Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Tăng chi phí kinh doanh, người dân vẫn phải xếp hàng chờ mua xăng

Theo nhiều doanh nghiệp, sau khi Bộ Tài chính tăng chi phí kinh doanh xăng dầu từ ngày 11/11, nguồn hàng vẫn hiếm, chiết khấu thấp. Người dân phải xếp hàng dài chờ mua xăng.

Từ 11/11, Bộ Tài chính quyết định tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam thêm 290-560 đồng với xăng và 160-660 đồng/lít dầu, tùy loại. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tăng chi phí trên sẽ làm tăng giá cơ sở xăng E5 RON 92 và dầu diesel gần 50 đồng/lít; xăng RON 95 gần 150 đồng và dầu hỏa trên 720 đồng/lít.

Quyết định này được kỳ vọng sẽ phản ánh đúng, đủ chi phí của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, từ đó tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung ra thị trường. Song, thực tế, nhiều doanh nghiệp cho rằng sau kỳ điều hành giá ngày 11/11, nguồn cung lẫn chiết khấu xăng dầu vẫn không có sự cải thiện và tình trạng thiếu xăng dầu ngày càng lan rộng.

Theo khảo sát của Zing ngày 12/11, tại TP.HCM, một số cây xăng trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), đường Âu Cơ, Bàu Cát (quận Tân Bình)... xảy ra tình trạng hết hàng. Người dân phải xếp hàng chờ đổ xăng.

Tương tự, tại Hà Nội, sau điều chỉnh giá ngày 11/11, nhiều cây xăng vẫn trong tình trạng đóng cửa, tạm ngưng bán tập trung tại các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy, Đống Đa... Các cây xăng của doanh nghiệp Nhà nước luôn trong cảnh đông người xếp hàng dài chờ mua cả ngày lẫn đêm.

Tình trạng thiếu xăng tiếp tục "nóng"

Không chỉ TP.HCM, Hà Nội, nhiều địa phương khác bắt đầu xuất hiện tình trạng hết xăng, xin ngừng bán hàng vì không có nguồn cung. Tại Đà Nẵng, một số cây xăng bị thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, có cây xăng phải dừng hoạt động hoặc bán cầm chừng do đầu mối cung cấp hàng nhỏ giọt.

Hay tại Hải Phòng, theo báo cáo có hơn 20 doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn cung xăng dầu, hiện tượng hết xăng dầu tại một số điểm bán lẻ đã phát sinh trong thực tế. Do nguồn cung thiếu nên nhiều cửa hàng đã phải giảm lượng hàng bán, trong đó chủ yếu là xăng RON 95.

Ngoài ra, nhiều tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bến Tre... cũng xuất hiện tình trạng thiếu xăng dầu.

Chủ một doanh nghiệp xăng dầu tại Kiên Giang phải đóng cửa 2 ngày nay vì cạn kiệt nguồn hàng cho biết doanh nghiệp phân phối là Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn đứt nguồn xăng từ ngày 3/11 đến 12/11 vẫn chưa có thông báo khi nào có xăng trở lại.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng thừa nhận nguồn hàng vẫn hạn chế, nhất là khu vực phía bắc nguồn khan hiếm và chiết khấu một số nơi ở khu vực này ở mức 0-300 đồng/lít, thậm chí âm.

Các đơn vị kinh doanh này cho rằng chỉ cần điều chỉnh chính sách sao cho từ doanh nghiệp đầu mối đến bán lẻ kinh doanh có lời là sẽ chấm dứt được tình trạng thiếu xăng dầu, nhưng đến nay nút thắt này vẫn chưa thể tháo gỡ.

Thực tế, dù Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối lớn bổ sung, chia sẻ nguồn hàng cho các thương nhân phân phối bán lẻ khác và hàng loạt cuộc họp diễn ra giữa Chính phủ và các bộ, ngành, thương nhân đầu mối nhưng tình trạng hết xăng dầu vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng, đặc biệt tại các cây xăng của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ.

Trao đổi với Zing, chủ một doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Nội cho biết ngày 12/11, đơn vị vừa nhận được công văn hỏa tốc của Sở Công Thương TP Hà Nội có yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, doanh nghiệp bán lẻ rà soát, báo cáo các chi phí thực tế phát sinh tại doanh nghiệp trong cả quá trình vận hành đến khâu cuối cùng đưa xăng đến người tiêu dùng. Cơ quan này yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo trước 17h cùng ngày.

Tăng chi phí xăng dầu chưa sát?

Báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) gửi Bộ Tài chính cũng nêu rõ, đối với chi phí premium nhập khẩu (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu) đang có chênh lệch lớn giữa định mức được điều chỉnh ngày 11/7 so với thực tế.

Cụ thể, chi phí premium nhập khẩu (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu) mặt hàng xăng khoáng để pha chế xăng E5 RON 92, chênh lệch 622 đồng/lít, xăng RON 95 là 551 đồng/lít; các mặt hàng dầu chênh lệch từ gần 300-680 đồng/lít... Như vậy, so với mức tăng mới đây của Bộ Tài chính vẫn có sự chênh lệch đáng kể.

Rà soát ngay chi phí kinh doanh xăng dầu để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cũng cho rằng giá cơ sở đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu chỉ tăng 5%-83%. Trong khi trên thực tế, có công ty thống kê chi phí tăng tới 67% đến hơn 460%/lít, tức gấp nhiều lần so với mức Bộ Tài chính đưa ra.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu đánh giá việc điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu từ 11/11 sẽ giúp giải quyết một phần khó khăn cho doanh nghiệp.

"Nhưng quan trọng nhất vẫn là khoản chênh lệch tính vào giá, phụ phí premium khi doanh nghiệp mua trong những hợp đồng tháng 11, 12 không phải là 5-6 USD mà là 11 USD, nên doanh nghiệp vẫn đang còn lỗ tương ứng với 5-6 USD/thùng, đây là vấn đề cần phải xem xét để giải quyết thấu đáo trong thời gian tới", ông nói.

Công điện của Thủ tướng ngày 12/11 cũng đánh giá nhiều cơ quan, đơn vị liên quan đã nỗ lực bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.

Tuy nhiên, kết quả xử lý chưa có chuyển biến rõ nét, tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ vẫn tiếp tục diễn ra, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Công điện cũng đặc biệt yêu cầu Bộ trưởng Tài chính chủ trì, phối hợp trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.

Bộ Công Thương yêu cầu đầu mối, phân phối xăng dầu ký cam kết cung ứng

Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân đầu mối và phân phối ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ, hoàn thành trước ngày 16/11.

Đại biểu Quốc hội: Điều hành giá xăng theo ngày là 'tham vọng'

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc điều hành giá xăng theo ngày là "tham vọng", khó thực hiện bởi điều hành giá mặt hàng này còn phụ thuộc vào quỹ bình ổn, sự điều tiết của Nhà nước.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm