Việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng tiền từ thiện để hỗ trợ cho đồng bào miền Trung bị bão lũ đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Rất nhiều người ủng hộ song cũng không ít ý kiến lo ngại cách làm từ thiện của nữ ca sĩ sẽ khiến cô gặp rắc rối về mặt pháp lý. Nghị định 64/2008 (về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…) không quy định cho những cá nhân, nhóm người như Thủy Tiên được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Không nên quy định máy móc
Trao đổi với Zing về vấn đề này bên hành lang Quốc hội sáng 21/10, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cho rằng luật pháp phải bắt nguồn từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống. Nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật là thực tiễn đặt ra cái gì thì pháp luật đi theo phục vụ.
Ở góc độ pháp luật, vấn đề huy động nguồn lực trong xã hội phải có tư cách chủ thể. Song, theo ông Vân, chỉ có luật do Quốc hội ban hành mới đặt ra quy tắc xử sự có tính chất toàn xã hội, còn Nghị định của Chính phủ là văn bản mang tính chất kiểm định tính đúng đắn của các quy định, từ đó mới tổng kết để nâng lên thành luật.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cho rằng không nên quy định máy móc chỉ các tổ chức mới được huy động tiền từ thiện. Ảnh: Hải Quân. |
“Rất tiếc, Nghị định 64 ban hành từ 2008 nhưng Chính phủ chưa có tổng kết xem các quy định trong này có phù hợp thực tiễn hay không”, ông Vân nói.
Với trường hợp cụ thể ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng làm từ thiện cho đồng bào miền Trung, ông Vân cho rằng ai cũng ủng hộ, không ai phản ứng việc này, nhất là trong bối cảnh thiên tai bão lũ xảy ra.
“Khi Nhà nước với nhân dân chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, đó là việc nên khuyến khích, vì nguồn lực Nhà nước có hạn”, ông Vân nêu quan điểm.
Theo ông, khi để chính người dân thực hiện việc này không chỉ cho thấy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái”, mà còn khơi dậy truyền thống yêu nước, thương nòi của dân tộc. Ông nhấn mạnh những tấm gương như vậy có tính chất lan tỏa trong xã hội rất cao.
Góp ý để việc quyên góp, từ thiện được thuận lợi, sớm đến được với người dân và đến đúng đối tượng, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng trước hết cần quy định chủ thể có quyền huy động không nhất thiết các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân, mà các cá nhân cũng có quyền. Họ có thể thực hiện đăng ký và chịu trách nhiệm, không nhất thiết phải qua trình tự thủ tục hành chính và phải được phép.
Ca sĩ Thủy Tiên trực tiếp đi trao tiền từ thiện cho bà con miền Trung. |
Về cách thức thực hiện, cá nhân làm từ thiện có thể chủ động lựa chọn đối tượng, không cần thiết qua những thủ tục rườm rà.
“Tôi nghĩ Thủy Tiên và nhóm của cô ấy không đi ban phát một cách bừa bãi. Họ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những nhà tài trợ quyên góp vào quỹ đó cho mình. Chắc chắn họ sẽ sẵn sàng minh bạch”, ông Vân nêu ý kiến.
Đại biểu tỉnh Cà Mau nhấn mạnh trong việc này không nên quy định máy móc chỉ có Nhà nước, các tổ chức xã hội có quyền huy động, mà mỗi cá nhân cũng đều có quyền, nhất là những người có tên tuổi, uy tín trong xã hội.
Ông Vân góp ý Nhà nước cần có quy định rõ hướng dẫn họ khi thực hiện các hoạt động ý nghĩa này, để khi đối mặt với sự cố, họ có thể giải trình minh bạch.
Rủi ro khi tự xoay xở
Trong khi đó, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần có sự linh hoạt. “Nếu dân kêu gọi lập quỹ, hình thành các quỹ tài chính để phục vụ cho lợi ích của cá nhân thì không thể chấp nhận. Nhưng khi họ dùng uy tín, tấm lòng kêu gọi ủng hộ, đó là điều không phải ai cũng làm được”, ông Nhưỡng nói.
Ông cho rằng ca sĩ Thủy Tiên đang làm chuyện tốt, không thể nói nữ ca sĩ vi phạm pháp luật. Mà nhìn nhận lại để thấy rằng quy định về việc này đã lỗi thời, cần rà soát, sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.
Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhận định ca sĩ Thủy Tiên rất dễ gặp rủi ro khi một mình xoay xở làm từ thiện. Ảnh: Hải Quân. |
Góp ý cho cách làm từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên, ông Nhưỡng cho rằng cô không nên cầm tiền mà nên cùng một số cá nhân hoặc tổ chức khác hợp sức, tốt nhất là với các tổ chức ở địa phương, để việc phân chia tiền cứu trợ dựa theo đúng tiêu chí.
“Chúng ta nên ghi nhận công lao của ca sĩ Thủy Tiên trong đợt lũ lụt này, nhưng không nên để một mình ca sĩ xoay xở như vậy”, ông Nhưỡng nói.
Ông cho rằng việc nữ ca sĩ tự xoay xở như hiện nay rất dễ gặp rủi ro, không chỉ về mặt tài chính còn thân thể, rủi ro cả về cả danh tiếng, uy tín cá nhân.
“Tôi rất hoan nghênh hành động nhân văn của Thủy Tiên nhưng tôi có một lời khuyên là Thủy Tiên hãy cùng huy động mọi người làm với mình, để hỗ trợ nhanh nhất đến bà con, tránh những câu chuyện ì xèo về tiền bạc sau này”, đại biểu góp ý.
Cũng rất hoan nghênh cá nhân kêu gọi làm từ thiện giúp bà con miền Trung như ca sĩ Thủy Tiên, song đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội) cho rằng cần tính toán kỹ.
Theo đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội), nên có tổ chức đứng ra điều tiết để tiền hỗ trợ đến người dân nhanh nhất, chính xác nhất. Ảnh: Hải Quân. |
Theo ông, quyên góp ủng hộ cho nhân dân thì nên có tổ chức đứng ra điều tiết để tiền đến tận nơi cần. Hiện nay, chúng ta đang có MTTQ và Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam. Cá nhân kêu gọi, tiếp nhận ủng hộ có thể thông qua hai tổ chức này để chuyển đến người dân một cách chính xác và đúng người, đúng chỗ.
“Một cá nhân hoàn toàn có thể kêu gọi được, nhưng một người điều hành 100 tỷ không thể bằng cả tổ chức được. Để tổ chức điều hành và cá nhân đó vẫn được ghi nhận là người đứng lên quyên góp sẽ hợp lý hơn”, ông Lợi nói và nhấn mạnh một lần nữa việc làm từ thiện cần điều tiết để tránh tình trạng là nơi có nơi không, người nhiều người ít.
Nghị định 64/2008 của Chính phủ quy định về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng.
Điều 5 nghị định nêu rõ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định; Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Hiện, Bộ Tài chính đã có đề nghị xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 64 vì sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, văn bản này đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi. Đặc biệt, Nghị định 64 chưa quy định hình thức hỗ trợ (bằng tiền hay hiện vật) từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nội dung chi hỗ trợ theo quy định. Vì thế, khi tổ chức thực hiện, một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương.