Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc trấn áp các tập đoàn lớn để giảm bất bình đẳng?

Bất bình đẳng tại Trung Quốc đang ngày càng trở nên trầm trọng. Giảm bất bình đẳng có thể là mục đích đằng sau cuộc trấn áp đối với các tập đoàn tư nhân khổng lồ.

CNBC đưa tin tại một cuộc họp hôm 17/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc mang đến "của cải vừa phải" cho tất cả người dân, hay còn gọi là "thịnh vượng chung".

Giới phân tích nhận định đây là mục đích đằng sau cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ tư nhân của đất nước.

Đáng nói, đây là cuộc họp công khai đầu tiên do ông Tập chủ trì sau hai tuần im hơi lặng tiếng. Cuộc họp kêu gọi "điều chỉnh hợp lý đối với thu nhập quá mức, khuyến khích các nhóm và doanh nghiệp thu nhập cao đóng góp trở lại cho xã hội nhiều hơn", theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ rõ thịnh vượng chung không có nghĩa là của cải chỉ dành cho số ít người. Theo báo cáo, tiến trình đạt mục tiêu sẽ diễn ra theo từng giai đoạn.

Tap doan tu nhan anh 1

Tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại đất nước 1,4 tỷ dân ngày càng trở nên trầm trọng trong vài thập kỷ qua. Ảnh: Reuters.

Bất bình đẳng thu nhập

Theo CNBC, trong những tháng qua, "thịnh vượng chung" đã trở thành một chủ đề thường gặp ở các cuộc thảo luận của giới chức Trung Quốc. Thuật ngữ này được hiểu là "sự giàu có vừa phải dành cho tất cả, thay vì chỉ một số ít người". Dù được sử dụng thường xuyên, nó vẫn là một khẩu hiệu khá mơ hồ.

"Việc tăng thuế đối với nhóm thu nhập cao, thuế trên lợi nhuận đầu tư có thể hạn chế đầu tư, thậm chí khiến dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc. Do đó, chính phủ Trung Quốc sẽ không hoàn toàn bỏ qua tác động của các chính sách tái phân phối đối với nền kinh tế", chuyên gia Yue Su tại The Economist Intelligence Unit nhận định.

Tuy nhiên, theo bà Su, quá trình tư nhân hóa trong các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc người già và chăm sóc y tế có thể chậm lại. Bởi cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với giá dịch vụ và khả năng chi trả.

Trong những tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục giáng đòn lên các tập đoàn tư nhân lớn của đất nước. Hồi tháng 11/2020, Bắc Kinh bất ngờ yêu cầu Ant Group - công ty công nghệ tài chính của tỷ phú Jack Ma - hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và thay đổi mô hình kinh doanh.

Tap doan tu nhan anh 2

Trong những tháng qua, chính quyền Bắc Kinh liên tục giáng đòn lên các tập đoàn tư nhân lớn của đất nước. Ảnh: CNN.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng chịu mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau cuộc điều tra chống độc quyền của Bắc Kinh. Những công ty khác - bao gồm Tencent và Pinduoduo - bị buộc tội vì các hành vi phản cạnh tranh.

Chính quyền Bắc Kinh còn ngăn Didi - hãng gọi xe được SoftBank rót vốn - đăng ký khách hàng và tài xế mới. Ứng dụng của Didi cũng bị xóa khỏi những cửa hàng ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đến ngày 24/7, Trung Quốc yêu cầu các công ty dạy thêm chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận và không thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Tình trạng bất bình đẳng tại đất nước 1,4 tỷ dân ngày càng trở nên trầm trọng trong vài thập kỷ qua. Theo ước tính của giáo sư Thomas Piketty và nhóm nghiên cứu của Paris School of Economics, 10% người giàu nhất đất nước đã kiếm được 41% thu nhập trên toàn quốc vào năm 2015. Hồi năm 1978, con số chỉ là 27%.

Phân phối lại của cải

Khoảng 50% dân số Trung Quốc có thu nhập thấp hơn chỉ kiếm được 15% tổng thu nhập trên toàn quốc, giảm từ 27% vào năm 1978.

Dữ liệu chính thức chỉ ra trong năm 2021, cư dân thành thị ở Thượng Hải có thu nhập khả dụng bình quân đầu người là 7.058 NDT (tương đương 1.091 USD) mỗi tháng, cao hơn nhiều con số trung bình 4.021 NDT ở các thành phố trên toàn quốc. Tại những vùng nông thôn, người dân chỉ kiếm trung bình 1.541 NDT/tháng.

Cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực ở đất nước 1,4 tỷ dân. Tuyên bố đánh dấu cột mốc đầu tiên để thực hiện những cam kết lâu dài hơn của các quan chức Bắc Kinh.

Với việc xây dựng mục tiêu "thịnh vượng chung", Trung Quốc đã khẳng định nỗ lực cân bằng lại nền kinh tế theo hướng lao động, giải quyết bất bình đẳng xã hội thông qua tái phân phối, phúc lợi xã hội, thuế và giáo dục hòa nhập

Nhóm phân tích của Morgan Stanley

"Với việc xây dựng mục tiêu 'thịnh vượng chung', Trung Quốc đã khẳng định nỗ lực cân bằng lại nền kinh tế theo hướng lao động, giải quyết bất bình đẳng xã hội thông qua tái phân phối, phúc lợi xã hội, thuế và giáo dục hòa nhập", các nhà phân tích của Morgan Stanley viết trong báo cáo công bố hôm 18/8.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ đưa ra những biện pháp bổ sung để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Dữ liệu tháng 7 chỉ ra tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm hơn so với các dự báo của giới phân tích, bao gồm số liệu về chi tiêu của người tiêu dùng Trung QUốc.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, trong năm nay, tăng trưởng của Trung Quốc không quan trọng bằng việc giải quyết các vấn đề dài hạn như bom nợ phình to và rủi ro trên thị trường bất động sản.

"Tài chính là cốt lõi của nền kinh tế hiện đại, có mối liên hệ với phát triển và an ninh", truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tập tại cuộc họp hôm 17/8.

"(Tài chính) cần phải tuân theo các nguyên tắc thị trường hóa và pháp quyền, đồng thời phối hợp ngăn ngừa và giải quyết những rủi ro tài chính lớn", ông nhấn mạnh.

Các tập đoàn lớn Trung Quốc phải trả giá vì chèn ép doanh nghiệp nhỏ

Chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khi những tập đoàn này lạm dụng vị thế thống trị để chèn ép đối tác và khách hàng.

Các tập đoàn lớn của Trung Quốc bị trừng phạt, nhà đầu tư dè chừng

Các công ty Trung Quốc thu hút dòng vốn khổng lồ từ nhà đầu tư quốc tế trong 30 năm qua. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát, giới đầu tư bắt đầu e ngại.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm