ông sẽ bị cách chức.
Trong một cuộc phỏng vấn vào thứ bảy tuần trước, Thủ tướng Rajoy tuyên bố mạnh mẽ rằng Madrid sẽ sử dụng tất cả vũ khí trong kho vũ khí pháp lý của mình để chặn đứng phong trào đòi độc lập.