Gần một tuần nay, mưa lũ khiến nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình ngập sâu, trong đó các xã ở huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh sâu nhất với mực nước từ 1,5 đến 4 m. Trong ảnh là khu vực xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh). Dù nằm dọc quốc lộ 1, địa phương này vẫn chịu cảnh nước ngập nửa nhà. |
Để di chuyển từ các vùng lũ ra, ngoài thuyền, ca nô, người dân tự chế ra các kiểu thuyền bằng tôn hàn kín lại. |
Dọc quốc lộ 1 qua huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, nhiều đoạn ngập sâu hơn 1 m. Các đoàn xe cứu trợ đưa cơm, nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ cũng túc trực tại đây chờ thuyền di chuyển vào bên trong. Nhóm 15 người gồm cựu chiến binh, thanh niên và hội phụ nữ thôn Tây, xã Võ Ninh, gần một tuần nay trở thành những "shipper hàng cứu trợ" cho những hộ dân còn bám trụ trong các căn nhà ngập. |
Thôn Tây, xã Võ Ninh, có hơn 310 hộ dân chịu cảnh ngập sâu, nhiều hộ dân ngập tận mái nhà nên phải tránh trú tầng hai nhà hàng xóm hoặc di chuyển đến nơi an toàn. |
"Có ai còn đói không, tôi đưa cơm đây rồi... Có ai cần ra ngoài không?", những người tiếp tế lái ghe dọc tuyến đường trong thôn rồi hô lớn. Mưa tầm tã ở Võ Ninh nhưng họ vẫn đi hết con ngõ này đến ngõ khác, tiếp cận người dân. |
Với những nhà nằm sâu trong ngõ còn người bám trụ lại, anh Hoàng Ngọc Tuân (48 tuổi) cùng anh Lê Văn Nam nhảy tõm xuống nước, dùng phao đưa thức ăn, nước uống vào. "Có chỗ nước sâu ngập đến đầu người, nước chảy xiết khiến việc di chuyển khó khăn, nhưng nếu không bơi đưa vào thì những người bên trong sẽ đói", anh Nam (trái), chia sẻ. |
Với những hộ dân nước ngập ít hơn nhưng không thể nấu ăn, nhóm tiếp tế mang cơm, mì tôm và nước uống nhiều ngày liền. |
Ông Nguyễn Hải Triều (60 tuổi), Bí thư Đảng ủy thôn Tây, kể nhà ông ngập hơn 1 m nhưng thấy nhiều hộ dân ngập sâu hơn nhiều nên thôn thành lập Ban phòng chống thiên tai, hỗ trợ người dân. |
"Chị em phụ nữ trong ban sẽ chịu trách nhiệm nhận hàng cứu trợ, còn tôi và nhóm thanh niên dùng thuyền di chuyển đưa cơm và nhu yếu phẩm. Dù mưa lạnh thế nào cũng không để người dân phải đói, phải lạnh", ông Triều nói và cho biết đây là đợt lũ lớn nhất suốt gần 50 năm qua. |
Những người tiếp tế cố di chuyển theo tường rào nhưng nhiều lần ngã vì nước chảy mạnh, không thể dò thấy tường rào bên dưới. |
Dọc đường đi, nhóm anh Tuân nhận thông tin chị Thanh Hương cùng hai con nhỏ (đứa lớn 6 tuổi, nhỏ mới hơn 1 tuổi) nhờ trợ giúp đến nơi an toàn. Chiếc thuyền của nhóm cứu trợ ghé sát tường rào, anh Tuân leo vào trong bế từng cháu nhỏ ra thuyền. |
Phía ngoài, hai người khác chờ sẵn để bế từng cháu. |
"Chưa năm nào ngập sâu đến vậy. Nước lên quá nhanh khiến 3 mẹ con mắc kẹt, không thể di chuyển đi nơi khác. Nay thấy nước rút, tôi đưa các cháu đến nơi cao ráo hơn", chị Thanh Hương nói. |
Lương thực cạn dần, ông Hoàng Xuân Chín phải lội bộ ra cổng để nhận nhu yếu phẩm khi thấy thuyền của đoàn tiếp tế đi qua. |
Tầng 2 căn nhà bà Phan Thị Châu (63 tuổi) nhiều ngày nay thành nơi tránh trú của 3 hộ dân trong thôn. Họ thay nhau đón nhận những gói mì, hộp cơm từ đoàn cứu trợ để bám trụ qua lũ. |
Người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh hàng chục năm nay mới lại chứng kiến đợt lũ lịch sử. Họ cho biết nước lên nhanh, mưa lớn kéo dài khiến nhiều tài sản bị cuốn trôi, họ cố bám trụ lại để sống qua mùa. |