Ông Mai Văn Khiêm (Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết các cơ quan khí tượng quốc tế đưa ra những nhận định rất khác nhau cho diễn biến của bão số 8 - Saudel.
Đài khí tượng Nhật Bản dự báo bão số 8 di chuyển trên Biển Đông có cường độ cực đại là cấp 11-12 khi tiến sát gần quần đảo Hoàng Sa. Vùng ảnh hưởng của bão trên phạm vi rộng. Cơ quan khí tượng Hong Kong cho rằng bão sẽ ảnh hưởng từ Bắc Bộ xuống đến khu vực Trung Trung Bộ.
Cường độ bão có thể đạt cấp 12
8h sáng nay, bão Saudel cách quần đảo Hoàng Sa 680 km về phía đông. Cường độ mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.
Dựa trên các mô hình phân tích, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra nhận định bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ từ ngày 24/10.
Mô hình của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định bão số 8 hướng vào Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Ảnh: VNDMS. |
Đại diện cơ quan khí tượng cho biết hiện bão còn xa và chưa gây mưa cho đất liền. Các tỉnh ở Trung Bộ tiếp tục giảm mưa trong 2 ngày tới. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương chuẩn bị triển khai lực lượng cứu nạn.
Khi bắt đầu áp sát khu vực Bắc Bộ và Trung Trung Bộ, hoàn lưu bão gây ra một đợt mưa lớn 200-300 mm. Trọng tâm mưa vào đêm 24 và ngày 25/10.
Phân tích các yếu tố đang tác động đến diễn biến của bão, ông Khiêm cho biết hình thái này đang di chuyển trên một vùng biển có nhiệt độ cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự mạnh lên của bão trong 2 ngày tới.
"Chúng tôi nhận định bão có thể đạt cường độ mạnh nhất là cấp 12, giật cấp 14 khi tiến gần vào quần đảo Hoàng Sa", ông Khiêm nói.
Ngày 24/10, khi tâm bão đi qua quần đảo Hoàng Sa, nhiệt độ nước biển giảm đi do khu vực này đang chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Đồng thời, bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập tiến vào trong thời gian qua cũng khiến bề mặt nước biển ở phía trong Biển Đông bị xáo trộn.
Do đó, bão có thể suy giảm cấp nhanh sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa.
Chuyên gia cho rằng đáng lo ngại nhất hiện nay là bão có thể gây ra gió mạnh trên biển. Ngày và đêm nay, bão liên tục mạnh lên, phía bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, sau tăng cấp 9-10, giật cấp 12. Sóng biển cao 5-7 m.
Đất đai đã “ngậm” nước
Tại cuộc họp sáng 21/10 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng các tỉnh miền Trung đang có 2 ngày thuận lợi cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra.
Lũ trên các sông đã rút dần, chỉ còn khu vực Lệ Thủy (Quảng Bình) cao trên báo động 3 nhưng cũng đang xuống. Dù vậy, Bộ trưởng Cường cho rằng mọi công tác phục hồi nếu không tính toán kỹ sẽ gây ra tổn thương, đặc biệt từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, khi toàn bộ đất đai đã “ngậm” nước.
“Toàn bộ thảm phía tây đã trương nước, bão hòa. Kể cả ở đồng bằng hay rừng núi, bất kể tác động nào dù là nhỏ nhất cũng có thể gây ra tổn thương rất lớn”, ông Cường nói.
Toàn bộ thảm phía tây đã trương nước, bão hòa, bất kể tác động nào dù là nhỏ nhất cũng có thể gây ra tổn thương rất lớn. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Nhận định về ảnh hưởng của bão số 8, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng lượng mưa 200-300 mm không phải quá lớn, nhưng rơi vào thời điểm khu vực đã trải qua mưa lũ kéo dài. Các tỉnh miền Trung đang chịu nhiều tổn thương nên lượng mưa này cũng rất cần được lưu tâm.
Đặc biệt, mưa lớn tiếp diễn gây nguy cơ cho các hồ chứa thủy điện và thủy lợi. Các địa phương và chủ hồ cần có một quy trình vận hành, giám sát chặt chẽ các công trình này.
“Nếu không vận hành tốt thì sẽ thành thảm họa”, Bộ trưởng NN&PTNT quan ngại.
Đáng lo ngại nhất về bão số 8 hiện nay, theo ông Cường, là việc tàu thuyền di chuyển trên biển. Sau bài học về bão số 7 khi các tàu vãng lai gặp nạn, địa phương cần phối hợp với lực lượng chức năng cảnh báo về hướng di chuyển của bão và kêu gọi tàu thuyền. Các chủ tàu vãng lai chưa có nhiều kinh nghiệm về xác định địa hình, vùng nguy hiểm nên dễ xảy ra sự cố hơn so với các tàu cá đã hoạt động lâu năm