Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khủng hoảng Catalonia: Lùi một bước trời yên biển lặng

Tuyên bố độc lập “lửng lơ” của thủ hiến Catalonia đã đẩy quyền quyết định ngã rẽ tiếp theo cho cuộc khủng hoảng đòi độc lập về phía chính quyền Madrid.

“Hôm nay tôi tiếp nhận sự ủy nhiệm của người dân để đưa Catalonia trở thành một quốc gia cộng hòa độc lập,” Thủ hiến Carles Puigdemont phát biểu trước cơ quan lập pháp Catalonia.

"Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất hoãn tuyên bố độc lập trong vài tuần để mở ra một giai đoạn đối thoại", Financial Times dẫn lời thủ hiến Catalonia.

Đây không phải một tuyên bố độc lập “thẳng thừng” như ông Puigdemont đã nhiều lần hứa hẹn sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10. Nhưng đây cũng không phải cam kết từ bỏ giấc mơ độc lập cho Catalonia theo như mong muốn của Tây Ban Nha.

khung hoang Catalonia anh 1
Đám đông chờ đợi bài phát biểu của ông Puigdemont bên ngoài tòa nhà Nghị viện Catalonia. Ảnh: New York Times.

Khó có thể đánh giá bước đi của thủ hiến Catalonia mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực đối với tình hình căng thẳng hiện tại. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, phát ngôn “lửng lơ” này có thể giúp ông Puigdemont có thêm thời gian, trong khi đẩy quyền quyết định bước phát triển tiếp theo của khủng hoảng Catalonia về phía chính quyền Madrid.

'Quả đấm thép' của Madrid

Thủ tướng Mariano Rajoy đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp trong ngày 11/10 để bàn thảo về bước đi tiếp theo của Tây Ban Nha. Sau đó, ông Rajoy sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội.

Nếu Madrid lựa chọn phương án “sắt đá”, điều này có thể đồng nghĩa với đẩy mạnh chiến dịch bắt bớ và xét xử giới chức Catalonia ủng hộ ly khai. Hoặc quyết liệt nhất, Madrid có thể sử dụng Điều 155 trong Hiến pháp.

Điều 155 cho phép Madrid treo quyền tự trị của một vùng thuộc nước này trong trường hợp vùng đó vi phạm Hiến pháp và luật pháp, hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích tổng thể quốc gia.

Mặc dù tuyên bố độc lập của ông Puigdemont chỉ là một tuyên bố nửa vời, điều quan trọng là những nhân vật ở Madrid sẽ nhìn nhận nó như thế nào. Nếu Tây Ban Nha cho rằng phát biểu của thủ hiến Catalonia không khác gì mấy một tuyên bố độc lập toàn diện, Madrid vẫn sẽ có thể cảm thấy áp lực cần phải mạnh tay hơn với chính quyền Catalonia.

“Chúng tôi sẽ không chấp nhận tuyên bố độc lập dưới bất kỳ hình thức nào, dù là ngay lập tức hay trì hoãn,” Xavier García Albiol, lãnh đạo đảng Nhân dân (PP) cầm quyền của Tây Ban Nha đã phát biểu rất kiên quyết trong ngày 10/10.

khung hoang Catalonia anh 2
Nếu Madrid lựa chọn phản ứng mạnh tay có thể dẫn đến hệ lụy chính trị rất lớn. Ảnh: Fox News.

Nếu dùng đến Điều 155, Madrid có thể thay thế bộ máy quan chức, tổ chức các cuộc bầu cử địa phương và giành quyền kiểm soát hệ thống cảnh sát cũng như các cơ quan truyền thông của Catalonia.

Tuy nhiên, quyết định này đi kèm nguy cơ hệ lụy chính trị rất lớn. “Điều đáng sợ nhất là chúng tôi sử dụng Điều 155 để giành quyền kiểm soát Catalonia và loại bỏ chính quyền hiện tại, nhưng người dân ở đây tiếp tục chống đối,” một nghị sĩ Quốc hội giấu tên trả lời Financial Times.

Khi đó, một cuộc khủng hoảng về quan hệ công chúng có thể nổ ra tại Catalonia, thổi bùng lên ngọn lửa căm phẫn đối với chính quyền Madrid ở vùng này và làm xói mòn tính chính danh của Tây Ban Nha trong mắt cộng đồng quốc tế.

Cơ hội nào cho đối thoại

Trong bài phát biểu của mình, Thủ hiến Puigdemont nêu rõ việc trì hoãn tuyên bố độc lập là để tạo điều kiện cho đối thoại. Thế nhưng, cơ hội nào cho đối thoại khi lãnh đạo 2 bên vẫn kiên quyết duy trì những điều kiện thương lượng mà phía kia không chấp nhận.

Ông Puigdemont trước đó từng nhiều lần kêu gọi đối thoại và muốn có sự tham gia của trung gian hòa giải quốc tế. Madrid thẳng thừng từ chối. Chính phủ Tây Ban Nha khăng khăng sẽ chỉ đối thoại với Catalonia nếu vùng này từ bỏ hoàn toàn tham vọng đòi độc lập, điều mà Catalonia không muốn thỏa hiệp.

khung hoang Catalonia anh 3
Khả năng đối thoại bế tắc vì lãnh đạo Tây Ban Nha và Catalonia đều từ chối nhượng bộ. Ảnh: BBC.

Hiến pháp năm 1978 nêu rõ Tây Ban Nha là một quốc gia “không thể chia rẽ” và dựa trên cơ sở này, các tòa án của Tây Ban Nha phán quyết cuộc trưng cầu dân ý, hay bất kỳ nỗ lực ly khai nào của Catalonia, là vi hiến. Madrid khẳng định sẽ không thương lượng đối với một việc làm phạm pháp.

Nếu chính phủ Tây Ban Nha không lùi bước, Catalonia có thể tìm kiếm sự ủng hộ từ các chính đảng đối lập Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đây có thể xem là một ngõ cụt bởi cho đến nay, ngoại trừ đảng cực tả Podemos, tất cả các đảng đối lập khác đều ủng hộ chính phủ trong mâu thuẫn này.

Thủ hiến Puigdemont muốn Liên minh châu Âu đứng ra làm trung gian hòa giải nhưng EU lại chọn đứng về phía Madrid, liên tục nhấn mạnh luật pháp cần phải được duy trì. Quan điểm của châu Âu có lẽ được tổng kết trọn vẹn nhất qua phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10/10 nêu rõ rằng EU không nên làm trung gian trong cuộc khủng hoảng tại Catalonia vì lo ngại nguy cơ cổ xúy cho phong trào ly khai đòi độc lập.

Ngày 6/10, Thụy Sĩ cho biết đang tiếp xúc với cả 2 bên trong cuộc khủng hoảng, song “hòa giải chỉ có thể bắt đầu nếu đó là điều cả 2 bên cùng mong muốn”.

Mỗi bên lùi một bước, trời yên biển lặng

Theo BBC, kịch bản tốt đẹp nhất sẽ là Madrid quyết định thể hiện thiện chí xoa dịu phe ly khai hiện chiếm đa số trong Nghị viện Catalonia, sau khi ông Puigdemont lùi bước và né tránh một tuyên bố độc lập thẳng thừng.

Một động lực chủ chốt của phong trào đòi độc lập hiện nay bắt nguồn từ phán quyết năm 2010 của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha bị nhiều người dân Catalonia coi là “một sự sỉ nhục”.

Phán quyết trên bác bỏ nhiều nội dung trong cơ chế tự trị năm 2006 của Catalonia. Tòa án từ chối công nhận vùng này là một quốc gia bên trong Tây Ban Nha, không chấp nhận tiếng Catalan là ngôn ngữ chính của Catalonia và “đứng trên” tiếng Tây Ban Nha cũng như bác bỏ các biện pháp mang lại quyền tự trị kinh tế lớn hơn cho vùng này.

khung hoang Catalonia anh 4
Catalonia cho rằng họ xứng đáng có quyền tự trị lớn hơn hiện nay. Ảnh: Reuters.

Để tháo ngòi căng thẳng hiện này, Madrid có thể chấp nhận đàm phán để trao lại cho Catalonia những quyền tự trị mà người dân vùng này cho rằng họ xứng đáng được hưởng. Sự nhượng bộ này không phải là hoàn toàn không thể xảy ra.

“Catalonia đã có quyền tự trị lớn trong nhiều vấn đề, nhưng chúng ta vẫn có thể thương lượng thêm về một số cải cách, về cơ chế đóng góp tài chính của Catalonia cho Chính phủ Tây Ban Nha cùng nhiều nội dung mâu thuẫn khác,” The Atlantic dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos.

“Hồi 2012, Madrid đang rơi vào khủng hoảng tài chính và tập trung của chính phủ dồn vào việc tránh kịch bản vỡ nợ … nhưng tình hình giờ đã khác, kinh tế Tây Ban Nha đang phục hồi và ổn định hơn về tài khóa, điều này mở ra cơ hội thương lượng giữa 2 bên”.

Giới lãnh đạo Catalonia còn muốn một cuộc trưng cầu dân ý mang tính ràng buộc được Chính phủ Tây Ban Nha công nhận, tương tự trường hợp năm 2014 của Scotland với Chính quyền London. Để làm điều này, Madrid có thể thay đổi Mục 92 trong Hiến pháp. Nhưng khó có thể tin rằng chính quyền của Thủ tướng Rajoy và vua Felippe VI sẽ ủng hộ phương án liều lĩnh này, nhất là trong bối cảnh tại Catalonia đang tồn tại một bầu không khí bất mãn đối với những phản ứng mang tính đàn áp gần đây của Madrid.

Mối bất hòa hơn 300 năm tại Catalonia Cuộc 'hôn phối' giữa Catalonia và phần còn lại của Tây Ban Nha có một lịch sử phức tạp kéo dài hơn 300 năm với những mâu thuẫn và khác biệt chưa bao giờ phai mờ.

Dưới sức ép quốc tế, Catalonia hoãn tuyên bố độc lập

Thủ hiến Carles Puigdemont của vùng tự trị Catalonia (Tây Ban Nha) đề nghị hội đồng lập pháp hoãn ra quyết định về kết quả trưng cầu dân ý để tiếp tục đàm phán.

Tây Ban Nha bế tắc trước 'Ngày phán xét' tại Catalonia

Một cuộc ly khai sẽ mang lại thiệt hại, ít nhất trong ngắn hạn, đối với cả Tây Ban Nha lẫn Catalonia. Thế nhưng, cả hai phía đều chưa tỏ dấu hiệu nhượng bộ hay muốn đàm phán.

Trần Minh (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm