Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người Quảng Bình xa quê bật khóc trong đêm lũ lịch sử

Hiếu cố gắng bỏ ý định bắt tàu về trong đêm khi không thể liên lạc được cho ba mẹ ở quê. Trên mạng, dòng kêu cứu của những người đồng hương khiến cậu phải bật khóc vì lo lắng.

mua lu lich su o Quang Binh anh 1

Mưa bắt đầu trút xuống chiều 18/10, khi ông Lê Xuân Hiền (59 tuổi) đang loay hoay kê lại chiếc tủ lạnh ở nhà mình lên bậc thềm cao hơn. Từ chiều, hệ thống loa phóng thanh trong làng bắt đầu phát đi cảnh báo về lũ lên trong những giờ tới.

Với kinh nghiệm sinh sống ở vùng “rốn ngập” của Quảng Bình, ông biết mình và gia đình phải tìm cách di dời đồ đạc lên cao nhất có thể, trước khi nước lũ ập vào nhà. Sau đó, ông gói một ít quần áo và đồ khô dự trữ, cùng vợ và con gái di chuyển lên phía ga tàu trước nhà.

Ở cách đó hơn 500 cây số, Lê Công Hiếu (23 tuổi), con trai ông có một đêm không ngủ khi những dòng tin nhắn gửi về gia đình không được hồi đáp, điện thoại báo thuê bao không liên lạc được.

“Ba nhớ là đừng có tiếc của, phải giữ an toàn cho mình trước tiên nghe ba", Hiếu gửi dòng tin nhắn đi trong vô vọng, rồi bật khóc.

Nước ngập mênh mông ở Lệ Thủy Ngày 20/10, nhiều xã của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vẫn bị nước lũ cô lập. Nhiều người dân phải tạm trú lên mái nhà, sống dựa vào đồ tiếp tế.

Trắng đêm chờ điện thoại người thân

Cuộc gọi cuối cùng của Công Hiếu và ba mình trước khi chiếc điện thoại sập nguồn, ông Hiền thông báo có nhóm nhân viên ở ga tàu gần nhà đã cho gia đình ở tạm qua đêm. Lúc 22h, nước lũ dâng gần đến bậu cửa sổ. Đồ đạc trong nhà ngập gần hết.

Xa quê được 4 năm lên Hà Nội học tập, Công Hiếu chưa bao giờ có một đêm "nóng ruột" đến vậy. Chàng trai 23 tuổi liên tục nhắn tin, gọi điện về số máy của ba và chị mình ở nhà, dù biết điện thoại của họ đã cạn sạch pin sau một ngày dài không thể sạc vì lũ gây mất điện diện rộng.

"Nước mà ngập khu nhà mình thì dưới đồng bằng chắc thành biển mất. Lúc lũ rút, mẹ mình gọi điện kể là nhà hàng xóm phải dỡ nóc nhà, thò đầu ra kêu cứu trong đêm vì lũ lên nhanh quá", Hiếu kể.

mua lu lich su o Quang Binh anh 2

Huyện Lệ Thủy trở thành "rốn ngập" của Quảng Bình khi ngày 19/10, lũ trên sông Kiến Giang tại đây lên cao hơn 1 mét so với mức lũ lịch sử năm 1979. Ảnh: Hoàng Giám.

Hiếu nhớ lại trận lụt năm 2006, khi chàng thanh niên đang ôn thi đại học, Lệ Thủy cũng chìm trong biển nước. Mưa lớn kéo dài suốt mấy tuần, đến khi loa phát thanh thông báo đập thủy điện sẽ xả lũ thì không ai trở tay kịp. Chỉ một tiếng sau thông báo, nhà Hiếu ngập nửa mét nước.

Năm đó, cả nhà cũng chỉ vơ tạm ít quần áo để mặc, Hiếu kịp bế theo con chó con mà nhà nuôi, chứ không cứu được thêm món đồ nào khác ở trong nhà. Nước lên cao dần, cả nhà 4 người chạy vội lên ga tàu tạm trú.

Đó là lần gần nhất mà Hiếu nhớ được về những hình ảnh ngập lũ nghiêm trọng ở quê mình. Suốt 4 năm qua, lũ lụt kéo dài chưa từng lặp lại. Cả nhà Hiếu và những người dân ở Quảng Bình cũng chưa bao giờ phải trải qua một trận lụt kinh hoàng nào như những ngày qua.

"Nhà mình ở gần ga tàu, trước ba cũng làm ở đó nên mấy năm lũ lên cao, nhà mình đều tránh tạm trên ga. Lần này mình biết là mọi người ở nhà vẫn sẽ làm vậy, nhưng thực sự là rất lo", Hiếu kể.

mua lu lich su o Quang Binh anh 3

Nước lũ ngập đến nóc nhà, người dân ở Quảng Bình phải ngồi chờ đội cứu nạn hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn. Ảnh: NVCC.

Trong lúc không kết nối được với người nhà, Hiếu lên mạng đọc tin tức và nhìn thấy những dòng tin nhắn kêu cứu của những người đồng hương. Lòng như lửa đốt, cậu đã định thu xếp hành lý ra ga Hà Nội bắt tàu về quê ngay trong đêm.

Nhưng lý trí kịp ngăn cậu lại, về quê lúc này không phải là cách. Hiếu nằm thao thức cả đêm quét mạng xã hội để cập nhật tình hình ở nhà, thỉnh thoảng gọi lại vào số máy của ba mẹ mình, hy vọng sẽ có tín hiệu.

Ở quê, ông Hiền có một đêm ngủ chập chờn khi lo nước lũ có thể tràn vào ga tàu bất kể lúc nào. Cả nhà cũng chỉ kịp ăn vội bát cơm trắng với nước mắm trước khi chạy lũ. Lũ lên, mưa lớn sầm sập, bụng đói, cả nhà ông có một đêm khó ngủ.

Bật khóc khi nhìn người nhà xoay xở trong lũ

Cùng quê Lệ Thủy, Quảng Bình với Hiếu, Phạm Hằng (22 tuổi) đang là sinh viên theo học ở Đà Nẵng, cũng có một đêm thức trắng khi theo dõi tin tức về trận lũ lịch sử ở quê mình.

Ba mất sớm, nhà Hằng chỉ có mẹ và bà ngoại nên cô gái 22 tuổi càng lo hơn khi không biết hai người phụ nữ sẽ làm gì trước đợt lũ đã được cảnh báo từ mấy ngày nay.

Nhà Hằng ở quê có nền đất cao nên khi lũ dồn về quá nhanh, người ở nhà vẫn có thể sơ tán kịp. Mẹ Hằng kể đã đưa bà ngoại lên thuyền cứu trợ, rồi tự mình bắc thang gỗ, trèo lên gác lửng trong nhà, ngồi tránh lũ cả đêm.

"Mẹ gọi video call cho em để em yên tâm. Mạng chập chờn nhưng em vẫn nhìn thấy cái thang gỗ lỏng lẻo mà mẹ phải trèo lên đó, bám víu vào tra (gác lửng - PV) cả đêm. Lúc nhìn thấy, em bật khóc luôn. Thương mẹ mà không làm gì được. Đêm đó, em thức trắng", Hằng kể ngắt quãng về việc người thân xoay xở trong trận lũ.

mua lu lich su o Quang Binh anh 4

Quốc lộ 1A đoạn qua Lệ Thủy biến thành biển nước chỉ sau một đêm. Suốt hai ngày qua, lực lượng cứu nạn phải di chuyển liên tục qua đây để hỗ trợ người dân. Ảnh: Hoàng Giám.

Ngày hôm sau, lũ vẫn chưa có dấu hiệu rút. Mẹ Hằng dùng nốt vài phần trăm pin điện thoại cuối cùng để gọi cho con gái, nói rằng mình vẫn ổn và vừa được ăn một hộp cơm cứu trợ.

"Vậy là đã may mắn hơn nhiều người rồi con ạ", mẹ Hằng nói vậy.

Hằng kể rằng trong đêm lũ lên lịch sử ở Quảng Bình ấy, nhiều người bạn cùng quê cũng có trải nghiệm tương tự mình khi thức thâu đêm vì lo lắng cho người thân. Một người bạn của Hằng không gọi điện được cho ba mẹ, phải nhờ hàng xóm chụp ảnh gửi qua thông báo cho yên tâm.

"Nhưng ảnh chụp được lại là ba mẹ bạn ấy đang phải di chuyển trên mái nhà trong khi lũ đã ngập gần đến nóc. Hai bác ấy đều đã già rồi. Bạn ấy nhìn xong chỉ biết khóc", Hằng kể.

Cô gái cho rằng mình đã may mắn hơn nhiều người con xa quê khác khi liên lạc được với mẹ, dù cô không biết mẹ và bà ngoại sẽ tiếp tục đi qua những ngày mưa lũ sắp tới thế nào. Mấy ngày tới khi lũ rút, Hằng sẽ bắt một chuyến xe chạy thẳng từ Đà Nẵng về nhà.

Còn ở nhà Hiếu, lũ cũng bắt đầu rút dần. Ba mẹ của nam sinh cùng hàng xóm tập trung ở nhà văn hóa để nấu cơm, đi phát cho những người đồng hương vẫn đang mắc kẹt trong nước lũ.

"Nhà mình ổn rồi, giờ mình đi cứu nhà khác", ông Hiền nói với Hiếu qua điện thoại trong tiếng ồn ào ở nhà văn hóa thôn.

Rạng sáng 19/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lũ trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy, Quảng Bình) đạt 4,79 m, trên báo động 3 là 2,09 m lúc 1h. So với đỉnh lũ năm 1979, mực lũ trong đêm đã vượt mức lịch sử 0,88 m.

Tính đến 19h ngày 19/10, Quảng Bình có hơn 95.000 nhà dân bị ngập. 64 thôn ở 11 xã của huyện Quảng Ninh, 41 thôn, bản tại huyện Bố Trạch và 23 thôn, bản của 13 xã ở huyện Tuyên Hóa đã bị cô lập.

Tại TP Đồng Hới, 30 hộ dân xã Lộc Ninh bị cô lập. Ngoài ra, 57 bản tại 4 huyện gồm Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy cũng bị chia cắt.

Hiện, gần 23.000 hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo tan hoang sau vụ sạt lở Trận sạt lở trong đêm khiến nhiều dãy nhà tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) đổ sập.

'Lũ lên nhanh quá, chúng tôi trắng tay rồi'

"Nửa tháng nay, chúng tôi toàn phải chạy lũ. Nước lên nhanh quá khiến chúng tôi trở tay không kịp, tài sản hư hỏng hết rồi", chị Dung nói.

Lực lượng cứu nạn vào tận nhà đón người dân đi tránh lũ

Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là một trong số những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của lũ mấy ngày qua. Chiều 20/10, nước chưa rút, nhà dân vẫn ngập sâu.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm