Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu ngầm mất tích: Đau buồn và giận dữ tràn ngập Argentina

Thông tin tàu ngầm Argentina mất tích có thể đã phát nổ làm tiêu tan khả năng sống sót của thủy thủ đoàn cũng như hy vọng của thân nhân họ, vốn đang chìm trong suy sụp và giận dữ.

Hy vọng mong manh cho tàu ngầm Argentina mất tích Sau gần một tuần, tàu ngầm mất tích của Argentina vẫn là điều bí ẩn trong khi lương thực và lượng oxy trên tàu đang dần cạn kiệt.

Các thân nhân của 44 thành viên thủy thủ đoàn tàu ngầm đang túc trực tại căn cứ hải quân tại thành phố biển Mar del Plata đã phần lớn lạc quan trước tin dữ ngày 23/11. Thế nhưng giờ trước mắt họ chỉ còn đau thương và phẫn nộ.

Cảnh quay người thân các thủy thủ đang sụp xuống đường và những quân nhân trong trang phục hải quân ôm lấy nhau đã được phát trực tiếp trên truyền hình, tạo nên làn sóng bàng hoàng khắp đất nước Argentina.

Một số thân nhân không thể hiểu vì sao các nhà chức trách lại để thủy thủ đoàn sử dụng một con tàu già cỗi như ARA San Juan. Các nhà chức trách thì nói rằng mức độ bảo dưỡng, chứ không phải tuổi của tàu, là điều quyết định, và con tàu ở trong điều kiện tốt.

tau ngam Argentina mat tich anh 1
Cảnh tượng đau buồn phía ngoài căn cứ Mar del Plata. Ảnh: Reuters.

Cả đất nước dậy sóng

"Họ đã điều một thứ chết tiệt đi làm nhiệm vụ", Itatí Leguizamón, vợ của kỹ sư Germán Suárez không thể kiềm chế giận dữ. "Chúng tôi không tin là họ không biết trước điều này. Họ là những kẻ đã khiến chúng tôi phải ở đây cả tuần", La Nación dẫn lời người phụ nữ.

Leguizamón cho hay các sĩ quan hải quân đã không thể hoàn tất việc đọc báo cáo mới nhất cho các thân nhân bởi phản ứng quá dữ dội. Cô cũng tiết lộ chồng mình đã kể về sự cố không thể nổi lên mặt nước của tàu San Juan vào năm 2014.

Tờ Clarin miêu tả một thân nhân đã hét lên "Họ giết anh tôi rồi" khi người đàn ông này lái xe tới căn cứ Mar del Plata sau thông báo về "vụ nổ".

Các thân nhân cáo buộc hải quân nói dối và nuôi lớn những hy vọng hão huyền. Những người khác nhắm thẳng vào chính phủ, nói rằng thiếu đầu tư và tham nhũng trong lực lượng vũ trang đã khiến cho tàu ngầm không được an toàn.

Tổng thống Argentina Mauricio Macri thì chỉ trích các chỉ huy hải quân bởi cách họ xử lý vụ việc. Theo trang Infobae, Bộ trưởng Quốc phòng Oscar Aguad chỉ biết tin con tàu mất tích khi đọc báo.

tau ngam Argentina mat tich anh 2
Phản ứng của thân nhân các thủy thủ tàu ARA San Juan sau thông tin về "vụ nổ" được đưa ra ngày 23/11. Ảnh: AP.

Khi Tổng thống Mauricio Macri gặp các thân nhân thủy thủ đoàn ở căn cứ Mar del Plata vào hôm 21/11, họ đã trách móc ông nặng nề về con tàu ngầm cũ kỹ. Một phụ nữ tuyên bố với Macri rằng việc đưa thủy thủ ra khơi bằng những con tàu như vậy chẳng khác nào "tự sát".

Buồn đau và giận dữ cũng tràn ngập các mạng xã hội Argentina. Nhiều người dùng Internet đã sử dụng hashtag #Los44 tượng trưng cho sinh mạng 44 người trong thủy thủ đoàn. Họ kêu gọi chính phủ và những cựu thành viên chính phủ cũng như các lực lượng vũ trang phải chịu trách nhiệm về sự "sơ suất" và "thiếu sót" của mình.

'Cú tát' vào hy vọng

Elena Alfaro, một thân nhân, nói với kênh TN: "Tôi thấy mình như đang thức canh người chết. Thời gian cứ qua đi mà thời gian thì quyết định mọi điều".

Luis Tagliapietra có con trai tên Damián đang kẹt trên tàu. Ông cho biết trên Radio Cut rằng hải quân đã nói với họ rằng toàn bộ phi hành đoàn đã bị giết trong vụ nổ ở độ sâu 200 m.

"Họ đều đã chết", tờ Pagina 12 nói, trích dẫn lời một thân nhân nói rằng họ đã được thông báo "không có kỳ vọng về những người sống sót".

Các thân nhân thủy thủ đoàn đã hy vọng rồi lại thất vọng nhiều lần trong suốt một tuần qua. Âm thanh dưới nước được phát hiện trong những ngày đầu của cuộc tìm kiếm bởi hai tàu tìm kiếm của Argentina được xác định là có nguồn gốc từ sinh vật biển chứ không phải tàu. Các tín hiệu vệ tinh cũng được xác định là báo động giả.

"Tôi cảm thấy bị lừa dối", Leguizamón nói. "Họ nói giờ mới phát hiện ra, nhưng tại sao đến giờ mới phát hiện ra?".

Cô kể rằng những người thân khác cũng tức giận không kém. "Họ đang xé toạc mọi thứ ở đó", Leguizamón chia sẻ với phóng viên phía ngoài căn cứ Mar del Plata. "Bạn sẽ phản ứng ra sao khi bạn bị lừa dối?".

"Họ (hải quân) không dùng từ 'chết' nhưng đó là kết luận hợp lý", cô cay đắng nói.

tau ngam Argentina mat tich anh 3
Hy vọng sống sót của 44 thủy thủ đã gần như cạn kiệt. Ảnh: AP.

Trước đó, hải quân Argentina cho biết đã phát hiện ra một diễn biến "bất thường, đơn lẻ, ngắn, dữ dội, phi hạt nhân" tại phía nam Đại Tây Dương, có thể là một vụ nổ.

Người phát ngôn hải quân Argentina Enrique Balbi nói rằng vụ nổ khả nghi xảy ra gần vị trí cuối cùng được xác định của tàu ngầm. Tiếng động được phát hiện lúc 10h31 sáng 15/11, nằm trên tuyến hành trình theo kế hoạch mà tàu ARA San Juan thông báo trước đó 3 tiếng. 

Cùng ngày 15/11, hải quân Argentina đã nhận được báo cáo từ phía Mỹ về một "vụ việc bất thường dưới nước" được phát hiện hàng giờ sau khi tàu ngầm mất tích.

Balbi cho biết thêm hải quân chỉ biết vị trí của 'vụ nổ', chưa thể kết luận nó đã nổ hay bị tấn công. Nguyên nhân vẫn đang được điều tra, và các nỗ lực tìm kiếm sẽ được tập trung trong khu vực phát hiện tiếng động, Balbi nói.

Tàu ngầm gặp nạn được cứu hộ như thế nào? Khi vị trí tàu ngầm gặp nạn được xác định, người ta sẽ triển khai khoang cứu hộ tàu ngầm DSRV để giải cứu các thủy thủ mắc kẹt bên trong tàu.

Tiếng động lạ như từ 'vụ nổ' gần nơi tàu ngầm Argentina mất tích

Hải quân Argentina cho biết diễn biến giống như một vụ nổ phi hạt nhân đã được ghi nhận gần nơi tàu ngầm Argentina biến mất vào tuần trước với thủy thủ đoàn gồm 44 người.

Chiến dịch quốc tế tìm kiếm tàu ngầm Argentina mất tích

Một chiến dịch với sự tham gia của hàng loạt quốc gia đang được triển khai trên Đại Tây Dương nhằm tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan của hải quân Argentina.

Hoa Hạ (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm