Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tương lai u ám của kinh tế Afghanistan

Kinh tế của Afghanistan được dự báo u ám dưới sự cai trị của Taliban. Một trong những vấn đề cấp bách nhất là cạn kiệt đồng USD, đồng Afghani Afghanistan mất giá, gây lạm phát.

Giá thực phẩm tăng vọt, tiền mặt không dư dả và một lượng lớn người tị nạn. Theo cựu giám đốc ngân hàng trung ương của Afghanistan, tương lai kinh tế của Afghanistan "có vẻ ảm đạm dưới sự cai trị của Taliban".

"Không may, Afghanistan đã phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, từ dịch bệnh, xung đột đến hạn hán", ông Ajmal Ahmady, cựu lãnh đạo của ngân hàng trung ương Afghanistan, nói với CNN.

Vị này đánh giá trên hết là khó khăn về kinh tế. Người dân Afghanistan sẽ rất khó đối phó. Taliban sẽ gặp khó trong việc quản lý và hoạch định chính sách kinh tế.

"Không rõ các chính sách của họ là gì, ai là người điều hành những chính sách kinh tế cho họ. Họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức và cần nhanh chóng giải quyết", ông nói thêm.

Nen kinh te Afghanistan anh 1

Afghanistan đối mặt với tương lai kinh tế u ám dưới sự cai trị của Taliban. Ảnh: Reuters.

Lạm phát và thiếu hụt tiền mặt

Vấn đề tài chính cấp bách nhất của Afghanistan ở thời điểm hiện tại là cạn kiệt đồng USD. Trước khi thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban, bạo lực và hỗn loạn đã cản trở việc chuyển USD đến Afghanistan.

Hiện, Mỹ đã đóng băng 9,5 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan và tạm dừng chuyển tiền đến nước này. Các chính quyền châu Âu dừng viện trợ phát triển. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cắt quyền truy cập vào SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của Afghanistan.

Ông Ahmady cảnh báo tình trạng này có thể gây khó khăn kinh tế cho chính quyền mới và người dân Afghanistan. Cụ thể, đồng tiền Afghani Afghanistan sẽ mất giá, gây lạm phát và đẩy giá lương thực tăng cao. Đồng tiền của Afghanistan đã lao dốc xuống mức thấp kỷ lục sau khi Kabul sụp đổ.

Theo Bloomberg, một thách thức kinh tế cấp bách khác đối với các "nhà cầm quyền" mới là sự thiếu hụt kỹ năng trong những bộ, ban ngành của chính phủ. Taliban sẽ phải chật vật tìm kiếm các quan chức có thể nhận được sự tin tưởng từ nhà tài trợ và đầu tư nước ngoài.

Nen kinh te Afghanistan anh 2

Một trong những thách thức kinh tế cấp bách đối với các "nhà cầm quyền" mới là sự thiếu hụt kỹ năng trong những bộ, ban ngành của chính phủ. Ảnh: AFP.

Khả năng tiếp cận dòng tiền của Taliban cũng giảm. "Tài chính sẽ bị thắt chặt. Thu nhập thực tế lao dốc", ông Ahmady nhận định. "Tôi cho rằng trong trung và dài hạn, dòng người tị nạn sẽ tăng lên. Những người ở lại Afghanistan có thể khó rút tiền khỏi ngân hàng hơn", ông nói thêm.

Một ngày trước khi Kabul rơi vào tay Taliban, ngân hàng trung ương Afghanistan đã giới hạn số tiền mà khách hàng có thể rút từ ngân hàng. Ahmady dự đoán Taliban sẽ cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát vốn vì áp lực tài chính quá lớn của đất nước.

Trên thực tế, khi Taliban tràn vào Kabul, nền kinh tế và lĩnh vực ngân hàng của Afghanistan đã rơi vào tình trạng kiệt quệ. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, gần 3/4 tong số 40 triệu người nước này sống ở các vùng nông thôn. Trong khi đó, hầu hết ngân hàng lớn chỉ tập trung tại những thành phố lớn.

Triển vọng u ám

Ông kêu gọi các cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan. "Hỗ trợ nhân đạo không chỉ cần duy trì mà còn phải tăng lên trong vài ngày và tháng tới", vị cựu lãnh đạo ngân hàng trung ương Afghanistan nhấn mạnh.

"Việc tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo là rất quan trọng, nhất là trong thời gian này", ông nói thêm.

Mỹ, Anh, Canada và các nước phương Tây khác đã báo hiệu rằng sẽ không công nhận Taliban là những người lãnh đạo hợp pháp của Afghanistan.

Taliban tuyên bố họ đã thay đổi so với lần cai trị Afghanistan trước đây. Đó là thời kỳ của những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, của hành quyết công khai và khủng bố. Phụ nữ không được phép đi làm hay tới trường, bị xử tử nếu ngoại tình hoặc yêu người cùng giới.

Không may, Afghanistan đã phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, từ dịch bệnh, xung đột đến hạn hán

- Ông Ajmal Ahmady, cựu lãnh đạo của ngân hàng trung ương Afghanistan

Tuy nhiên, ông Ahmady hoài nghi về tuyên bố trên của Taliban. "Tôi tin những gì tôi nhìn thấy, không phải thứ tôi nghe", ông nói.

Afghanistan hiện có một lượng lớn khoáng sản chưa được khai thác. Năm 2010, các quan chức quân sự và nhà địa chất Mỹ ước tính nước này đang nằm trên những mỏ khoáng sản trị giá gần 1.000 tỷ USD, bao gồm sắt, vàng, đồng, đất hiếm và một trong các mỏ lithium lớn nhất thế giới - một thành phần quan trọng đối với xe điện.

Tuy nhiên, ông Ahmady cho rằng dưới sự cai trị của Taliban, các khoáng sản tự nhiên kể trên khó có thể giúp Afghanistan thoát nghèo.

Giới quan sát cho rằng sự sụp đổ của chính phủ do Mỹ hậu thuẫn sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Ahmady, khó có khả năng Trung Quốc đổ hàng tỷ USD vào các dự án khai thác tại Afghanistan ở thời điểm hiện tại.

Đất nước vẫn đang thiếu trầm trọng mạng lưới giao thông. Việc đưa các khoáng sản ra khỏi lòng đất và vào Trung Quốc sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư lớn. Điều này khiến các nhà đầu tư chùn bước. "Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội cho Trung Quốc trong vòng 5-20 năm tới", ông nói thêm.

Taliban sẽ quản lý nền kinh tế 22 tỷ USD ra sao?

Taliban có thể thu lợi hàng tỷ USD mỗi năm từ bắt cóc, tống tiền và buôn lậu hàng hóa. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ gặp khó khi quản lý nền kinh tế Afghanistan 22 tỷ USD.

Trung Quốc trấn áp các tập đoàn lớn để giảm bất bình đẳng?

Bất bình đẳng tại Trung Quốc đang ngày càng trở nên trầm trọng. Giảm bất bình đẳng có thể là mục đích đằng sau cuộc trấn áp đối với các tập đoàn tư nhân khổng lồ.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm