Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm sự cùng người trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành

Trong cuốn sách, tác giả Đặng Hoàng Ngân muốn gửi đến những người trẻ những tâm sự, sẻ chia được rút ra từ “hành trình chiêm nghiệm thanh xuân” của chính mình.

Tác giả Đặng Hoàng Ngân. Nguồn: FBNV.

Phía trước của trưởng thành là cuốn sách viết về tâm lý thứ hai của tiến sĩ tâm lý học Đặng Hoàng Ngân - từng là giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, hiện là cố vấn chuyên môn của một số tổ chức tư vấn tâm lý như Mindcare, Carota.

Lời tâm sự đến những người bạn gen Z

Khác với Một mình tìm một nửa - cuốn sách đầu tiên - viết về đề tài độc thân và tình yêu, trong Phía trước của trưởng thành, tác giả sách muốn gửi lời tâm sự của mình đến những người bạn gen Z, những người bạn chênh vênh tuổi 25, những người bạn đang tự hỏi “trưởng thành hơn” là thế nào.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, tác giả chia sẻ: “Mình kể với bạn về giai đoạn phía trước. Giai đoạn mà ngọn lửa tuổi trẻ vừa phập phồng sức sống, vừa che mờ những sự thật rộng lớn hơn. Giai đoạn của những thất bại đầu đời. Giai đoạn của những lần đầu nhận ra ý nghĩa trong những điều bình dị nhất… Mình muốn mở lòng nhiều hơn cùng các bạn, với tất cả cảm xúc đã luôn giấu kĩ và cả những cảm xúc lần đầu tiên mình được nhận ra, khi viết cuốn sách này”.

Tác giả cũng hy vọng thông qua cuốn sách, những người trẻ sẵn sàng đón nhận tình yêu từ chính bản thân mình, xóa bỏ mọi vướng mắc trong tâm hồn, bình thản đối diện với bản thân và mọi rắc rối, đón nhận yêu thương và những điều tốt đẹp.

Trong cuốn sách, Đặng Hoàng Ngân đã đưa ra suy nghĩ của mình về cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của mỗi người, cũng như những nhận biết về sự trưởng thành của bản thân.

Theo chị quan niệm hết đi học, có việc làm, lập gia đình, thế là thành người trưởng thành chỉ còn đúng với thế kỉ trước. Các nghiên cứu đương đại không bó buộc khái niệm trưởng thành bằng con số tuổi tác, mà chỉ ra rõ ràng hai tiêu chí đánh giá: tính trách nhiệm và tính độc lập.

Một người trưởng thành phải có khả năng nhận trách nhiệm của bản thân mình cho những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Thách thức, thất bại, thành công đều có phần do hành vi của chính mình. Các yếu tố ngoại cảnh, cách nuôi dạy của gia đình xưa nay có ảnh hưởng nhưng không thể lấy làm lý do biện hộ.

Tính trách nhiệm nghĩa là ta có lựa chọn việc nhận trách nhiệm hay không, chứ không chỉ là hoàn thành một nghĩa vụ nào đó được quy định. Ngoài ra, một người có trách nhiệm cũng có khả năng chủ động quan tâm đến những người khác

Một người trưởng thành phải có khả năng chủ động ra quyết định, lựa chọn không phụ thuộc vào người khác. Quyết định ấy đã cân nhắc cả lợi ích cá nhân và lợi ích của những người xung quanh. Chấp nhận không làm hài lòng những người thân yêu để được sống cho chính mình cũng là độc lập. Chấp nhận từ bỏ lợi ích của bản thân để yêu thương người khác cũng là độc lập. Khái niệm độc lập ở người trưởng thành dựa vào tiếng nói lương tâm”.

Trưởng thành cũng là nỗ lực cho đến khi ta hiểu giá trị của sự nghỉ ngơi, là học từ thất bại sau mỗi lần ước mơ lỡ dở; là từ bỏ những mục tiêu còn phù hợp với con người mình để trân quý sự hiện diện trên cuộc đời này; là phân biệt được ảo vọng và động lực; là hiểu được ranh giới giữa dục vọng và lòng yêu thương.

Phia truoc cua truong thanh anh 1

Sách Phía trước của trưởng thành. Ảnh: Q.V.B.

Hãy để trưởng thành là một cuốn sổ tay với những dòng kẻ để trống

Từ nhận biết về sự trưởng thành, tác giả cho rằng phía trước của trưởng thành không chỉ là những nấc thang đi lên mà còn là nhiều lần lùi bước. Một bước lùi để nhìn lại những gì đã qua bằng con mắt khác, để thấy những mặt khác biệt, thậm chí đối lập nhau cùng tồn tại.

Không lựa chọn nào là tuyệt đối, không quyết định nào là vô nghĩa. Chúng ta không thể lựa chọn theo cách khôn ngoan nhất, chỉ có thể đưa ra lựa chọn tương xứng với con người của mình mà thôi. Và với bất kì lựa chọn nào được đưa ra, con đường hiện tại luôn là phù hợp nhất, cho những cơ hội để trưởng thành.

Từ những quan niệm về sự trưởng thành trên, trong cuốn sách, tác giả đưa ra các phân tích về những giai đoạn tâm lý trong quá trình trưởng thành. Những nội dung này được kết cấu thành 3 chương sách, cụ thể: Chương 1 - Bồng bột và chính trực: giúp bạn khám phá sức mạnh tinh thần bên trong để khiến trải nghiệm bên ngoài trở nên ý nghĩa hơn. Chương 2 - Bóng tối và sự thật: Cùng bạn ngồi lại với những khiếm khuyết của mình để học cách quan sát tâm lý của chính bản thân, tránh việc rơi vào giai đoạn tiêu cực. Chương 3 - Đơn giản và yêu thương: Chương cuối sẽ giúp bạn học cách dọn dẹp tâm trí, xây dựng lòng biết ơn và làm chủ cảm xúc.

Dưới góc nhìn tâm lý học và trải nghiệm thực tế của bản thân, những chia sẻ chân thành từ tác giả có thể giúp những người trẻ biết cách nhìn nhận các giai đoạn diễn biến tâm lý, để không còn rơi vào nỗi bất an, hoang mang trong hành trình trưởng thành.

Hơn hết, cuốn sách hướng đến giá trị giúp những người trẻ làm chủ cảm xúc, đối diện với cái tôi đa chiều cạnh, đồng thời nhìn nhận vào cảm xúc tiêu cực, chấp nhận và ôm ấp để chuyển hóa khỏi cảm xúc tiêu cực để học cách yêu thương bản thân.

Thông điệp của Phía trước của trưởng thành chính là: “Hãy để trưởng thành là một cuốn sổ tay với những dòng kẻ để trống”. Và với cuốn sổ tay này bạn có thể tự do viết lên câu chuyện của chính mình với trải nghiệm duy nhất thuộc về bạn, để sau cùng bạn hiểu giá trị của của sự trưởng thành.

Khát vọng thay đổi bản thân của giới trẻ

“Đừng bận mà vẫn nghèo”, “Tuổi trẻ không hối tiếc” hay “Từ trường học đến trường đời” mang đến bài học kinh nghiệm cho thế hệ trẻ về sự bứt phá, vươn lên trong cuộc sống.

Những cuốn sách dành cho tuổi trẻ

Đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành, những người trẻ thường có cảm giác chông chênh, bất định. Những tác phẩm sau đây sẽ giúp ích cho họ phần nào trong việc định hướng tương lai.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm