Đó là thông tin được các chuyên gia lao động, đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức lao động thế giới (ILO) và DN đưa ra tại hội thảo Chính sách tiền lương bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập tổ chức (ngày thứ 2) ngày 26/11, tại Hà Nội.
Bà Nina Torm, chuyên gia ILO cho biết, hiện DN Việt Nam trả lương theo 3 nhóm. Nhóm lương thấp có 147.178 DN, chiếm 60% (mức lương này ở khoảng 52 - 110% lương tối thiểu). Nhóm lương cao với 63.981 DN chiếm 28% (mức lương ở khoảng 110-335% lương tối thiểu). Nhóm DN khác chiếm 12% với 28.371 DN (dự tính mức lương nằm ngoài hai khoảng trên).
Ảnh minh họa. |
Bà Vi Thị Hồng Minh - đại diện giới sử dụng lao động (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) cho rằng, tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng đến quỹ lương của DN. Theo bà Minh, NLĐ bị DN sa thải tràn ra khu vực lao động không chính thức (lao động không có hợp đồng lao động - PV) nên việc cạnh tranh việc làm càng gay gắt hơn, nhiều người không đạt mức sống tối thiểu.
Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định, tiền lương gắn với năng suất lao động; lương tối thiểu gắn với mức sống tối thiểu. “Đầu tiên phải cho người lao động ăn đủ năng lượng để làm việc, sau đó mới yêu cầu làm việc năng suất cao”, ông Điều nói.
Theo ông Richard Anker, chuyên gia ILO, ngoài tiền lương tối thiểu cần có thêm công cụ để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ yếu thế. “Khi tăng lương tối thiểu tất cả mọi đối tượng lao động đều được tăng lương, kéo theo tăng về giá cả. Vì vậy, NLĐ yếu thế vẫn là nhóm lương thấp nhất trong mặt bằng chung. Cần có thêm công cụ bảo vệ NLĐ yếu thế”, ông Richard Anker nói.