Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Taliban rạn nứt

Những chỉ trích từ các quan chức cấp cao điều hành chính phủ Afghanistan nhắm vào các chính sách hạn chế quyền của phụ nữ hé lộ mâu thuẫn giữa các thủ lĩnh của Taliban.

taliban ran nut anh 1

Những dấu hiệu rạn nứt trong thượng tầng lãnh đạo Taliban bắt đầu bị phơi bày sau khi Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani và Phó thủ tướng Abdul Salam Hanafi, những thủ lĩnh đầy quyền lực trong chính phủ, đăng đàn chỉ trích công khai các quyết sách của thủ lĩnh tối cao Taliban là Haibatullah Akhundzada, theo AP.

Dấu hiệu mâu thuẫn

Thượng tầng lãnh đạo Taliban luôn là điều bí ẩn kể từ khi lực lượng này quay lại nắm quyền lãnh đạo Afghanistan tháng 8/2021, thế giới gần như không biết các quyết định được đưa ra theo quy trình như thế nào.

Những tháng gần đây, thủ lĩnh tối cao Akhundzada dường như tỏ ra cứng rắn hơn trong chỉ đạo thi hành chính sách. Đặc biệt, Akhundzada là người trực tiếp chỉ đạo cấm phụ nữ và trẻ em gái đến trường học sau khi hết tiểu học.

Lệnh cấm nhắm vào phụ nữ vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, khiến Afghanistan càng thêm bị cô lập trong bối cảnh nền kinh tế nước này sụp đổ, làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo.

Những lệnh cấm mới đây cũng đi ngược lại các phát ngôn và chính sách trước đó của chính quyền Taliban.

taliban ran nut anh 2

Phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan bị cấm đến trường sau khi học hết tiểu học. Ảnh: Reuters.

Trước khi lệnh cấm được ban bố vào tháng 12, phụ nữ Afghanistan vẫn được phép đi học. Giới chức Taliban nhiều lần hứa trẻ em gái sẽ được phép học hết trung học, nhưng cuối cùng chính sách này bị đảo ngược.

Cuối tuần qua, khi tham gia lễ tốt nghiệp tại một trường Hồi giáo ở tỉnh Khost, Bộ trưởng Nội vụ Haqqani tuyên bố việc giới lãnh đạo thao túng quyền lực và làm hoen ố danh tiếng của Taliban không có lợi cho đất nước, theo Le Monde.

"Tình hình đã trở nên không thể chấp nhận được", ông Haqqani nói.

Bộ trưởng Haqqani nói hiện nay khi Taliban đã nắm quyền, tổ chức này phải gánh thêm nhiều trách nhiệm hơn, đòi hỏi phải hành xử kiên nhẫn và đối xử tử tế với người dân, nhằm tránh khiến dân chúng căm ghét Taliban cũng như giáo lý mà tổ chức này đại diện.

Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Haqqani không nhắc trực tiếp tới Akhundzada, nhưng nội dung của phát biểu được đánh giá nhắm trực tiếp tới thủ lĩnh tối cao.

Bộ trưởng Haqqani cũng không nói cụ thể về vấn đề giáo dục cho phụ nữ, nhưng trước đó ông Haqqani từng công khai kêu gọi cho phép phụ nữ đi học ở nhiều cấp độ.

Tuần qua, Phó thủ tướng Abdul Salam Hanafi cũng gián tiếp chỉ trích lệnh cấm phụ nữ đi học trong một bài phát biểu ở Kabul.

"Nếu không cải thiện chất lượng và số lượng trong hệ thống giáo dục, không cập nhật chương trình giáo dục, chúng ta sẽ không bao giờ thành công", ông Hanafi nói.

Zabihullah Mujahed, người phát ngôn của chính phủ Afghanistan, đã phản pháo các chỉ trích nhắm vào các lệnh cấm gần đây với phụ nữ, dù rằng không nêu tên bất cứ quan chức nào.

"Nếu ai đó muốn phê phán thủ lĩnh tối cao, các bộ trưởng hoặc quan chức chính phủ, tốt nhất nên nói riêng và bí mật với người đó", ông Mujahed nói.

Khó mong chờ thay đổi

Thủ lĩnh tối cao Akhundzada xuất thân là một học giả nghiên cứu về đạo Hồi. Đến nay, Akhundzada hầu như không xuất hiện trước công chúng và hiếm khi rời Kandahar, căn cứ địa của Taliban.

Xung quanh vị thủ lĩnh tối cao là các học giả Hồi giáo khác, cũng như thủ lĩnh các bộ lạc, những người luôn phản đối cho phép phụ nữ đi học, đi làm. Đến nay, chỉ có duy nhất một bức ảnh của Akhundzada được tiết lộ.

Akhundzada mới chỉ tới Kabul một lần sau khi Taliban trở lại tiếp quản chính quyền. Trong chuyến đi này, Akhundzada có bài phát biểu tới các giáo sĩ ủng hộ Taliban. Truyền thông Afghanistan không được tham dự sự kiện này.

Taliban thường xử lý các xung đột nội bộ trong bí mật. Theo Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại tổ chức nghiên cứu chính sách Wilson Center, phát ngôn vừa qua của Bộ trưởng Haqqani là dấu hiệu "leo thang đáng chú ý".

Các thủ lĩnh Taliban có chí hướng giống nhau. Tuy nhiên những thủ lĩnh tại căn cứ địa Kandahar không phải điều hành đất nước hàng ngày. Trong khi đó ở Kabul, các quan chức Taliban trong chính phủ phải quản lý và cung cấp dịch vụ công, ông Kugelman nói.

taliban ran nut anh 3

Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani. Ảnh: AP.

Bộ trưởng Haqqani là người đứng đầu một phe trong Taliban, được biết tới với tên "Mạng lưới Haqqani". Nhóm này được xây dựng quanh các thành viên gia đình Haqqani tập trung ở Khost.

"Mạng lưới Haqqani" đã có những trận đánh với NATO và lực lượng chính phủ cũ của Afghanistan suốt nhiều năm, khét tiếng với những cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Kabul. Chính phủ Mỹ đến nay vẫn treo thưởng 10 triệu USD cho tính mạng của ông Haqqani.

Phát biểu của Bộ trưởng Haqqani cuối tuần qua cho thấy khác biệt rõ ràng đến từ một nhóm trong nội bộ giới lãnh đạo Taliban, đây là các quan chức tỏ ra sốt sắng thay đổi cách hoạt động để đáp ứng nhu cầu của việc quản lý một đất nước.

Khi trở lại nắm quyền năm 2021, các quan chức Taliban nói họ muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với thế giới. Taliban tuyên bố sẽ không tái lập xã hội hà khắc, nhiều hạn chế với phụ nữ, hay các hình phạt tàn bạo công khai, như tổ chức này từng duy trì khi lần đầu nắm quyền thập niên 1990.

Nhưng sau chưa đầy 2 năm, Taliban đã cấm phụ nữ đảm nhiệm gần như mọi công việc. Phụ nữ bị cấm đi học sau tiểu học, bị cấm đến công viên. Taliban yêu cầu phụ nữ mặc trang phục trùm kín từ đầu tới chân ở nơi công cộng.

Phó thủ tướng Hanafi, người cũng chỉ trích lệnh cấm phụ nữ đi học, chỉ trích các cố vấn bên cạnh thủ lĩnh tối cao Akhundzada đang không làm tròn nhiệm vụ, theo ABC News.

Ông Hanafi cho rằng vai trò của các học giả Hồi giáo không chỉ dừng ở ngăn cấm các hành vi của người dân, mà còn là tìm ra những giải pháp để đưa đất nước đi lên.

Tuy vậy, các chuyên gia hoài nghi khả năng thay đổi từ thủ lĩnh tối cao Akhundzada và phe bảo thủ tại Kandahar. Ahmed Rashid, nhà báo từng nhiều năm theo sát Taliban, cho biết đoàn kết là ưu tiên của tổ chức và rất khó có sự cải tổ từ bên trong nội bộ.

"Tuy nhiên, những lãnh đạo Taliban đang phải xử lý gánh nặng của chính phủ nhận ra họ không thể tiếp tục như vậy", ông Rashid nói.

Afghanistan ngày nay

Mục Thế giới giới thiệu sách về Afghanistan với tựa đề "Afghanistan ngày nay" do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2018. Hiện nay, khi nhắc đến Afghanistan, nhiều người thường nghĩ đến vùng đất của chiến tranh, nghèo đói, ma túy và bất ổn. Vậy điều gì khiến Afghanistan mất đi vẻ đẹp và sự bình yên của đất nước một thời? Cuốn sách sẽ góp phần lý giải câu hỏi này.

Lời chỉ trích hiếm thấy đối với thủ lĩnh tối cao Taliban

Việc một quan chức cấp cao trong chính quyền Taliban ngầm chỉ trích thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada hé lộ mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trong nội bộ tổ chức này.

Taliban áp lệnh cấm mới vào nữ sinh Afghanistan

Bộ Giáo dục Đại học do Taliban điều hành đã yêu cầu các trường đại học tư nhân tại Afghanistan không được phép cho nữ sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học vào tháng tới.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm