J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Tân Hoa Xã |
SCMP cho biết, lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận, một tiêm kích trên hạm J-15 do Trung Quốc chế tạo đã rơi khi huấn luyện khiến phi công tử nạn hồi tháng 4.
Vụ tai nạn dường như đã “giáng một đòn mạnh” vào kế hoạch sản xuất tiêm kích trên hạm nội địa, làm lu mờ chiến lược xây dựng “hải quân nước xanh” và chương trình tàu sân bay của Trung Quốc. J-15 được dự kiến là tiêm kích trên hạm chủ lực của tàu sân bay Liêu Ninh và hàng không mẫu hạm Type-001A đang đóng mới.
Đài truyền thanh quốc gia Trung Quốc ngày 27/7 đưa tin, một trong những phi công hàng đầu của quân đội Trung Quốc đã tử nạn. Phi công đã không thể kiểm soát tiêm kích J-15 trong một bài tập mô phỏng hạ cánh trên boong tàu sân bay tại một cơ sở huấn luyện không xác định.
“Khi Zhang Chao lái chiếc J-15 tiến hành bài tập hạ cánh trên mô hình tàu sân bay được xây dựng trên đất liền vào ngày 27/4 thì gặp sự cố với hệ thống điều khiển bay. Ở thời điểm đó, phi công Zhang đã cố gắng hết sức để cứu máy bay nhưng không thành. Một van quan trọng trên máy bay không hoạt động khiến ông bị ném ra ngoài và tử vong do va chạm mạnh với mặt đất”, báo cáo cho biết.
Tiêm kích trên hạm J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh trong một thử nghiệm. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Phi công Zhang, 29 tuổi, người Hồ Nam, vừa được thăng chức trung úy trong tháng 7. Trước đó, tháng 8/2014, tờ tin tức quân sự USNI News của Mỹ báo cáo rằng, một tiêm kích J-15 đã rơi khi huấn luyện khiến 2 phi công tử nạn. Tuy nhiên vụ tai nạn đầu tiên không được xác nhận từ phía Trung Quốc.
Antony Wong Dong – chuyên gia quân sự tại Maccau nhận xét, vụ tai nạn khiến phi công tử nạn cho thấy, J-15 có thể không đạt tiêu chuẩn an toàn đủ để hoạt động trên tàu sân bay, đó sẽ là một sự thất vọng lớn cho hải quân.
“Lý do đằng sau tai nạn của J-15 có thể là lỗi của hệ thống kiểm soát bay hoặc vấn đề với chất lượng sản xuất”, ông Wong nói. Trước đó, tạp chí quốc phòng Kanwa có trụ sở tại Canada từng báo cáo trong tháng 1 rằng, chương trình J-15 không đáp ứng được nhu cầu của hải quân. Tổng công ty máy bay Thẩm Dương không cung cấp quá 10 chiếc J-15 từ năm 2012-2015.
Một số quan sát viên quân sự nhận xét, quân đội Trung Quốc có thể xem xét lại cam kết của họ đối với chương trình J-15 sau tai nạn nghiêm trọng này. Nhưng ông Wong lại có quan điểm ngược lại: “Tôi không nhận thấy chương trình thay thế nào khả thi, tôi nghĩ rằng, Trung Quốc sẽ không từ bỏ chương trình, thậm chí còn ép J-15 đi vào sản xuất”.
Cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận đang đóng mới tàu sân bay thứ hai theo công nghệ trong nước. Tàu sân bay được gọi là Type-001A, nó có thiết kế đường băng kiểu “nhảy cầu” tương tự tàu sân bay Liêu Ninh đang hoạt động.
Các nhà phân tích nhận xét, tàu sân bay mới được thiết kế để phù hợp với tiêm kích trên hạm J-15 đang phát triển. Tàu sân bay mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.
Tiêm kích trên hạm J-15 do Công ty máy bay Thẩm Dương phát triển vào đầu những năm 2000. Máy bay được cho là phát triển dựa trên nguyên mẫu T-10K của tiêm kích trên hạm Su-33 của Hải quân Nga mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine.
J-15 có thiết kế khí động học rất giống với Su-33 của Nga. Máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 8/2009. J-15 được cho là sử dụng 2 động cơ phản lực WS-10H, tốc độ tối đa khoảng 2.100 km/h.
Chuẩn đô đốc Yin Zhuo từng tự hào tuyên bố rằng, J-15 có khả năng không chiến tốt hơn so với tiêm kích trên hạm F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân Mỹ.