"Bàn ăn tối của gia đình trở thành chiến địa", đó là cách mà CNN ví von khi nhắc tới sự chia rẽ trong những gia đình tại Catalonia quanh câu chuyện ra đi hay ở lại của xứ tự trị này.
Trong khi Thủ hiến Carles Puigdemont cùng các đồng minh chính trị hết sức nhấn mạnh con số hơn 90% cử tri bỏ phiếu ủng hộ Catalonia độc lập, cuộc tuần hành hôm 8/10 ủng hộ sự thống nhất của Tây Ban Nha và phản đối phong trào ly khai đã cho thấy sự bất đồng giữa chính những người Catalonia đang ngày càng hiển hiện.
Người biểu tình phản đối phong trào ly khai, ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất hôm 8/10. Ảnh: Getty. |
Những bữa tối ngột ngạt căng thẳng
Gia đình bà Maria Rosa Mayo đã sinh sống ở Catalonia qua nhiều thế hệ. Sinh ra và lớn lên tại thành phố cảng Barcelona, bà Maria luôn tự hào mình là cư dân gốc của thành phố thủ phủ xứ tự trị trù phú bậc nhất Tây Ban Nha và tiếng nói của những người như bà cần được tôn trọng.
"Tôi là người Catalonia, nhưng đồng thời cũng là người Tây Ban Nha. Tôi không chối bỏ dân tộc mình (Catalonia), nhưng tôi thực sự tức giận trước những sự kiện gần đây", bà Maria trả lời CNN.
Không may cho bà Maria, cô cháu gái 16 tuổi của bà, Sofia, lại có cái nhìn trái ngược. Đối với Sofia, nhà nước Catalonia độc lập là một tương lai mà cô cùng hơn 2 triệu người Catalonia, những người đã bất chấp dùi cui và đạn cao su của cảnh sát để bỏ phiếu cho, là một tương lai hứa hẹn
"Bây giờ tôi và cháu gái mình còn không thể nói chuyện được với nhau", bà Maria rầu rĩ chia sẻ.
Mỗi bữa cơm gia đình giờ đây chìm trong căng thẳng và ngột ngạt. Những thành viên trong gia đình tránh phải thảo luận bởi ai cũng hiểu, chủ đề độc lập của Catalonia sẽ dẫn tới một kết cục cơm không lành, canh chẳng ngọt.
Gia đình bà Maria Mayo không phải là trường hợp cá biệt. Những cuộc nói chuyện không đầu, không cuối và thường kết thúc trong bất đồng là những gì đang xảy đến với hai cha con Daniel và Rafael Vecino, một gia đình khác tại Catalonia.
"Tôi hoàn toàn cởi mở khi thảo luận về vấn đề độc lập. Nhưng những người phản đối độc lập, như cha tôi, trở nên hẹp hòi và lo lắng khi phải nói về chủ đề đó", Daniel Vecino nói với CNN.
Chưa bao giờ xã hội Catalonia lại chứng kiến sự chia rẽ nghiêm trọng như những ngày vừa qua. Các chính trị gia đứng sau phong trào ly khai luôn khai thác sự đoàn kết của người Catalonia và bản sắc truyền thống rất riêng của khu vực này cho những toan tính chính trị, mưu cầu thành lập một nhà nước độc lập. Nhưng nay, giông tố chính trị đang làm mai một cả hai cấu thành ấy.
"Bản sắc của người Catalonia đang dần mai một. Anh chị em hục hặc lẫn nhau, cha con thì không nói chuyện để tránh phải cãi vã. Đây là cú sốc lớn mà xã hội Catalonia phải gánh chịu và sẽ cần một thời gian rất dài để mọi chuyện qua đi", Eduardo Mendoza, nhà văn người Barcelona từng giành giải thưởng văn học danh giá Cervantes, nói với BBC.
Người Catalonia mang mặt nạ với những hàng nước mắt biểu thị cho quốc kỳ Tây Ban Nha (trái) và cờ Catalonia (phải). Ảnh: Getty. |
Những tiếng nói giận giữ
"Người Catalonia đang nổi giận, một phần lỗi nằm ở sự vô trách nhiệm từ chính quyền Madrid", nhà văn Mendoza nhận xét.
Năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha từ chối công nhận Catalonia là một quốc gia bên trong xứ sở bò tót. Cơ quan này cũng không chấp nhận tiếng Catalan là ngôn ngữ chính của Catalonia, đồng thời bác bỏ các biện pháp mang lại quyền tự trị kinh tế lớn hơn cho vùng này.
Trong suốt một thời gian dài, Madrid không cho thấy thiện chí đảo ngược những phán quyết của Tòa án Hiến pháp, những phán quyết mà người Catalonia coi là "một sự sỉ nhục".
Nay, những người "bị sỉ nhục", dưới ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa do các đảng ủng hộ ly khai châm ngòi, thể hiện quyền uy bằng lá phiếu đòi độc lập sau những tháng ngày bị Madrid phớt lờ.
"Những điều chính phủ Tây Ban Nha đã làm thực sự đáng phẫn nộ. Họ không ưa chúng tôi, ngay cả vua Felipe cũng không ưa chúng tôi. Chúng tôi sẽ không lùi bước", Mireya Jemenez, sinh viên báo chí 25 tuổi, trả lời CNN.
"Tây Ban Nha đang bóc lột chúng ta" là một biểu ngữ phổ biến trong những cuộc biểu tình gần đây trên đường phố Barcelona. Những người ủng hộ độc lập xuống đường với lý tưởng về một đất nước tốt đẹp hơn, nơi người Catalonia tự quyết định mọi chính sách, thay vì phải thông qua các chính trị gia tại Madrid.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Catalonia hiện lên tới 20,3%, cao gấp đôi so với trung bình của cả châu Âu. Tương lai kinh tế ảm đạm cùng với những số liệu về cắt giảm phân bổ ngân sách cho khu vực kéo dài trong nhiều năm, dễ hiểu khi cơn giận dữ của người Catalonia tìm tới chính phủ Madrid.
"Chúng tôi phải giành được độc lập. Chúng tôi sẽ lấy lại những gì Madrid đã tước đoạt trong những năm qua", một người Catalonia từ chối tiết lộ danh tính nói với BBC.
Catalonia là vùng tự trị trù phú đông bắc Tây Ban Nha. Ảnh: BBC. |
Đám đông im lặng đã thôi không im lặng
Không phải người Catalonia nào cũng đồng ý với những khẩu hiệu giận giữ và có phần cực đoan. Những người không ủng hộ Catalonia độc lập, từ lâu, luôn e ngại lên tiếng giữa những giọng điệu tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa đậm chất dân túy của các chính trị gia ly khai.
Nhưng khi cuộc khủng hoảng tại Catalonia lên tới đỉnh điểm với 700.000 người chiếm lấy các con phố tại Barcelona phản đối chính phủ Madrid, những "đám đông im lặng" đã không còn im lặng.
"Tôi hy vọng chính phủ sẽ sớm dập tắt cái mà nhiều người gọi là cuộc cách mạng này", Susana Andres, một thương nhân người Catalonia, nói. Bà Andres mô tả đường phố tại Barcelona những ngày qua như một cuộc chiến nơi người dân bị các chính trị gia Catalonia lừa gạt và thao túng.
Những người Catalonia khác thì mô tả đám đông ủng hộ phong trào ly khai là những kẻ ồn ào và bạo lực.
"Họ đang tìm cách cô lập những người không ủng hộ độc lập. Chỉ có 2 triệu trong tổng số 7 triệu dân Catalonia đi bỏ phiếu. Nhưng tôi cảm giác họ là những kẻ ồn ào nhất. Điều đó làm tôi thực sự lo ngại", Carlos, một thương nhân 57 tuổi, chia sẻ với CNN.
"Thật không đáng để mất đi tình bạn hay tình yêu chỉ vì khác biệt quan điểm. Thay vì không khí thù địch, chúng ta nên gửi đi những thông điệp của tình yêu và cùng nhau giải quyết bất đồng trong khuôn khổ luật pháp", Javi Pacheco, một người Catalonia phản đối độc lập, chia sẻ khi đồng thời vẫy lá quốc kỳ Tây Ban Nha và lá cờ Catalonia trên tay.