Việt Nam khó điều hành giá xăng theo ngày vì vẫn còn quỹ bình ổn giá, hệ thống phân phối đa tầng... Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trả lời bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã chia sẻ ý kiến về tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu, các giải pháp khắc phục tình trạng này. Các đại biểu đều cho rằng để tình trạng này xảy ra có trách nhiệm rất lớn của cơ quan quản lý.
Thời gian điều hành giá cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng
Về đề xuất điều hành giá xăng dầu xuống còn 5 ngày hoặc theo ngày, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng cần có sự tính toán cụ thể với các chuyên gia kinh tế.
"Niên độ điều hành giá càng ngắn thì bắt nhịp với thế giới càng nhanh, giá xăng dầu sẽ sát với thị trường quốc tế hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều khâu phân phối từ các đầu mối đến phân phối đến đại lý...", đại biểu nhìn nhận.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: Quochoi. |
Chưa kể ông cho biết với chính sách điều hành hiện nay, nếu vẫn giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước sẽ không thể bằng với giá xăng quốc tế.
"Còn mức giá điều chỉnh theo quỹ bình ổn thì phải có cơ chế vận hành của các bộ, ban ngành. Thời gian điều hành giá cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng của các đơn vị này", ông nói.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc điều hành giá xăng theo ngày là "tham vọng", khó thực hiện bởi điều hành giá xăng dầu còn phụ thuộc vào quỹ bình ổn, sự điều tiết giá của Nhà nước để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
"Nếu điều hành giá xăng theo ngày, trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao sẽ chi phối giá các mặt hàng khác trong nước", ông nói.
Nếu điều hành giá xăng theo ngày, trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao sẽ chi phối giá các mặt hàng khác trong nước.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)
Về việc bán nhỏ giọt xăng dầu thời gian qua, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hiện nay, không chỉ câu chuyện của riêng Bộ Công Thương mà do công thức tính giá cơ sở xăng dầu không đáp ứng kịp giá thị trường và cơ chế sử dụng quỹ bình ổn giá mất thời gian, liên quan đến 7 bộ, ngành.
Hơn nữa, hiện nay giá xăng dầu thế giới và chi phí vận chuyển đang biến động làm giá thay đổi và chúng ta siết chặt khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu không còn từ đó giảm nguồn cung trong nước.
"Chúng ta cần tìm nguyên nhân nào là chính và xử lý nguyên nhân đó", ông nhấn mạnh.
Do đó, đại biểu cho rằng các bộ, ngành cần bàn bạc tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu xăng dầu sẽ có được giải pháp xử lý căn cơ.
Sự điều chỉnh phải dựa trên các chi phí cấu thành
Cũng trao đổi về vấn đề xăng dầu, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng giá xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước quản lý, vì thế vai trò của cơ quan Nhà nước là định giá xăng dầu và có chính sách điều chỉnh.
Nguyên tắc của sự điều chỉnh phải đảm bảo dựa trên các chi phí cấu thành và hiệu quả kinh doanh hợp lý cho các doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
Ông nhấn mạnh nguyên tắc của sự điều chỉnh phải đảm bảo dựa trên các chi phí cấu thành và hiệu quả kinh doanh hợp lý cho các doanh nghiệp. Theo đó, chiết khấu và các chi phí trong quá trình lưu thông xăng dầu phải được Bộ Tài chính đánh giá dựa trên lịch sử đã thực hiện trong nhiều năm qua. Thậm chí đánh giá thêm việc xu thế nhập khẩu xăng dầu thay đổi bởi hiện nay Việt Nam có nguồn cung nội địa khá cao.
Đại biểu cho biết các nước có hệ thống kinh doanh xăng dầu độc lập và tự do cạnh tranh không có sự can thiệp của Nhà nước. Còn Việt Nam, Nhà nước vẫn chịu trách nhiệm quản lý, điều hành giá xăng dầu, do đó các chính sách đưa ra nếu không phù hợp sẽ gây tác động.
"Nhưng ngược lại, Nhà nước không có công cụ quản lý tốt thì có thể dẫn đến tình trạng thả nổi, không lành mạnh trên thị trường. Theo đó, cần nghiên cứu xem lại 2 yếu tố: Cơ chế điều hành và hệ thống cung ứng xăng dầu", ông nói.
Về hệ thống phân phối xăng dầu đa tầng nấc như hiện nay, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng tổ chức của hệ thống phân phối xăng dầu ở nước ta đã đến lúc cần đánh giá lại.
Trong ngắn hạn, ông cho rằng các cơ quan chức năng cần công khai, minh bạch các số liệu xăng dầu. Chẳng hạn, Bộ Công Thương phải công bố nguồn cung xuất nhập khẩu và kiểm soát chặt chẽ; Bộ Tài chính tính toán cơ cấu giá cơ sở, kinh doanh xăng dầu kịp thời...
Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý kinh doanh xăng dầu nếu có sự bắt tay giữa các doanh nghiệp để tạo nên sự khan hiếm xăng dầu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh đến nguyên tắc thị trường khi nhiều cây xăng, đại lý hiện nay không mặn mà kinh doanh vì không có nhiều lợi ích. Do đó, ông đề nghị các Bộ Công Thương và Tài chính cần phải tìm hiểu thực trạng này, có biện pháp khắc phục và điều tiết lợi ích sao cho hợp lý.
"Phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Quan trọng là nhất là lợi ích của doanh nghiệp và người dân", ông nói.
Về vấn đề giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Hòa đề nghị cần đẩy nhanh dù Nhà nước có thể giảm nguồn thu, nhưng có thể hỗ trợ rất lớn đến doanh nghiệp và người dân.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế