Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tang thương nơi rốn lũ

"Quan tài của ba được cán bộ xã dùng ghe lớn chở đi, cả nhà chỉ biết với theo mà khóc. Đến nay tôi vẫn chưa được nhìn thấy mồ mả ba mình thế nào", chị Nguyễn Thị Tâm than thở.

Mua lu mien Trung anh 1

Ông Tư bật khóc khi nhóm tình nguyện tìm đến nhà. Ảnh: Việt Hùng.

Khi chị gái chạy đến nhà, ông Nguyễn Đăng Tư vẫn ngồi như tượng, mắt trân trối nhìn vào di ảnh con trai trên bàn thờ. Nước lũ đã dâng đến bắp chân, người đàn ông 64 tuổi không buồn đứng dậy.

Cả đời sinh sống ở mảnh đất Hải Vĩnh (Hải Lăng, Quảng Trị) nắng nẻ mưa nguồn, chưa có năm nào ông Tư dửng dưng với thiên tai như lúc này.

Bảo vệ linh cữu trước nước lũ

Vợ ông Tư mất từ lúc đứa con trai duy nhất còn chưa cai sữa. Ông ở vậy nuôi con.

Một năm trước, con trai qua đời ở tuổi 30 vì tai nạn giao thông, ông Tư suy sụp đến nỗi tai biến.

Thương người em ruột không còn ai nương tựa, bà Nguyễn Thị Hoa chuyển đến chăm nom ông Tư trong những ngày nước lũ. Bà vịn chiếc thang tre, dìu ông lên gác xép áp mái. Đó là gian xép xây bằng gạch kiên cố do cậu con trai làm để tránh lũ cho cha.

Bà Hoa trải chăn chiếu cho ông Tư nằm đó mấy ngày liền. Phía dưới, nước lũ dâng lên bít kín cửa ra vào. Hai người già gỡ một tấm ngói trên mái, chấp nhận cho mưa hắt ướt chỗ nằm để có dưỡng khí.

Lũ đã rút được một ngày, nhà ông Tư vẫn như một ốc đảo giữa mênh mông nước. Nhóm thiện nguyện phải chèo ghe nửa cây số, băng qua một hồ nước lớn mà người dân giới thiệu là cánh đồng sắn trước khi nước dâng. Ông Tư bật khóc khi nhận chiếc chăn bông để thay cho chiếc chăn đã ướt.

Mua lu mien Trung anh 2

Đội tình nguyện đưa quan tài từ những gia đình có tang vượt qua đoạn nước lũ. Ảnh: Đỗ Văn Minh.

Cách nhà ông Tư 8 km, chị Nguyễn Thị Tâm cùng gia quyến phải chật vật mới nâng được chiếc quan tài không bị chìm xuống nước. Cha chị qua đời trong những ngày nước lũ dâng cao. Hơn 20 người có mặt ở đám tang vừa phải lo tính mạng bản thân, vừa bảo vệ linh cữu trước cơn lũ.

"Quan tài của ba được cán bộ xã dùng ghe lớn chở đi, cả nhà chỉ biết với theo mà khóc. Đến nay tôi vẫn chưa được nhìn thấy mồ mả ba mình thế nào", chị Nguyễn Thị Tâm than thở.

Nước lũ không chỉ khiến gia đình chị Tâm phải bỏ bớt những nghi thức tang lễ truyền thống, nó còn cướp luôn chỗ tài sản còn lại của tang gia. Hơn một tấn thóc gia đình chị vừa thu hoạch bị ngâm nước lâu ngày, nảy mầm tua tủa.

Mua lu mien Trung anh 3

Hơn một tấn thóc của nhà chị Tâm đã mọc mầm. Ảnh: NVCC.

Trên hành trình theo đoàn thiện nguyện, chúng tôi chứng kiến nhiều phận người cùng cực trong tâm lũ miền Trung. Thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh (Hải Lăng) có căn nhà cấp 4 chỉ rộng chừng 30 m2 nhưng có tới 16 người ở.

Khi đoàn thiện nguyện đến, những người khỏe mạnh đã đội mưa đi làm, chỉ còn chị Tâm, 2 đứa trẻ nhỏ và 2 người đàn ông nằm liệt giường.

Vợ chồng chị Lê Thị Tâm rời quê vào miền Nam làm công nhân. Hai đứa con lần lượt ra đời trong hoàn cảnh cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả.

Cuối năm 2019, chồng chị, anh Võ Đình Quốc (31 tuổi), không may bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, liệt tứ chi. Người gây tai nạn bỏ chạy. Chị Tâm cầm cố hết tài sản, vay mượn cả trăm triệu đồng để chữa trị cho chồng. Đến lúc không còn chạy vạy được nữa, chị quyết định cho 2 con và chồng về quê.

Gánh nặng càng đè lên đôi vai người phụ nữ khi em chồng chị cũng bị bại liệt, nằm yên một chỗ.

Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu, chị Tâm tự mình kê cao 4 góc chân giường trong cái đêm nước lũ tràn vào toan cuốn phăng cả nhà.

"Sân, nền, giường, tra, nóc..."

Miền Trung năm nào cũng có mưa ngập, nhưng trong suốt nhiều năm qua, người dân chỉ cần kê cao chân giường là vượt được mực nước. Nhiều hộ dân tại Hải Lăng từ năm 1999 đến nay mới phải leo lên tận tra để tránh lũ.

"Tra" là từ địa phương chỉ tầng xép nhỏ được làm bằng những tấm ván bắc qua 2 xà ngang của dãy nhà 3 gian. Người nông dân Quảng Trị thường sử dụng tra để chứa thóc lúa. Đến mùa mưa lũ, nó trở thành nơi tránh trú hiệu quả của cả gia đình.

Đêm 16/10, nước lũ ngập hết cánh cửa nhà ông Phan Văn Minh. Ông ngồi co ro trên tra, tay lăm lăm cây búa, nhìn dòng nước cuộn xoáy dưới chân.

Mua lu mien Trung anh 5

Chiếc tra đơn sơ của một gia đình ở Hải Lăng được làm bằng những thanh gỗ. Khi nước dâng cao, người dân đứng trên tra, vươn đầu ra khỏi nóc nhà để kêu cứu. Ảnh: Ngọc Tân.

Những người dân như ông Minh không đo mức nguy hiểm của nước lũ bằng "mét", "báo động 1" hay "báo động 2". Ông biết mình đang nguy khốn đến đâu khi nhìn nước dâng lên theo tường nhà.

"Khi nước ngập vào sân thì chứng tỏ ngoài ngõ đã ngập ngang hông. Nước ngập vào nền nhà thì ngoài sân ngang hông, ngoài ngõ đến cổ", lão nông chia sẻ.

Cứ thế, từng cao độ trong nhà dần dần "thất thủ" khi lũ về. Nước ngập nền thì trèo lên giường. Chân giường lúc đó phải kê ít nhất 3 tầng gạch "táp lô" để tối ưu chiều cao. Rồi khi giường cũng ngập thì trèo lên tra. Nước ngập đến tận tra thì lũ năm đó phải to kỷ lục.

Cây búa được ông Minh chuẩn bị sẵn để nếu nước ngập đến tra thì ông sẽ đập mái ngói, trèo lên nóc nhà. Đó cũng là đường lùi cuối cùng của con người trước cơn hồng thủy ác nghiệt.

Những chuyến hàng mang hy vọng

"Thủy Tiên đến! Thủy Tiên vợ Công Vinh à?", người dân vùng lũ Hải Lăng reo lên khi nghe nói đoàn cứu trợ của Thủy Tiên đang có mặt.

"Mô! Đây là Thủy Tiên ở Hải Thành", người chèo ghe chở đoàn cứu trợ đính chính.

Giữa biển nước mênh mông, Nguyễn Thủy Tiên thoăn thoắt tay chèo, đưa chiếc ghe chở đầy chăn bông và đồ ăn đến từng căn nhà trong xóm. Là người lớn lên ở mảnh đất mưa lũ Hải Lăng, thành thạo việc sử dụng mạng xã hội, Tiên đã kêu gọi ủng hộ được hơn 300 triệu đồng cho người dân địa phương.

"Năm nay là năm đầu tiên em kêu gọi quyên góp ủng hộ cho đồng bào. Cũng vì thiệt hại do lũ khủng khiếp hơn mọi năm", Thủy Tiên chia sẻ.

Mua lu mien Trung anh 6

Người dân Hải Lăng nhận đồ ăn từ đoàn cứu trợ. Ảnh: Việt Hùng.

Cô cho biết số tiền quyên góp đang dùng để mua chăn bông, mỳ tôm và nhu yếu phẩm chia cho người dân. Khi gặp một số gia đình đặc biệt khó khăn, Tiên gửi thêm tiền mặt cho họ.

Lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt ông Nguyễn Đăng Tư, Thủy Tiên có chút bối rối. Cô hiểu rằng bao nhiêu quà tặng mang đến cũng không bù đắp được nỗi đau của ông.

"Với những trường hợp neo đơn, sau khi trao quà xong em thường hẹn sẽ quay lại thăm họ. Không có vật chất nhiều thì cũng an ủi động viên họ để họ có niềm tin hơn", Thủy Tiên chia sẻ.

Những ngày này, đi dọc con đường chính xuyên qua huyện Hải Lăng, chốc chốc lại gặp một đám đông người dân đội mưa xếp hàng trước một chiếc xe tải chở đồ tiếp tế. Người đại diện thôn cầm trên tay tờ danh sách nhòe nét mực. Người dân khắc khổ bỗng nở nụ cười khi tên mình được đọc lên.

Nước lũ vẫn chưa rút hết. Ngoài Biển Đông, bão số 8 đã hình thành và nhằm hướng vào miền Trung.

Mua lu mien Trung anh 7

Ông lão cười hạnh phúc khi nhận được 2 suất cơm và chiếc chăn bông từ đoàn thiện nguyện. Ảnh: Việt Hùng.

Khoảng lặng trước đợt mưa lớn do bão số 8

Trong 2 ngày tới, khu vực miền Trung tiếp tục giảm mưa. Đây là thời gian thuận lợi để gấp rút thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn trước khi bão số 8 đổ bộ.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm