Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải tại TP.HCM được yêu cầu từ chối vận chuyển đối với trường hợp người sử dụng dịch vụ không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định, đặc biệt là không thực hiện khai báo y tế bắt buộc, không đeo khẩu trang đúng cách.
Theo Sở GTVT TP.HCM, biện pháp này được đưa ra nhằm đảm bảo sức khỏe trong cộng đồng cũng như hỗ trợ truy vết khi có trường hợp lây nhiễm.
Bên cạnh đó, các đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động kết nối mua bán hàng trực tuyến và vận chuyển giao nhận hàng (giao hàng, bưu phẩm, bưu kiện, thức ăn ...) bằng xe gắn máy, môtô 2 bánh phải luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 m với khách hàng khi giao nhận hàng và ghi chép lại nhật ký hành trình mỗi ngày.
Theo Sở GTVT TP.HCM, tài xế có quyền từ chối vận chuyển hành khách không chấp hành các quy định chống dịch như không đeo khẩu trang đúng cách, không khai báo y tế. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác như khai báo y tế cho hành khách, nhân viên, vệ sinh bề mặt phương tiện, tuân thủ chặt chẽ thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế).
Trao đổi với Zing, đại diện Grab cho biết doanh nghiệp đã thông tin tường tận tới tài xế, cả xe ôm công nghệ lẫn xe hơi, về việc có quyền hủy chuyến nếu hành khách không khai báo y tế, không đeo khẩu trang. "Ở chiều ngược lại, hành khách cũng có thể hủy chuyến nếu tài xế không đeo khẩu trang, không thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng dịch", vị này cho biết.
Cũng theo đại diện Grab, tài xế không khai báo y tế, không kiểm tra xem hành khách đã khai báo y tế chưa sẽ bị xử lý theo đúng yêu cầu của Sở GTVT TP.HCM, ngoài ra còn có khả năng không được Grab phát cuốc xe nếu cố tình vi phạm.
Trước đó Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng cũng đã có văn bản đề nghị Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) xem xét, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp chủ quản ứng dụng công nghệ phục vụ các dịch vụ vận chuyển tạm dừng hoạt động tại Đà Nẵng từ 17/5 đến khi có thông báo mới nhằm phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Cơ quan này cũng có văn bản đề nghị những đơn vị, doanh nghiệp chủ quản ứng dụng công nghệ phục vụ các dịch vụ vận chuyển như: Grab, Be, FastGo, MyGo, Vato, Now, Loship, Baemin, Ahamove… và các dịch vụ ship thức ăn, hàng hóa tạm dừng hoạt động tại Đà Nẵng.