Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Tạm biệt, Táo Quân!

Táo Quân là tiếng cười trào phúng hiếm hoi của làng hài. Do vậy, sự dừng lại của thương hiệu này gây nhiều tiếc nuối dù vẫn biết những năm gần đây, chương trình đã đuối sức.

tam biet Tao Quan anh 1

Táo Quân là tiếng cười trào phúng hiếm hoi của làng hài. Do vậy, sự dừng lại của thương hiệu này gây nhiều tiếc nuối dù vẫn biết những năm gần đây, chương trình đã đuối sức.

Tối 21/11, Ngọc Dương chia sẻ bài thơ “chế” của nghệ sĩ Vân Dung trên trang cá nhân: “Mỗi năm hoa đào nở/ Là các Táo lên chầu/ Năm nay đào vẫn nở/ Mà chả thấy Táo đâu…”. Cô chẳng viết gì thêm, chỉ kèm “icon” (biểu tượng cảm xúc) mặt buồn.

28 tuổi, Ngọc Dương không bỏ sót bất cứ mùa Táo Quân nào trong suốt 16 năm qua. Cô thậm chí được bạn bè gọi là “thánh Táo Quân” vì thuộc nhiều câu nói, bài nhạc chế nổi tiếng của chương trình.

“Táo Quân dừng lại, Dương buồn thế nào?”, Zing.vn đặt câu hỏi. Cô gái Hà Nội thành thật: “Buồn chứ, cảm giác giống như chia tay một người bạn vậy, kiểu tối 30 Tết năm nào cũng đi chơi với nhau, ở bên nhau, chờ giao thừa. Năm nay, người bạn ấy đi du học, mình ở lại, chưa biết làm gì cả".

Một phần của Tết

Khi thông tin Táo Quân dừng lại được VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam) xác nhận, nghệ sĩ Xuân Bắc nhận được rất nhiều câu hỏi và cả những chia sẻ của khán giả.

Có người thậm chí than với “Nam Tào”: “Táo Quân không còn thì còn gì là Tết nữa”. NSƯT bật cười, khẳng định: “Không, không có Táo Quân thì vẫn có Tết, như nghìn năm nay vẫn vậy”.

Chỉ có một thay đổi là đêm 30 sẽ không còn hình ảnh các Táo lên chầu, báo cáo các vấn đề trong năm, thông qua chương trình Gặp nhau cuối năm. Và do vậy, cảm giác bâng khuâng, như “thiếu một thứ gì” là khó tránh.

Suốt nhiều năm qua, vào tối ngày tất niên, trước thời khắc thiêng liêng của sự giao mùa, nhiều gia đình Việt có thói quen quây quần bên nhau để cùng đón xem Táo Quân, như một nếp văn hóa không thể thiếu.

Với nhiều người, khi tiếng pháo không còn, tiết trời xuân cũng khác xưa nhiều phần, Táo Quân trở thành một “hương vị” để mong chờ của ngày Tết. Và trong những ngày đầu năm mới, bên tách trà, bánh kẹo mừng xuân, người ta cùng rôm rả nói về Táo Quân, cái gì được, cái gì chưa được.

tam biet Tao Quan anh 2
Táo Quân là chương trình hài kịch truyền hình đặc biệt có tuổi thọ 16 năm trước khi dừng lại.

Nhiều năm, Táo Quân là từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên mạng mỗi dịp Tết đến xuân về. Trên sóng VTV, đây cũng là chương trình có rating cao kỷ lục và luôn tăng qua các năm.

Năm 2016, Táo Quân có tỷ suất người xem là 7,11% tại Hà Nội và 0,99% tại TP.HCM, theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử. Sang năm 2017, tỷ suất của chương trình này vẫn tăng mạnh, lên tới 12,69% tại Hà Nội và 1,81% tại TP.HCM. Năm 2018, theo báo cáo phân tích của Hệ thống đo lường định lượng khán giả, rating Táo Quân 2018 đạt tới 15,14% trên kênh VTV1.

Báo cáo của Hệ thống đo lường và định lượng khán giả cũng từng khẳng định: "Tại Hà Nội, Táo Quân VTV là món ăn tinh thần không thể thiếu, và tính trong tổng cộng 7 ngày nghỉ Tết, đây là chương trình có sức hấp dẫn nhất đối với khán giả truyền hình".

Tiếng cười “tống cựu nghênh tân”

Táo Quân được xếp vào thể loại chương trình hài kịch truyền hình đặc biệt. Trong khi, một số chuyên gia gọi là hài chính luận.

Chương trình tập trung phản ảnh và đả kích nhiều vấn đề nổi cộm trong năm, thuộc các lĩnh vực khác nhau từ xã hội, giáo dục, y tế đến kinh tế, giao thông.

Táo Quân từng được yêu thích vì không ngại đề cập đến những đề tài thời sự như nạn tham nhũng, hối lộ, dự án ma, tai nạn giao thông, bạo lực học đường, gian lận điểm thi, hủy hoại môi trường…

NSND Khải Hưng, cũng là “cha đẻ” của Táo Quân cho biết Táo Quân là hài bác học, một năm chỉ làm một lần và tập trung rất nhiều trí lực, tiền bạc. “Dù thế nào, thì hài bác học vẫn có vị trí xứng đáng của nó, dù ít dù nhiều, Táo Quân nói lên màu sắc của xã hội trong năm”, NSND khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng Táo Quân đã nói lên tiếng nói của người dân, nhắc lại những vấn đề nhức nhối, bức xúc chưa được giải tỏa trong xã hội. Nhưng lại mang màu sắc hài hước, và giữ được tinh thần “tống cựu nghênh tân”, tức cười để giữ từ quá khứ và đón nhận những giá trị mới mẻ.

tam biet Tao Quan anh 3
Chương trình đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm trong năm.

Trong một cuộc trò chuyện với Zing.vn, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết Táo Quân ngay khi bắt tay vào viết kịch bản đã thấy khó. “Vừa phải sâu cay, vừa phải tạo được tiếng cười cho khán giả”, anh nói.

Thực tế, Táo Quân có nhiều năm được đánh giá là xuất sắc, nức lòng khán giả. Tuy vậy, cũng có những năm chương trình gây tranh cãi, bị chê nhàm, không hấp dẫn.

Nói như NSƯT Chí Trung: "Táo Quân chỉ là một chương trình hài kịch, nhưng đã phải gánh vác trên vai những kỳ vọng quá lớn từ khán giả. Khán giả mong chúng tôi nói lên tiếng lòng của họ, đại diện cho họ, và còn mong chúng tôi có thể thay đổi cuộc sống, tác động để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, rất khó! Không thể nào Táo Quân phát sóng đêm 30, sáng mùng 1 mọi người tỉnh dậy, cuộc sống đã tốt đẹp hẳn lên...".

Táo Quân luôn đến trong sự kỳ vọng của khán giả. Công chúng luôn chờ đợi nhiều điều ở Táo Quân mà đôi khi một chương trình 2-3 tiếng, trong khuôn khổ một nhà đài, không thể nói hết được.

Vân Dung bảo năm nào Táo Quân được khen thì ăn Tết ngon, còn năm nào bị chê coi như “mất Tết”.

Trong khi đạo diễn Đỗ Thanh Hải hơn một lần tâm sự rằng “công chúng đang trao cho Táo quân chiếc áo quá rộng”. Chính điều đó, khiến các nghệ sĩ xem chương trình do chính mình góp công tạo nên nhưng cảm giác thì không khác gì “ngồi trên đống lửa”, và sáng mùng 1 Tết mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Tạm biệt thanh xuân

Dù có những khen chê, dù từng được tung hô và cũng từng gây tiếc nuối, không thể phủ nhận Táo Quân là một thương hiệu của VTV trên sóng giờ vàng giao thừa. Chương trình quy tụ những diễn viên được yêu thích nhất của làng hài Bắc, đó cũng là nơi chấp cánh để họ thành công và đến gần hơn với khán giả.

Quang Thắng từng nói trước sân khấu Táo Quân rằng: "Chúng tôi dành cả thành xuân để làm Táo". Thanh xuân ấy với Quang Thắng - người tham gia Táo Quân từ những ngày đầu - là đúng 16 năm.

Chí Trung, Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc và Vân Dung cũng vậy, đều gắn bó Táo Quân từ thuở ban đầu.

Nói như Xuân Bắc, anh và những đồng nghiệp của mình đã đi một chặng đường, từ lúc còn rất trẻ với những nét diễn đầy hồn nhiên, đến hôm nay, khi ai cũng đã ngoài 40, thậm chí 50. Nét hồn nhiên năm nào nay đã được thay bằng sự chiêm nghiệm, từng trải đến từng câu thoại.

tam biet Tao Quan anh 4
Táo Quân có nhiều năm được đánh giá là xuất sắc nhưng cũng có những năm bị chê.

Công Lý bảo Táo Quân có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp của anh. Ngoài đời, nam nghệ sĩ được nhiều khán giả gọi là "cô Đẩu". Do đó, việc Táo Quân dừng lại là một "quyết định đau đớn".

"Tôi rất buồn khi một chương trình mà mình gắn bó nhiều năm không còn nữa", anh nói nhưng cũng nhấn mạnh: "Đó là điều tất yếu của bất cứ chương trình nào, thay đổi để tốt hơn là cần thiết và nên làm".

Trong khi đó, đại diện của VFC chia sẻ: "Táo Quân dừng lại nhưng không phải để kết thúc mà để mở ra một chương trình với format khác biệt, hứa hẹn hấp dẫn hơn, tươi mới hơn. Đây sẽ là thách thức lớn đối với VFC".

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, Ngọc Dương ngồi xem lại các trích đoạn hay nhất của Táo Quân qua các năm. Cô vẫn bật cười dù đã xem nhiều lần trước đó.

Ngọc Dương đặc biệt thích bài nhạc chế Lụt từ ngã tư đường phố của Táo Quân năm 2009. "Bao giờ mới lại có một bản 'đỉnh cao' như thế nhỉ?', cô gái 28 tuổi cảm thán trên trang cá nhân, nhưng không kèm "icon" buồn như hôm qua nữa. Thay vào đó, cô viết hai chữ: "Tạm biệt".

Hành trình 16 năm của Táo Quân trên sóng giờ vàng đêm giao thừa

Táo Quân là chương trình hài kịch chính luận hiếm hoi còn sót lại của thị trường Tết. Trước khi dừng lại, thương hiệu trải qua 16 năm và được nhiều khán giả yêu mến.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm