“Doanh nghiệp và người lao động phải chấp nhận thực tế này để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài”, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ.
- Vì sao lương tối thiểu tăng, nhưng thu nhập thực tế của người lao động tăng không tương xứng, thưa ông?
- Kể từ ngày 1/1/2015, lương tối thiểu của 4 vùng lần lượt là 3,1 triệu đồng, 2,75 triệu đồng, 2,4 triệu đồng và 2,15 triệu đồng, tăng so với các mức lương tối thiểu tương ứng hiện nay là 400.000 đồng, 350.000 đồng, 300.000 đồng và 250.000 đồng.
Tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất do Nhà nước quy định để chủ sử dụng lao động và người lao động căn cứ vào đó ký kết hợp đồng lao động theo nguyên tắc tiền lương hợp đồng không được thấp hơn tiền lương tối thiểu và đây cũng là mức thu nhập tối thiểu để tính đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (10,5% tiền lương của người lao động).
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
Lương tối thiểu tăng, thì mức tính đóng vào bảo hiểm cũng tăng, trong khi thu nhập của người lao động khó có thể tăng được. Vì vậy, thu nhập thực tế của người lao động khó có thể tăng như tốc độ tăng lương tối thiểu năm 2015 (tăng 15% so với năm 2014).
- Vậy có bao giờ, lương tối thiểu tăng, mà thu nhập của người lao động lại giảm không?
- Lương tối thiểu bình quân hiện nay là 2,3 - 2,5 triệu đồng/tháng, người lao động đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp căn cứ vào mức lương này. Nhưng kể từ ngày 1/7/2015 trở đi, khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, mức tính đóng bảo hiểm căn cứ vào thu nhập thực tế của người lao động từ lương và các khoản có tính chất tương tự lương, bình quân ở mức 3,8 - 4,2 triệu đồng/tháng, nên thu nhập thực tế của một bộ phận người lao động có thể bị giảm.
- Thưa ông, liệu có hợp lý không khi kinh tế tăng trưởng mà thu nhập thực tế của một bộ phận người lao động lại giảm?
Thu nhập thực tế của một bộ phận người lao động có thể giảm do tăng lương tối thiểu và thực hiện cách tính đóng bảo hiểm mới, nhưng không mất đi, mà số tiền giảm chính là khoản tiết kiệm khi họ còn sức khỏe, còn lao động để đến khi nghỉ hưu có nguồn nguồn thu nhập tốt hơn.
- Nếu lập luận như vậy, thì tại sao không tăng lương tối thiểu bằng với thu nhập của người lao động để tránh tình trạng né đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp?
- Hiện tại, đúng là lương tối thiểu chưa theo đúng quy định của Bộ luật Lao động là phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, nhưng không thể tăng ngay một lúc được, mà phải theo lộ trình.
Bởi nếu tăng ngay một lúc, bằng với thu nhập thực tế của người lao động, thì sẽ ảnh hưởng mạnh tới thu nhập trước mắt của người lao động và đặc biệt là ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vì chủ sử dụng lao động hiện phải đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 22% quỹ lương trả cho người lao động.
- Như vậy, muốn tăng thu nhập cho người lao động chỉ có hai cách: hoặc là tăng thời gian làm việc, hoặc là tăng năng suất lao động, thưa ông?
Kéo dài thời gian lao động tại nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện được, do Bộ luật Lao động khống chế thời gian làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 30 giờ/tháng, không quá 200 giờ/năm. Và sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục, doanh nghiệp phải bố trí để người lao động được nghỉ bù.
Kể cả những doanh nghiệp chưa sử dụng tối đa số giờ làm thêm theo Bộ luật Lao động, thì việc bố trí làm thêm giờ cũng phải tính toán, cân nhắc tới nhiều yếu tố ảnh hưởng tới năng suất lao động, do sức khỏe của người lao động có hạn, an toàn vệ sinh lao động không được bảo đảm...
Như vậy, muốn tăng được thu nhập khi lương tối thiểu tăng chỉ có cách duy nhất là tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, việc tăng năng suất lao động không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được ngay, mà cần có thời gian.
Bởi tăng năng suất lao động phụ thuộc vào 3 yếu tố: kỹ năng của người lao động; dây chuyền sản xuất, công nghệ, máy móc, thiết bị và tổ chức, quản trị sản xuất; cơ cấu lao động trong từng doanh nghiệp, từng ngành, từng lĩnh vực.