Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng cường xử phạt, áp dụng công nghệ cao để chống nạn sách giả

Cuối tháng 5, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện lô hàng gần 34.000 cuốn sách giáo khoa nghi giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).

Sự việc diễn ra vào ngày 22/5, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lí thị trường (QLTT) số 1 phối hợp với Công an huyện Nhơn Trạch kiểm tra đột xuất doanh nghiệp tư nhân T.T., địa chỉ ở khu phố Mỹ Khoan, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai do ông Nguyễn T.T. là chủ doanh nghiệp.

Sach gia anh 1

Đoàn Kiểm tra của Đội Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai thực hiện kiểm tra, niêm phong hàng hóa là sách giáo khoa các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện Công ty đang kinh doanh, buôn bán các loại sách giáo khoa trên bìa có logo "GD" ghi tên NXBGDVN, có tem chống hàng giả và có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của NXBGDVN. Hơn 33.800 cuốn sách các loại với tổng giá trị hàng hóa theo giá bán niêm yết hơn 600 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ doanh nghiệp chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ của toàn bộ số hàng hóa này.

Lực lượng chức năng đang thực hiện thẩm tra, xác minh toàn bộ số sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa nói trên để xử lý theo quy định.

Theo cơ quan chức năng, sách giả, sách in lậu luôn được coi là vấn nạn của ngành xuất bản. Sách in lậu với nhiều chủng loại không đảm bảo chất lượng được bán tràn lan trên các vỉa hè, không gian mạng với giá rẻ làm thiệt hại kinh tế cho các đơn vị làm sách chân chính cũng như gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến uy tín của đất nước trên trường quốc tế…

Sach gia anh 2

Các đối tượng thường trà trộn số lượng lớn sách in lậu, sách giả để đưa xuống các cửa hàng giả mạo sách giáo khoa.

Sách giả thường được chào bán với chiết khấu cao (do không phải trả các chi phí bản quyền, nhuận bút, phí quản lý…, đặc biệt là trốn thuế) kích thích các nhà sách, các cơ sở giáo dục, trường học nhận về bán chung với sách thật để lừa người mua. Các đối tượng kinh doanh sách giả thường mua số lượng nhỏ sách thật từ Công ty Sách-Thiết bị trường học tại địa phương với đầy đủ hóa đơn chứng từ, sau đó kèm vào, trà trộn số lượng lớn sách in lậu, sách giả để đưa xuống các cửa hàng, các cơ sở giáo dục bán cho người tiêu dùng.

Trước đó, trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt nhiều vụ phát hành sách giả, sách lậu tại các tỉnh Thanh Hóa, Bình Dương, Cà Mau, Quảng Ngãi, Bến Tre, trong đó sách giáo khoa, sách tham khảo của NXBGDVN luôn là một trong những loại sách bị làm giả với số lượng lớn.

Theo thống kê sơ bộ của NXBGDVN, từ năm 2010 đến nay, gần 37 triệu bản sách giáo dục và hơn 18 tấn bán thành phẩm sách giáo dục in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra và phát hiện các hành vi in lậu, phát hành sách giáo khoa giả nổi cộm trong cả nước. Điển hình như vụ việc xảy ra trong tháng 6 năm 2021, Bộ Công an tiến hành kiểm tra, phát hiện và bắt giữ hơn 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả tại Công ty Cổ phần In, Văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát. Năm 2022 và 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cửa hàng phát hành sách giáo khoa giả tại Bình Dương, Bến Tre, Quảng Ngãi, Cà Mau, Đồng Nai, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nghệ An…

Theo NXBGDVN, trong số các sách giáo khoa, sách tham khảo bị in lậu thì sách Tiếng Anh bị làm giả với số lượng nhiều nhất. Sách Tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6, 7, 8, 10, 11 cũng đã bị làm giả.

Sách giả được làm khá tinh vi, mặc dù nhìn bên ngoài giống sách thật, nhưng về chất lượng in không đạt yêu cầu; nội dung có thể có những lỗi trình bày; chất lượng giấy in không đạt chuẩn, chế bản cẩu thả; hình ảnh trong bài in không được rõ ràng, nhòe, màu sắc không đều, chữ bị đứt nét, sai sót nghiêm trọng về kiến thức gây tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng và thương hiệu của NXBGDVN.

Ông Phạm Tuấn Vũ, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: “Nạn sách giáo khoa lậu, sách giáo khoa giả và các sản phẩm in lậu, in giả luôn là vấn đề nhức nhối, tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua. Ngăn chặn in lậu sách giáo khoa là vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển của ngành xuất bản, đặc biệt thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”.

Nhận thức được vấn đề này, từ nhiều năm qua, NXBGDVN đã kết hợp nhiều biện pháp để đấu tranh chống in lậu, phát hành sách giả. Đơn vị cũng đã phối hợp với Bộ Công an và công an các tỉnh/thành, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố, Thanh tra ngành Thông tin-Truyền thông trong việc cung cấp và xác minh thông tin, cung cấp sách mẫu và hồ sơ pháp lý liên quan đến các sản phẩm trong vụ việc mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm lậu để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, NXBGDVN cũng chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức bạn đọc về tác hại của sách giả, sách lậu thông qua tổ chức trưng bày nhận diện sách, sách giả do Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Hải Dương, Cục Quản lý thị trường Hà Giang... tổ chức. Đồng thời, NXBGDVN thường xuyên cử cán bộ tham gia hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng chống in lậu, các cuộc hội thảo về chống sách lậu, sách giả.

Ngoài ra, NXBGDVN luôn nỗ lực áp dụng công nghệ, kĩ thuật chống sách giả, sách lậu như sử dụng tem điện tử và tem công nghệ chống giả. Tem công nghệ của NXBGDVN có 5 thông tin và 4 lớp bảo mật giúp xác định được đâu là sách thật, đâu là sách giả.

Trước năm học mới 2024-2025, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường phối hợp các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng làm sách lậu, sách giả nói chung cũng như sách giáo dục nói riêng thông qua việc kiểm tra, xử phạt nặng đối với hành vi sản xuất và tiêu thụ sách giả; sử dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại, tăng cường các kênh trao đổi thông tin... Và đặc biệt, một yếu tố rất quan trọng là cần truyền thông mạnh mẽ, nâng cao ý thức cho người đọc: “Nói không với sách giả, sách lậu”.

Người tiêu dùng khi phát hiện các hành vi sản xuất và tiêu thụ sách giáo khoa, sách tham khảo giả sản phẩm của NXBGDVN, có thể liên hệ với Tổng cục Quản lý thị trường qua số điện thoại 1900.888.655 (hoạt động 24/7) hoặc đường dây nóng của NXBGDVN: 0344181018.

https://cand.com.vn/Thi-truong/tang-cuong-xu-phat-ap-dung-cong-nghe-cao-de-chong-nan-sach-gia-i733313/

Thái Trang/Công an Nhân dân

Bạn có thể quan tâm