SCMP cho hay đây là một động thái cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc. Đây là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sau tàu Liêu Ninh được mua từ Ukraine.
Tàu sân bay này nhiều khả năng được gọi là Sơn Đông, tên một tỉnh nằm ở bờ biển phía đông Trung Quốc. Quá trình đóng mới tàu được bắt đầu trong năm 2014.
Thời điểm hạ thủy của tàu Sơn Đông không được công bố. Theo một số nguồn tin, tàu sân bay nội địa của Trung Quốc còn được gọi là Type-001A. Tàu có thiết kế thủy động lực học tương tự tàu sân bay Liêu Ninh với đường băng kiểu “nhảy cầu”.
Cấu trúc thượng tầng và mặt boong tàu sân bay Sơn Đông sắp hoàn thành. Ảnh: SCMP |
Một số nhà phân tích dự đoán tàu sân bay Sơn Đông có lượng choán nước khoảng 60.000 đến 70.000 tấn. Tàu có thể mang theo khoảng 48 máy bay các loại, nhiều hơn so với 36 phi cơ của tàu sân bay Liêu Ninh. Sơn Đông có thể triển khai tới 32 tiêm kích trên hạm J-15, so với 24 chiếc tương tự trên tàu Liêu Ninh.
Ông Cao Weidong, thuộc Viện Nghiên cứu Quân đội giải phóng nhân dân, cho biết tàu sân bay Sơn Đông sẽ được trang bị radar mảng pha hoạt động theo từng giai đoạn, có khả năng theo dõi hàng trăm mục tiêu trên không, trên biển để điều hướng cho máy bay và dẫn đường cho tên lửa.
Tiến độ đóng mới tàu sân bay Sơn Đông là khá nhanh nhưng các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cần nhiều thập kỷ nữa để có thể đóng mới siêu hàng không mẫu hạm tương tự của Mỹ.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được mua và tân trang lại từ hàng không mẫu hạm Varyag chưa hoàn thiện của Ukraine vào năm 1998. Tàu được đặt tên là Liêu Ninh và đưa vào sử dụng từ năm 2012 sau 7 năm hiện đại hóa.
Trong tháng 1/2017, Liêu Ninh cùng với nhóm tàu hộ tống lần đầu tiến hành tập trận ở tây Thái Bình Dương. Nhóm tàu chiến di chuyển qua vùng biển phía nam Nhật Bản, sau đó vòng về phía đông và phía nam đảo Đài Loan.