Sáng 21/10, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban chỉ đạo, nhận định các tỉnh miền Trung đang ở trong một đợt mưa lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Ông Dũng vừa có các chuyến đi liên tục tới vùng lũ, thiên tai ở miền Trung trong 2 tuần vừa qua.
“Tình hình rất nghiêm trọng. Trước hết, các tỉnh miền Trung và đặc biệt là Hà Tĩnh, Quảng Bình cần tập trung cứu trợ người dân cả về lương thực, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Cứu trợ khẩn cấp
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ ngay cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ, mỗi tỉnh 5 tấn xúc xích. Để số thực phẩm này đến tận tay người dân, Phó thủ tưởng yêu cầu các tỉnh giao nhiệm vụ cho các huyện, xã tiếp nhận, từ đó phân phối xuống các hộ.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết ngày 20/10, ông đã cùng đoàn công tác vào khu vực hồ Kẻ Gỗ của Hà Tĩnh để chỉ đạo, kiểm tra hiện trạng công trình. Sau đó, cả đoàn đi thăm người dân và ghi nhận nhiều hoàn cảnh thương tâm khi phải hứng chịu hậu quả nặng nề của mưa lũ.
“Có gia đình, mẹ đi nhận tiền cứu trợ, con ở nhà 8 tuổi rơi xuống nước. Có trường hợp bé trai gãy chân nhưng đến mấy ngày mới cập được bờ để đến bệnh viện. Rất đáng thương”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cuộc họp ứng phó bão số 8 và mưa lũ các tỉnh miền Trung sáng 21/10. Ảnh: Ngọc Hà. |
Trước tình hình người dân đang hứng chịu nhiều thiệt hại, Phó thủ tướng đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trực tiếp vào hiện trường, chỉ đạo địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong trường hợp cần thiết, lãnh đạo Chính phủ cho rằng không chỉ huy động ca nô mà có thể huy động trực thăng cứu trợ.
Nguy cơ sạt lở tiếp diễn
Về cơn bão số 8 đang hoạt động trên Biển Đông, cơ quan khí tượng nhận định vùng ảnh hưởng của bão rất rộng khi áp sát đất liền nước ta. Đêm 24 và ngày 25/10, bão có thể gây một đợt mưa cho các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ với lượng dao động 200-300 mm.
Trước tình hình này, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các địa phương xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp, trước hết là phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn cho người dân khi bão vào bờ. Người dân phải được sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi nước sâu, nơi nước chảy xiết và nơi xung yếu không an toàn.
"Nếu bão tiếp tục gây mưa trong khi đất đã ngâm nước lâu ngày, độ kết dính yếu có thể gây ra những nguy cơ tiếp theo về sạt lở đất", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lo ngại.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra hiện trạng công trình tại hồ Kẻ Gỗ chiều 20/10. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Ngoài ra, an toàn trên biển cũng cần được lưu ý. Các đơn vị liên quan phải có trách nhiệm chỉ đạo các địa phương hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, đồng thời đảm bảo an toàn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển.
Nhận định thêm về công tác vận hành hệ thống hồ đập, thủy điện, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) hiện đã an toàn nhưng cần phải được địa phương đặc biệt lưu ý trong thời gian tới, khi mưa lớn khả năng tiếp diễn.
"Hồ này mà vỡ thì chứa khoảng 300 triệu m3 nước, cộng với mực nước đang dâng cao, có thể gây ngập hết thành phố Hà Tĩnh và khu vực xung quanh. Nước chảy xiết cuốn trôi nhiều thứ, sẽ là thảm họa", Phó thủ tướng nhận định.
Trước các nguy cơ về mất an toàn hồ đập, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thời gian tới, không chỉ ở hồ Kẻ Gỗ, các tỉnh miền Trung đặc biệt lưu tâm đến các hồ chứa thủy điện, các hồ nhỏ và các hồ xung yếu để lên phương án vận hành trong điều kiện mưa lớn tiếp diễn.
Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua đang gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Chỉ trong vòng 14 ngày (6-20/10), 111 người chết và 22 người mất tích.
Tính đến tối 20/10, hơn 124.000 hộ dân ở Hà Tĩnh và Quảng Bình vẫn còn ngập trong nước lũ. Tổng số người được sơ tán ra khỏi vùng lũ trong thời gian qua lên đến hơn 200.000.