Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Albert Einstein: 'Cần nỗ lực cả đời để có sự uyên bác'

Albert Einstein tin rằng toàn bộ thế giới là lớp học của mình. Ông từng nói sự uyên bác không phải sản phẩm của trường học, mà cần có sự nỗ lực cả đời để đạt được.

Cuối năm đó, Albert bị ốm và phải nằm trên giường bệnh vài tuần. Để cậu đỡ chán khi hồi phục, người cha mua cho cậu một chiếc la bàn. Thiết bị chỉ phương hướng này đã hấp dẫn trí tưởng tượng của cậu theo cái cách mà chiếc đàn không làm được.

Albert bị mê hoặc bởi cách kim la bàn luôn chỉ về hướng bắc, bất kể cậu xoay nó theo hướng nào. Cha cậu giải thích rằng đó là do một lực vô hình gọi là từ tính.

Albert rất thích thú khi biết rằng có một sức mạnh vô hình trên thế giới mà sự ảnh hưởng của nó có thể quan sát và đo lường được.

“Trải nghiệm này đã gây một ấn tượng sâu sắc và lâu dài với tôi”, sau này ông nói.

“Có một điều gì đó ẩn sâu đằng sau mọi thứ trên thế giới này”. Albert đã dành hết phần còn lại của cuộc đời mình để nghiên cứu những lực bí ẩn ấy.

Cuối cùng, Albert đã tìm được một vấn đề khiến cậu quan tâm. Giờ đây tất cả những gì cậu cần là một thứ ngôn ngữ có thể giúp cậu hiểu các tính chất khoa học và truyền đạt ý tưởng của mình cho người khác. Cậu đã tìm thấy ngôn ngữ đó trong toán học.

Trong một lần tới chơi, bác Jakob nhận thấy cháu mình thích giải các bài toán trong thời gian rảnh rỗi. Mặc dù Albert còn quá nhỏ để làm các bài toán phức tạp, bác Jakob đã dạy cậu biết thêm một nhánh của toán học gọi là đại số. Họ cùng nhau giải các bài đại số phức tạp như thể đang chơi một trò chơi. Bất cứ khi nào Albert giải xong bài toán trước bác Jakob - mà thường là như vậy - cậu hét lên trong chiến thắng.

Một người khách khác tới thăm gia đình Einstein cũng chú ý đến tình yêu những con số của Albert. Max Talmey, một sinh viên y khoa trẻ tuổi, thường đến ăn tối với gia đình vào thứ năm. Trong một lần đến chơi, Max đã tặng Albert một cuốn sách hình học. Không lâu sau đó, Albert đã cày xới toàn bộ cuốn sách, giải được hết mọi bài toán.

Đột nhiên, Albert có một sở thích mới: Thế giới của hình và góc. Mỗi thứ năm khi Max đến, Albert khoe với anh những bài toán mà mình đã hoàn thành. Sau hình học, Albert chuyển sang những thứ to lớn hơn, hay ho hơn (và cũng phức tạp hơn): Giải tích.

Mặc dù Max hơn Albert mười tuổi, nhưng anh sớm thấy mình bị cậu học trò mười tuổi vượt qua.

“Tầm cao năng lực thiên tài toán học của cậu ấy lớn đến mức tôi không thể theo được nữa”, sau này Max thú nhận. Anh bắt đầu cho Albert mượn những cuốn sách về các chủ đề khác, như vật lí và triết học, để cố gắng lấp đầy bộ não đang phát triển nhanh chóng của cậu bé.

Càng học nhiều Albert càng muốn học. Cậu thậm chí còn quay trở lại với âm nhạc. Bây giờ cậu đã hiểu toán học và âm nhạc có liên quan với nhau như thế nào, các nốt và thang âm dường như không còn quá nhàm chán với cậu nữa. Cậu bắt đầu học lại đàn violin (tất nhiên là với một giáo viên khác).

Năm 1893, khi Albert tròn 14 tuổi, cha và bác cậu quyết định chuyển công việc kinh doanh thiết bị điện của họ sang Italy để tìm kiếm một sự ổn định. Cha mẹ của Albert đã để cậu ở lại Munich để hoàn tất việc học.

Nhưng sau sáu tháng ngồi trong lớp học ngột ngạt, nghe giáo viên đều đều giảng giải về những chủ đề mà cậu không hứng thú, Albert cảm thấy rất bồn chồn. Cậu nhớ gia đình và muốn tới sống ở Italy, nơi thời tiết ấm áp quanh năm. Vì vậy, cậu đã ấp ủ một kế hoạch để đi khỏi nước Đức mãi mãi.

Albert đã thuyết phục được một bác sĩ viết một tờ giấy đại ý rằng cậu phải chuyển đi vì sức khỏe. Sau đó, cậu thuyết phục giáo viên toán ở lớp cho phép cậu nghỉ học vì cậu đã học hết những gì có thể. Thực lòng mà nói thì các giáo viên ở trường của Albert cũng đã mệt mỏi khi phải đối phó với cậu và rất vui khi thấy cậu ra đi. Albert cũng rất vui được đi khỏi đó.

Chẳng bao lâu sau, Albert gặp lại gia đình ở Italy. Mặc dù phải mất một thời gian, cậu cũng đã hoàn thành bậc trung học và đi học đại học tại Thụy Sĩ. Chính ở nơi đó, cuối cùng cậu cũng được tự do để tâm trí lang thang và theo đuổi những môn học mình yêu thích.

Điều này giúp cậu có được những bước đột phá quan trọng trong khoa học, mang lại cho cậu giải thưởng Nobel về vật lý, cùng nhiều danh hiệu khác sau này.

Người học trò kém cỏi một thời cuối cùng đã trở thành một giảng viên, nhiều năm dạy tại Đại học Princeton, Mỹ với chức danh giáo sư. Nhưng không có bức tường nào có thể ngăn được Albert Einstein - ông tin rằng toàn bộ thế giới là lớp học của mình.

“Sự uyên bác”, ông từng nói, “không phải là một sản phẩm của trường học mà cần có sự nỗ lực cả đời để đạt được nó".

David Stabler / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY