"Mặc dù luật pháp quốc tế đảm bảo về quyền tự do hàng hải, sự hiện diện của các tàu chiến và một số tàu trên Biển Đông có tiềm năng gia tăng căng thẳng đến mức dẫn đến tính toán sai lầm và ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định khu vực", Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein của Malaysia ngày 23/4 nhấn mạnh.
Nhận định được ông Hishammuddin đưa ra giữa lúc xuất hiện nhiều thông tin cho thấy tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD 8) của Trung Quốc cùng nhiều tàu hộ tống hoạt động trên vùng biển phía nam Biển Đông, ngoài khơi Malaysia.
Nguồn thạo tin quốc phòng của New York Times cho biết ngoài tàu hải cảnh còn có cả tàu quân sự của Trung Quốc hoạt động ở đây.
Tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 (HD 8) của Trung Quốc. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc. |
Giới quan sát quốc phòng đầu tuần này phát hiện tàu đổ bộ USS America và ít nhất một tàu quân sự hộ tống tiếp cận khu vực. Ngoài ra, đi cùng đội tàu Mỹ còn có chiến hạm HMAS Parramatta của Australia.
Trước tình hình hiện nay, Ngoại trưởng Hishammuddin khẳng định Malaysia vẫn duy trì "liên lạc mở và liên tục" với mọi bên liên quan, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ. Malaysia kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
Đây là lần đầu tiên ngoại trưởng Malaysia lên tiếng về tình hình Biển Đông sau khi xuất hiện thông tin về đội tàu Trung Quốc ngoài khơi nước này, theo Reuters.
Khu vực mà các tàu Trung Quốc, Mỹ và Australia hoạt động cũng là vùng biển có tàu khoan thăm dò dầu khí do công ty Petronas của Malaysia vận hành.
Dẫn lời của chuyên gia Greg Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), Reuters cho biết các hoạt động của tàu Trung Quốc diễn ra từ tháng 12/2019 đến nay, quấy rối tàu hậu cần cho West Capella của Petronas.
Các dữ liệu theo dõi hàng hải quốc tế cho thấy HD 8 và một tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Malaysia từ tuần qua. Giới quan sát cho rằng HD 8 và đội tàu bám đuôi West Capella, tiến hành thăm dò ở khu vực gần tàu Malaysia.
New York Times dẫn nguồn tin quốc phòng cho biết khu trục hạm Vũ Hán đang hoạt động ngoài khơi Malaysia. Ảnh: Sina. |
Tính đến ngày 23/4, HD 8 vẫn ở cách bờ biển đảo Borneo của Malaysia khoảng 337 km, theo dữ liệu trên trang Marine Traffic. Tuy nhiên, phía Trung Quốc phủ nhận có diễn ra đối đầu trên vùng biển và cho rằng HD 8 chỉ tiến hành các hoạt động bình thường.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại trước "những hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm đến hoạt động phát triển dầu khí và khí đốt xa bờ" của các bên còn lại trong vấn đề Biển Đông.
Mỹ lên án các hành động của Trung Quốc đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm phương hại đến thị trường năng lượng, đồng thời đề nghị Trung Quốc "chấm dứt kiểu hành xử bắt nạt và kiềm chế hành vi khiêu khích và gây bất ổn".
Ngày 23/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục cáo buộc những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua "nhằm một mục đích duy nhất là đe dọa các bên ngăn xúc tiến khai thác hydrocarbon xa bờ".