Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Taliban từng quy hàng nhưng Mỹ bỏ lỡ cơ hội vàng

Năm 2001, khi lực lượng Taliban rất yếu và sẵn sàng đầu hàng, Mỹ đã bỏ qua cơ hội để có một thỏa thuận. Hai thập kỷ sau, Taliban nắm trong tay mọi quân bài trên bàn đàm phán.

Cuoc chien Afghanistan la mot sai lam anh 1

Các chiến binh Taliban dùng súng AK-47 bắn lên trời và giơ nắm đấm lên không trung để ăn mừng sau sự kiện 11/9, bất chấp những lời cảnh báo của Washington rằng nếu họ không giao nộp Osama Bin Laden, Afghanistan sẽ bị dội bom.

Sự kiêu ngạo đó biến mất khi những trái bom Mỹ bắt đầu lao xuống. Chỉ trong vài tuần, các chiến binh Taliban rút khỏi Kabul, hoảng sợ trước tiếng hú của những chiếc B-52 khi chúng bay ở tầm thấp.

Cuoc chien Afghanistan la mot sai lam anh 2

Cung điện Hoàng gia ở Kabul bị phá hủy trong giao tranh hồi năm 2001. Ảnh: New York Times.

Cơ hội bị bỏ lỡ

Chẳng mấy chốc, Taliban tan rã và chạy đến khắp những vùng núi đồi khô cằn ở Afghanistan. Phóng viên Allisa Rubin của New York Times, người từng tham gia đưa tin trong những ngày đầu của cuộc chiến, đã chứng kiến tận mắt điều đó.

Đến những ngày đầu của tháng 11/2001, các chỉ huy Taliban bắt đầu liên hệ với Hamid Karzai, người khi đó là một trong những lãnh đạo sắc tộc quyền lực nhất đất nước và sau này trở thành tổng thống Afghanistan. Thông điệp của Taliban rất rõ ràng: Họ muốn có một thỏa thuận.

"Taliban hoàn toàn bị đánh bại, họ không có yêu cầu nào, ngoại trừ một lệnh ân xá", ông Barnett Rubin, người làm việc cùng nhóm các quan sát viên của Liên Hợp Quốc khi đó, kể lại.

Các tin nhắn được truyền qua lại giữa ông Karzai và thủ lĩnh Taliban Mullah Muhammad Omar ở Kandahar. Ông Karzai cho rằng sự đầu hàng của Taliban sẽ đảm bảo rằng lực lượng này sẽ không đóng bất cứ vai trò quan trọng nào trong tương lai của Afghanistan.

Nhưng tại Washington, các lãnh đạo Mỹ tin rằng Taliban sẽ bị xóa sổ, và họ không có tâm trạng để ngồi xuống đàm phán.

"Mỹ không có khuynh hướng đàm phán về vấn đề đầu hàng", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, ông Donald Rumsfeld tuyên bố trong một cuộc họp báo. Ông Rumsfeld cũng nói thêm rằng Mỹ không muốn Mullah Omar - chỉ huy của Taliban - tiếp tục tồn tại. Tương lai của Mullah Omar chỉ có 2 con đường, bị bắt hoặc bị tiêu diệt.

Gần 20 năm sau, Mỹ đã ngồi xuống để đàm phán một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến Afghanistan. Chỉ có điều, lúc này cán cân trên bàn đàm phán đã đảo chiều: Taliban nắm mọi lợi thế.

Đối với các nhà ngoại giao từng dành nhiều năm để định hình chiến lược của Mỹ và NATO ở Afghanistan, thỏa thuận mà chính quyền Donald Trump đạt được với Taliban vào tháng 2/2020 để rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan giống như một bước lùi.

Cuoc chien Afghanistan la mot sai lam anh 3

Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld hồi năm 2001. Ảnh: Reuters.

Người kế nhiệm ông Trump là đương kim Tổng thống Joe Biden quyết định giữ thỏa thuận này sau khi làm chủ Nhà Trắng.

Giờ đây, khi Taliban trở lại nắm quyền, một số những nhà ngoại giao khi xưa đã nhìn lại thời khắc tháng 11/2001, coi đó như một cơ hội mà Washington đã bỏ lỡ. Nếu Mỹ thỏa thuận để Taliban đầu hàng khi đó, rất có thể cuộc chiến dài nhất lịch sử nước này đã không diễn ra, và cùng với đó là rất nhiều sinh mạng ở cả hai phía đã không bị mất đi.

Đối với những người đã nhiều năm gắn bó với cuộc chiến này, thật khó để tưởng tượng rằng, nếu Washington ngồi xuống với Taliban vào năm 2001, thì Mỹ sẽ nhận một kết cục tồi tệ hơn so với những gì đang diễn ra năm 2021.

Người Mỹ đã quá tự tin

"Sai lầm của chúng ta là đã từ chối nỗ lực đàm phán của Taliban", Carter Malkasian, cựu cố vấn cấp cao của tướng Joseph Dunford, nhận định. Ông Dunford là chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ dưới nhiệm kỳ Obama và Trump.

"Chúng ta đã quá tự tin vào năm 2001 và chúng ta nghĩ rằng Taliban sẽ biến mất mà không quay trở lại. Chúng ta cũng muốn trả thù (cho sự kiện 11/9) và vì vậy chúng ta đã mắc nhiều sai lầm mà lẽ ra chúng ta không nên mắc phải", ông Malkasian nói thêm.

Chưa đầy một năm sau, Mỹ tiếp tục áp dụng cách tiếp cận đầy tự tin và "không đàm phán" cho cuộc đổ bộ Iraq, mở ra một cuộc chiến mới kéo dài hơn so với những dự đoán ban đầu.

Vào thời điểm chính quyền Trump đạt được thỏa thuận với Taliban, Mỹ đã kiệt sức vì chiến tranh. Mặc dù vậy, Washington gần như không có đòn bẩy nào khi quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Gần 2.500 người Mỹ đã chết trong cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ, bên cạnh 1.000 sinh mạng khác từ các nước đồng minh như Anh và Canada.

Mất mát bên phía Afghanistan là cao hơn nhiều. Theo Viện Watson thuộc Đại học Brown, ít nhất 240.000 người Afghanistan thiệt mạng trong cuộc chiến này, trong đó có nhiều dân thường. Ước tính, Mỹ đã tiêu tốn gần 2.000 tỷ USD ở Afghanistan, nhưng gần như chẳng có gì tồn tại đủ lâu để biện minh cho khoản chi tiêu này.

Ngược lại, Taliban ngồi xuống bàn đàm phán với vị thế hoàn toàn khác trước đây. Căn cứ của lực lượng này ở Pakistan, nơi các chiến binh của họ đến ẩn náu vào năm 2001, đã trở thành một nguồn hậu cần ổn định. Ngay cả khi sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan đạt đỉnh, Taliban vẫn có khả năng tuyển quân từ cả Afghanistan và Pakistan, một phần nhờ lợi nhuận tăng vọt từ việc tham gia buôn bán thuốc phiện.

Cuối cùng, Taliban đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan. Đầu tiên lực lượng này đi tới các vùng nông thôn, và sau đó là các thành phố. Đôi khi họ kiểm soát đường phố trong vài ngày trước khi lại lùi về ở ẩn. Thương vong của các lực lượng an ninh Afghanistan tăng dần, đôi khi lên đến hàng trăm người một tuần.

"Khi tôi nghe tin Mỹ sẽ gặp Taliban ở Doha mà không có đại diện của chính phủ Afghanistan, tôi đã nói: 'Đó không phải là một cuộc đàm phán hòa bình, đó là cuộc đàm phán đầu hàng'", ông Ryan Crocker, cựu đại sứ Mỹ tại Afghanistan, chia sẻ.

"Giờ thì những thảo luận là về việc Taliban sẽ không tấn công khi chúng ta sẽ rút lui, và đổi lại chúng ta chẳng có gì", ông Crocker nói thêm.

Thỏa thuận mà chính quyền Trump đạt được với Taliban không có việc đảm bảo quyền của phụ nữ, và cũng không đảm bảo những gì mà Mỹ đã xây dựng trong nhiều năm sẽ bị phá bỏ. Trong thỏa thuận cũng không có điều khoản này ngăn cản Taliban mở một cuộc tiến công quân sự để kiểm soát Afghanistan.

Cuoc chien Afghanistan la mot sai lam anh 4

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc đàm phán với chỉ huy Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại Doha. Ảnh: New York Times.

Cũng khó có thể coi đó là một thỏa thuận hòa bình. Điều duy nhất mà Taliban cam kết là không tấn công lực lượng Mỹ và đồng minh trong tương lai. Ngay cả ngôn ngữ sử dụng trong thỏa thuận cũng bị nhượng bộ: Taliban không chấp nhận dùng từ "khủng bố" để mô tả Al Qaeda.

Giờ đây thì Taliban đã kiểm soát Afghanistan một lần nữa, và đã có những báo cáo về việc lực lượng này lùng bắt những người đã làm việc với Mỹ. Taliban cũng được cho là đã bắt đầu hạn chế vai trò của phụ nữ bên ngoài gia đình, bất chấp những tuyên bố về việc tôn trọng quyền của phụ nữ trước đó.

Nói ngắn gọn, phần lớn những gì Mỹ cố gắng áp đặt ở Afghanistan trong 2 thập kỷ qua đang bắt đầu bị xóa bỏ.

Taliban chiếm Kabul, chính phủ Afghanistan sụp đổ Lực lượng Taliban đã tiến vào Kabul hôm 15/8. Lầu Năm Góc cho biết 6.000 lính Mỹ sẽ triển khai tới sân bay để hoàn tất việc sơ tán nhân viên Mỹ.

Người dân Kabul sống trong ác mộng

Một tuần sau khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul, người dân Afghanistan phải vật lộn từng ngày để tìm kiếm kế sinh nhai giữa lúc ngân hàng đóng cửa và giá lương thực tăng vọt.

Taliban tuyên án tử với anh trai thông dịch viên giúp đỡ quân đội Mỹ

Theo một số bức thư CNN thu thập được, Taliban đã kết án tử hình đối với anh trai của một thông dịch viên Afghanistan. Người này bị cáo buộc giúp đỡ Mỹ và bao che cho em trai.

Sơn Trần (Theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm