Theo quyết định của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1/1/2015, các DN phải trả lương cho NLĐ với mức tăng tối đa là 14,8% so với năm 2014 theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng. Quy định là thế, nhưng không phải NLĐ nào cũng lập tức được hưởng mức lương mới này mà phụ thuộc vào tình hình SX-KD, thậm chí cả ý thức của mỗi DN.
Thời điểm nhạy cảm
Theo TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (CN-CĐ) - mức lương tối thiểu vùng hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 75% mức sống tối thiểu của công nhân lao động (CNLĐ) và gia đình của họ. Vậy nhưng, năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm áp dụng mức lương mới là thời điểm nhạy cảm về quan hệ lao động giữa NLĐ và chủ DN, bởi không phải DN nào cũng ngay lập tức thực hiện những quy định của Chính phủ, bởi nhiều lý do, trong đó, lý do chủ yếu là tình hình SX-KD của DN đang gặp khó khăn.
Việc 3.000 CN ở công ty Hyundai Vinashin (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) lãn công ngày 26/12 vừa qua xuất phát từ thông báo của công ty : Bắt đầu từ ngày 1/1/2015, lương của CNLĐ sẽ chỉ tăng 5% do DN đang gặp khó khăn trong SX-KD - thay vì 14,8% theo quy định của Chính phủ. Mặc dù, trước đó, năm 2013, CNLĐ đã chia sẻ khó khăn cùng với DN bằng cách đồng ý không đòi tăng lương theo quy định.
Ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Giang cho biết: “Mấy năm nay, phần lớn các DN thuộc các KCN tỉnh đều thực hiện nghiêm túc quy định áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới cho NLĐ. Tuy nhiên, một vài DN vẫn “treo” lương mới và nợ NLĐ từ 2 - 3 tháng, nhưng sau đó họ vẫn trả bù. Vấn đề là ở chỗ 2 - 3 tháng nợ đọng ấy lại rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán - NLĐ ai cũng cần tiền để mua sắm. Vì thế, rất dễ xảy ra những mâu thuẫn giữa CNLĐ và chủ DN…”.
Công nhân xếp hàng lĩnh lương qua thẻ ATM tại KCN Thăng Long (Hà Nội). |
Tình trạng trên không phải chỉ diễn ra ở các KCN tỉnh Bắc Giang, mà ở hầu hết các DN thuộc các KCN khác như Hòa Bình, Ninh Bình… Ông Đinh Quốc Thể - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hòa Bình - cho rằng, phần lớn những DN không áp dụng mức lương mới ngay từ đầu năm - đều là các DN gặp khó khăn trong SX-KD, bình thường họ cũng hay phải nợ, chậm trả lương cho CNLĐ… Ở một số DN, NLĐ có sự thông cảm, chia sẻ khó khăn với DN thì không sao, nhưng nếu ở DN nào NLĐ không chia sẻ thì rất dễ dẫn đến chuyện lãn công, đình công…
Cần sự giám sát của công đoàn
Thực tế cho thấy, nơi nào có sự chủ động giám sát, tham gia giám sát của công đoàn (CĐ) thì nơi ấy việc áp dụng lương tối thiểu được thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí còn có lợi hơn cho NLĐ. Một số nơi, DN còn chấp hành nghiêm túc việc thực hiện NĐ/103 đối với những NLĐ đã qua đào tạo nghề, tức là những đối tượng này được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng mới.
Đặc biệt, có nơi, như công ty quốc tế Việt Pan Pacific (Bắc Giang), năm 2014, CĐCS đã thỏa thuận được những điều có lợi hơn so với quy định của pháp luật cho ĐVCĐ và đưa vào TƯLĐTT như: Thay vì tăng lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước, công ty tăng theo phần trăm, như thế những người có bậc lương thấp sẽ đỡ bị thiệt thòi. Cụ thể, ở Bắc Giang, áp dụng lương tối thiểu vùng III sẽ tăng từ 2.100.000 đồng lên thành 2.400.000 đồng (tăng 300.000 đồng - theo quy định của Nhà nước), nhưng nếu áp dụng tăng theo phần trăm thì NLĐ sẽ được tăng thêm gần 360.000 đồng.
Cũng xuất phát từ thực tế như vậy, nên hầu hết trong kế hoạch hoạt động đầu năm của mình, các cấp CĐ ở mọi nơi đều chú trọng đến việc theo dõi, giám sát việc áp dụng lương tối thiểu vùng của DN đối với CNLĐ. Và rõ ràng, chỉ có như vậy, CĐ mới làm tròn vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
CN Nguyễn Thị Luân - công ty CP Liên hợp thực phẩm Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội):
Ở công ty tôi, lương NLĐ cơ bản cũng ngang bằng hoặc trên lương tối thiểu vùng được áp dụng kể từ ngày 1/1/2015 một chút. Tuy nhiên, trong thời buổi khó khăn, Đảng và Nhà nước quyết định tăng lương tối thiểu vùng khiến NLĐ như chúng tôi rất phấn khởi. Những nơi có lương thời gian qua thấp hơn chắc NLĐ còn phấn khởi hơn.
Trong khi thu nhập khó khăn, tăng được đồng nào hay đồng ấy. Điều quan trọng là, làm sao để giá cả các mặt hàng thiết yếu đừng tăng nhanh hơn tăng lương, chứ không sẽ rơi vào cảnh lương thì tăng mà đời sống thì giảm. Mặt khác, không phải DN nào cũng đủ điều kiện hoặc quyết tâm thực hiện việc tăng lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước nên CĐ các cấp cần giám sát để giúp NLĐ tránh bị thiệt thòi quyền lợi.
X.T (ghi)
Công nhân Ma Văn Y (tỉnh Tuyên Quang): Việc điều chỉnh lương tối thiểu không quan trọng bằng có đủ việc làm. Hiện nay tôi đang làm việc cho một DN hoạt động trong lĩnh vực xây lắp các công trình giao thông. Do trong thời gian qua, việc cắt giảm đầu tư các công trình giao thông nên DN của tôi bị ảnh hưởng, nhiều công trình bị ngừng trệ, không có công trình mới nên NLĐ thiếu việc làm, dẫn đến không có thu nhập. Nên tôi cho rằng: Tăng lương tối thiểu là quan trọng, nhưng quan trọng trước hết là phải có việc làm đã. Hà Anh
Bà Đinh Thị Mai - Phó giám đốc công ty CP xuất nhập khẩu tỉnh Cao Bằng: Tỉnh Cao Bằng thuộc vùng 4 trong quy định tăng lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng 4 kể từ ngày 1/1/2015 sẽ là 2.150.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng) so với mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định 182/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013 của Chính phủ.
Những năm gần đây, mức lương bình quân của hầu hết NLĐ tại công ty CP Xuất nhập khẩu tỉnh Cao Bằng đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng 4 sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, công ty sẽ rà soát lại xem LĐ nào có mức lương thấp hơn quy định mới này thì sẽ điều chỉnh (kể cả với những LĐ đã qua học nghề) để tránh thiệt thòi cho NLĐ. công ty cũng sẽ sắp xếp lại LĐ và SX-KD để đảm bảo không vỡ quỹ lương và các chế độ chính sách khác như BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Xuân Trường (ghi)
Ông Lê Thanh Thuỷ - GĐ công ty CP giày Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc): NLĐ là vốn quý của DN, do đó trước khi có Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ, tại DN chúng tôi đã chi trả cho NLĐ mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng 2 (đối với các DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là vùng 2 là 2.700.000 đồng) để giữ NLĐ.
Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình tăng lương và để NLĐ có thêm thu nhập, tích lũy, đảm bảo cuộc sống, lãnh đạo DN đã cố gắng tìm thêm nguồn việc - nhằm đảm bảo việc làm và tăng tiền ăn ca cho NLĐ. Theo tôi, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ, ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu thì cũng phải có biện pháp bình ổn giá cả tiêu dùng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay giá xăng đã giảm rất nhiều nhưng nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn không có dấu hiệu giảm. Bởi, mỗi khi tăng lương, các mặt hàng tiêu dùng, giá thực phẩm cũng đồng loạt… tăng theo, NLĐ khó theo kịp”. V.Lâm
Ông Vi Văn Nghĩa - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Kạn: Ở Bắc Kạn, do số lượng DN không nhiều như các tỉnh, TP khác, nên hầu như đợt tăng lương tối thiểu vùng lần nào cũng khá ổn. Để giúp các DN thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước, CĐ các cấp tỉnh Bắc Kạn ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền các DN và NLĐ chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, còn tiến hành giám sát việc trả lương cho NLĐ.
Những nơi thực hiện chưa nghiêm, CĐ sẽ có ý kiến với chủ DN, đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi NLĐ. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là đơn giá CN thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh còn thấp. LĐLĐ tỉnh, Hiệp hội DN tỉnh và Sở LĐTBXH đang kiến nghị để tỉnh và Bộ Xây dựng có hướng giải quyết, nhằm đảm bảo tiền lương của CN thi công các công trình xây dựng. Trường Đinh (ghi)
Ông Cao Xuân Dương - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Hưng Yên: LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các CĐCS tham gia với NSDLĐ triển khai thực hiện Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ, tham gia xây dựng phương án trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trong dịp tết và sớm công khai để NLĐ yên tâm làm việc; nắm tình hình và giám sát việc trả lương, trả thưởng của DN, đơn vị, phản ánh kịp thời với CĐ cấp trên.
Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đều thực hiện trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Bởi vậy, rút kinh nghiệm từ những đợt điều chỉnh trước, để triển khai thực hiện Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng phương án: Đến thời điểm thực hiện điều chỉnh lương, sẽ làm việc với NSDLĐ để đề xuất tăng lương cho NLĐ, ví dụ như tăng thêm 10% theo mức lương hiện NLĐ được hưởng hiện nay. H.A ghi