Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khát vọng thay đổi bản thân của giới trẻ

“Đừng bận mà vẫn nghèo”, “Tuổi trẻ không hối tiếc” hay “Từ trường học đến trường đời” mang đến bài học kinh nghiệm cho thế hệ trẻ về sự bứt phá, vươn lên trong cuộc sống.

Ở mỗi giai đoạn trưởng thành, nỗi lo lắng của con người cũng thay đổi. Năm 20 tuổi, ta vẫn đang đầy háo hức hướng về tương lai. Đến khi 25, những bỡ ngỡ trong công việc sẽ dần ập đến.

Nhu cầu về nhà, xe, tiền tiết kiệm sẽ thường trực vào năm 30 tuổi. Và khi chạm mốc 40, cuộc sống xoay quanh gia đình, con cái và áp lực trước độ tuổi trung niên lại đè nặng lên đôi vai.

Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, con người cũng gặp những bất an. Thế nhưng, nếu biết cố gắng ngay từ khi còn trẻ, dùng sức mạnh tuổi xuân để bứt phá và vươn lên, áp lực cho những giai đoạn sau này sẽ giảm đi đáng kể.

Một số tác giả đã dùng kinh nghiệm bản thân và sự quan sát, phỏng vấn đến nhiều bạn trẻ để viết nên những cuốn sách về chủ đề này.

khat vong thay doi ban than cua gioi tre anh 1

Cuốn sách chỉ ra cách tìm kiếm cơ hội cho giới trẻ. Ảnh: Thu Huệ.

Thoát khỏi vòng luẩn quẩn quanh chữ “nghèo”

Đúng như tiêu đề Đừng bận mà vẫn nghèo, tác giả thẳng thắn đưa ra lời nhắc nhở tới thế hệ trẻ về cách tìm kiếm cơ hội bứt phá cho bản thân trong công việc.

Một thực trạng dễ nhận thấy hiện nay là người trẻ có năng lực và chí tiến thủ ở mức bình thường đang chiếm tỷ lệ tương đối cao. Người làm nghề viết lách cũng thế.

“Nếu tài năng và thành tựu của bạn chỉ ở mức bình thường, vậy thì bạn mãi mãi chỉ là tay viết làng nhàng không cao, không thấp. Như vậy, những gì bạn đã bỏ ra có còn ý nghĩa hay không?”, tác giả đặt câu hỏi.

Cuốn sách này được hoàn thiện sau một quá trình đủ dài với 3 lần viết lại bản thảo. Sau một năm ở nhà, vốn dĩ tác giả muốn viết một ấn phẩm chia sẻ kiến thức về kinh nghiệm làm việc. Nhưng kết quả là sau một năm đại dịch, sách có nội dung tương tự đã xuất hiện tràn lan trên thị trường. Điều đó cho thấy cơ hội chỉ dành cho ai biết bứt phá tốc độ và năm bắt thời cơ nhanh.

Sách gồm 5 chương: Được mất đời người, Bước vào chốn công sở, Nói chuyện trước đám đông, Viết lách Học nữa, đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của các bạn trẻ về thực tại: Nếu mỗi ngày đều tất bật với đủ công việc, mà càng bận thì lại càng nghèo, thì làm sao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó?

Do đó, đối tượng ông hướng tới là những người “vừa bận, vừa nghèo”, có khát vọng thay đổi bản thân. Các chương trong sách giúp họ sắp xếp một cách hài hòa giữa cuộc sống và công việc, xã giao và quan hệ, diễn giảng và viết lách… để tìm ra những mục tiêu đích thực mà ta nên theo đuổi.

khat vong thay doi ban than cua gioi tre anh 2

Sách của tác giả Lindsey Pollak. Ảnh: Thu Huệ.

Bài học từ trường đời

Lindsey Pollak là tác giả của những cuốn sách bán chạy theo bình chọn của New York Times và một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về gen Y và môi trường làm việc đa thế hệ ngày nay.

Từ trường học đến trường đời của bà được ví như cuốn cẩm nang thiết yếu để thành công trong thế giới thực 4.0. Sách đưa ra lời khuyên tới những người trẻ còn hoang mang trước câu hỏi: Làm thế nào để có được một công việc như mơ ước?

Qua đó, Lindsey Pollak không chỉ định hướng công việc cho giới trẻ, mà còn giúp họ xây đắp giá trị bản thân khi còn là sinh viên hoặc đã ra trường vài năm nhưng vẫn đang hoay loay tìm một công việc ổn định.

Cuốn sách gồm 10 chương với 90 lời khuyên, là những kinh nghiệm mà tác giả đúc kết được trong suốt hành trình theo đuổi tấm bằng thạc sĩ.

Theo bà, người trẻ ngày nay thường mắc phải một số sai lầm như: Không hành động, mắc lỗi khi viết email, chuẩn bị sơ yếu lý lịch sai cách. Từ đó, tác giả chỉ ra những yếu tố cần có trước khi rời bỏ “trường học” để đến với “trường đời”.

Không chỉ đơn giản hướng dẫn độc giả cách viết sơ yếu lý lịch hay chuẩn bị tốt cho một buổi phỏng vấn, cuốn sách còn bật mí cách thức để gây ấn tượng, tạo sự tự tin và tâm thế sẵn sàng để nắm bắt cơ hội.

Để không phải hối tiếc về tuổi trẻ

Như một bức thư tâm tình gửi đến thế hệ trẻ, Huyền Chip truyền tải vào cuốn Tuổi trẻ không hối tiếc những lời khuyên đắt giá cho hành trình theo đuổi ước mơ và mong muốn vươn lên của người trẻ.

Cuốn sách gồm 4 chương: Hành trình trở thành người lớn, Học, LàmCháy. Mỗi chương được tác giả phân thành các tiểu mục nhỏ hơn với những câu chuyện và bài học cụ thể.

“Tôi không trông đợi cuốn sách sẽ giúp bạn vấp ngã ít đi, nhưng mong rằng nó có thể giúp bạn đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Bí quyết thành công, như người ta nói, là đứng lên nhiều hơn một lần so với vấp ngã”, cây bút 9X này viết.

Tác giả đưa ra những gợi ý, lời khuyên cho bạn trẻ cách học, sống, làm việc và yêu. Với ý nghĩa đó, cuốn sách dành cho những ai đang trên hành trưởng thành.

Là người đang trong độ tuổi thanh xuân, hơn ai hết, nữ tác giả hiểu được những băn khoăn, lo lắng của giới trẻ về cuộc sống và ước mơ. Những lúc đó, cô đã tìm được nhiều cuốn sách giúp vượt qua giai đoạn khủng hoảng, hiểu đúng về giá trị và vị trí của bản thân trong thế giới này.

“Cuốn sách này không chỉ là sự tổng hợp những điều tôi đã trải qua, những bài học tôi đã nhận được, những kỹ năng mà tôi nghĩ là cần thiết trong việc tìm ra con đường cho chính mình. Cuốn sách còn bao gồm những điều riêng tư mà tôi đã dành rất nhiều thời gian tìm câu trả lời cho bản thân như giá trị sống, đam mê, nỗi sợ hãi”, tác giả viết.

Albert Einstein: 'Cần nỗ lực cả đời để có sự uyên bác'

Albert Einstein tin rằng toàn bộ thế giới là lớp học của mình. Ông từng nói sự uyên bác không phải sản phẩm của trường học, mà cần có sự nỗ lực cả đời để đạt được.

Người trẻ cần làm gì để tìm được công việc như mơ ước?

“Từ trường học đến trường đời” của tác giả Lindsey Pollak đưa ra lời khuyên tới những người trẻ còn hoang mang trước câu hỏi: Làm thế nào để có được một công việc tốt?

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm