Dữ liệu theo từ trang theo dõi hàng hải MarineTraffic cho thấy tàu Hải dương Địa chất 8 (HD 8) ngày 15/5 đã rời khỏi vùng biển ngoài khơi Malaysia và tiến về phía bắc. Tàu thăm dò này được hộ tống bởi ít nhất 2 tàu khác của Trung Quốc.
Dữ liệu hàng hải trong vòng 1 tháng qua cho thấy Hải dương Địa chất 8 di chuyển ở vùng biển ngoài khơi Malaysia theo mô hình khớp với kiểu hoạt động thăm dò, theo Reuters.
Sự hiện diện của Hải dương Địa chất 8 có liên quan đến những diễn biến căng thẳng tại vùng biển. Tàu được mô tả là bám đuôi tàu thăm dò West Capella, ký hợp đồng với Petronas - tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia.
Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords ngày 12/5 di chuyển rất gần tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Theo chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), đối đầu giữa Malaysia và Trung Quốc trên vùng hoạt động của West Capella đã kéo dài trong nhiều tháng.
Trong khi đó, phía Trung Quốc bác bỏ thông tin cho rằng có đối đầu diễn ra ở khu vực. Bộ ngoại giao nước này khẳng định Hải dương Địa chất 8 chỉ tiến hành những hoạt động bình thường.
West Capella đã rời khỏi vùng biển nói trên vào ngày 12/5. Đơn vị điều hành nói tàu rời đi sau khi hoàn thành công việc theo kế hoạch.
Chính phủ Malaysia từ chối bình luận về thông tin Hải dương Địa chất 8 di chuyển khỏi vùng biển. Trước đó, Bộ Ngoại giao Malaysia kêu gọi các bên liên quan giải quyết những tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Trong thời gian Hải dương Địa chất 8 hiện diện ngoài khơi Malaysia, chính phủ Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc ngăn cản láng giềng khu vực phát triển tài nguyên xa bờ. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt kiểu hành xử bắt nạt trên Biển Đông.
Lo ngại gia tăng khi tàu chiến Mỹ và Australia diễn tập gần khu vực hoạt động của West Capella và Hải dương Địa chất 8. Khoảng 3 tàu chiến Mỹ cũng luân phiên tuần tra gần tàu khoan thăm dò của Malaysia trong nhiều tuần.