Tàu khu trục Ise của Nhật Bản hôm nay cập cảng Subic trong khi thực hiện nhiệm vụ “huấn luyện hàng hải”, AFP đưa tin.
"Chúng tôi muốn tăng cường mối quan hệ với Philippines", Masaki Takada, thuyền trưởng tàu Ise, nhấn mạnh. Ông Takada từ chối tiết lộ tàu khu trục có liên lạc với các tàu Hải quân Trung Quốc trong suốt hành trình hay không.
Tàu khu trục mang trực thăng
Ise của Nhật Bản cập cảng Subic, phía bắc Manila, ngày 26/4. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, thuyền trưởng Samuel Felix thuộc Hải quân Philippines cho hay, chuyến thăm của tàu khu trục Nhật “sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ” giữa hai nước.
“Chúng tôi đã có mối quan hệ phát triển mạnh mẽ với họ, nhưng vẫn muốn tăng cường điều đó”, ông Felix khẳng định.
Trong tháng 2, Nhật đồng ý cung cấp cho Philippines nhiều thiết bị quân sự, gồm các máy bay trinh sát chống ngầm và công nghệ radar.
Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tuần và là lần thứ 3 trong năm nay, tàu của Hải quân Nhật Bản tới vịnh Subic. Ngày 3/4, tàu ngầm Oyashio cùng hai tàu khu trục JS Ariake và JS Setogiri của Nhật Bản cập cảng Subic.
Vịnh Subic cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham do Trung Quốc kiểm soát chưa đầy 200 km về phía đông. Bắc Kinh chiếm bãi cạn này từ năm 2012. Đây từng là căn cứ lớn của Hải quân Mỹ.
Vị trí bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Đồ hoạ: Wikipedia |
Chuyến thăm vịnh Subic của tàu Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục tiến hành nhiều động thái gây hấn trên Biển Đông.
Gần đây, Trung Quốc cho hay sẽ tiến hành hoạt động cải tạo đất ở bãi cạn Hoàng Nham và có thể xây thêm một đường băng để mở rộng phạm vi hoạt động trái phép trên Biển Đông.
Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) để bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Dự kiến PCA sẽ phán quyết trong tháng 5.
Giới quan sát nhận định, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh các hoạt động trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm tạo "sự đã rồi" trước khi tòa quốc tế phán quyết.
Ngoài ra, Trung Quốc đang chia rẽ ASEAN thông qua tuyên bố ngang ngược của Ngoại trưởng Vương Nghị rằng Bắc Kinh đã "đạt được đồng thuận quan trọng" riêng với Brunei, Lào, Campuchia.
Ông này cũng cho rằng tranh chấp Biển Đông không ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Các nhà ngoại giao kỳ cựu hoàn toàn bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc và chỉ trích nước này đang can thiệp vào công việc nội bộ khu vực.