Một trong những diễn biến quan trọng đối với giới quan sát chính sách đối ngoại tuần qua chính là việc Trung Quốc thẳng thừng công khai chính sách "chia để trị" đối với ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Ngày 23/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo nước này đạt thỏa thuận riêng với Lào, Campuchia và Brunei về Biển Đông, và cho rằng tranh chấp không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.
Theo lời ông Vương Nghị, các bên đã thống nhất rằng tranh chấp hàng hải cần giải quyết song phương và chỉ giữa những bên liên quan trực tiếp.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters |
ASEAN trong các cuộc gặp ngoại trưởng và cấp cao gần đây đều có ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình trên biển Đông. Diễn biến mới sẽ gây khó khăn hơn để lãnh đạo ASEAN đồng thuận để ra được tuyên bố này vì theo nguyên tắc cần tất cả các nước đồng ý mới có được tuyên bố chung.
Chia để trị
Nguyên tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong đã phản đối rằng phát biểu của Vương Nghị là can thiệp vào những chuyện nội bộ của ASEAN.
"Việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo rằng nước này đạt đồng thuận với 2 thành viên ASEAN, nhưng lại không phải là nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, chính là thể hiện Bắc Kinh đang can thiệp vấn đề nội bộ ASEAN", ông Ong chỉ rõ với Straits Times.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói, chiến lược của Trung Quốc là tiếp cận song phương với từng nước là điều ai cũng biết rõ.
Tuy nhiên, "một quốc gia ASEAN không thể đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề tranh chấp liên quan đến một nước khác trong khối", ông Lê Lương Minh trả lời CNA.
Sau nhiều lần vận động âm thầm đối với các nước ASEAN để thuyết phục họ không ủng hộ Philippines, phát biểu của ông Vương Nghị cuối tuần qua là bước đi công khai nhất của Trung Quốc về "ngoại giao hậu trường" này.
Lào và Campuchia không phải là những nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Đồ họa: Economist |
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan sắp ra phán quyết liên quan đến vụ kiện của Philippines chống tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một quan chức ngoại giao ASEAN nói với báo Straits Times rằng, Trung Quốc có thể lo ngại việc ASEAN sẽ đưa ra tuyên bố chung liên quan đến phán quyết của tòa án về vụ kiện Philippines.
"Do vậy, ông Vương Nghị đang cố gắng lôi kéo những nước từng thân thiết với Trung Quốc nhất", người này giải thích.
Trước viễn cảnh một phán quyết có thể bất lợi đối với Trung Quốc, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore) cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị có thể là cách mà Bắc Kinh muốn chứng tỏ với người dân trong nước, rằng ban lãnh đạo đã rất nỗ lực để bảo vệ lợi ích ở Biển Đông.
"Trung Quốc muốn thể hiện họ đã hành động nhằm ngăn cản vụ kiện của Philippines, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc ở nước này lên cao. Bắc Kinh có thể buộc phải lên tiếng chứ không thể vận động hậu trường mãi, vì có thể bị chỉ trích là quá mềm mỏng trong vụ kiện hoặc với các tranh chấp khác", ông Hiệp nói với Zing.vn.
"Phủ đầu" trước ngày toà ra phán quyết
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định, các hành động liên tiếp của Trung Quốc cho thấy nước này đang chuẩn bị để hành động "phủ đầu" trên Biển Đông trước ngày PCA ra phán quyết, bao gồm tăng cường phòng không ở đảo Phú Lâm.
Tin tình báo cũng cho biết, Trung Quốc có thể tiến hành cải tạo lớn ở bãi cạn Scarborough của Philippines, nơi Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp kể từ năm 2012.
"Mọi hành động của Trung Quốc sẽ không thể làm thay đổi các kế hoạch đã vạch ra của cộng đồng quốc tế, nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của tòa án", ông Thayer khẳng định trên tờ Sydney Morning Herald.
Quốc kỳ các nước ASEAN trong Văn phòng Thủ tướng Brunei. Ảnh: Straits Times |
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng nhận định, một kịch bản như hồi hội nghị ASEAN năm 2012 ở Campuchia, không thể tái lặp. Khi đó, ASEAN không thể ra tuyên bố chung về tình hình Biển Đông do một số nước thành viên bất đồng.
"Những hành động của Trung Quốc hiện nay có quy mô và khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nhiều hơn so với năm 2012. Nếu như căng thẳng cách đây 4 năm chủ yếu xoay quanh bãi cạn Scarborough của Philippines, thì tâm điểm quan ngại của thế giới hiện nay là các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông", ông Hiệp nói với Zing.vn.
Theo Tiến sĩ Hiệp, Lào - nước chủ tịch ASEAN năm nay - cũng đã nắm được Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích rất lớn sau hàng loạt hành động của họ. Do vậy, Lào không thể đưa ra tuyên bố ủng hộ Trung Quốc quá rõ ràng.
Tiến sĩ Hiệp cũng cho rằng Lào đã rút ra một số kinh nghiệm của Campuchia sau vụ việc năm 2012. Hình ảnh và uy tín ngoại giao của Campuchia đã bị ảnh hưởng sau hội nghị này, bị các nước trong và ngoài ASEAN phản ứng.
"Lào sẽ không muốn lặp lại sai lầm ngoại giao của Campuchia", ông nói.
Ông cũng lưu ý, mới đây, Lào đã bầu ra ban lãnh đạo mới được giới quan sát đánh giá là có quan điểm cân bằng hơn so với Trung Quốc. Họ đã bày tỏ quan điểm mong muốn tăng cường thắt chặt quan hệ hơn với Việt Nam.
"Như vậy, cơ hội mà Trung Quốc có thể gây sức ép đối với Lào, tương tự cách họ làm với Campuchia hồi năm 2012, sẽ khó khăn hơn".