Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gojek sắp đối đầu trực diện Grab tại Việt Nam

Sau 3 năm tập trung vào các dịch vụ xoay quanh xe 2 bánh, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam khẳng định công ty sẽ sớm ra mắt dịch vụ gọi ôtô và thanh toán điện tử.

“Chúng tôi sẽ sớm ra mắt dịch vụ gọi xe 4 bánh với tên gọi là GoCar. Dịch vụ này đang ở trong những bước chuẩn bị cuối cùng trước khi chính thức hoạt động. Nhưng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao để có sự chuẩn bị phù hợp”, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam Phùng Tuấn Đức chia sẻ với Zing bên lề sự kiện khởi động dự án đào tạo nghề, hỗ trợ người thân của đối tác tài xế khởi nghiệp tổ chức ngày 5/5.

Ông Đức cho biết dự kiến những chuyến xe GoCar đầu tiên sẽ chính thức lăn bánh trong một vài tuần tới. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện tại, Gojek không loại trừ khả năng thay đổi kế hoạch để đảm bảo tuân thủ quy định về phòng, chống dịch.

Người đứng đầu Gojek Việt Nam nhấn mạnh với kinh nghiệm thực thi các hoạt động phòng dịch Covid-19 với đối tác tài xế, hành khách sử dụng dịch vụ gọi xe 2 bánh GoRide, công ty tự tin sẽ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn khi ra mắt GoCar.

"Thị trường đủ rộng cho nhiều người chơi"

Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh chỉ là một trong những trở lực với Gojek khi tung dịch vụ gọi xe 4 bánh.

Thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam đã phát triển hơn 5 năm qua với miếng bánh thị phần lớn nhất thuộc về Grab. Ứng dụng thuần Việt Be cũng là một lựa chọn khác của người tiêu dùng nhưng chưa phải là đối trọng xứng tầm với gã khổng lồ ngoại quốc.

Trong khi đó, có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2018 với thương hiệu ban đầu là GoViet, Gojek chỉ phát triển 3 dịch vụ vận chuyển, giao hàng, giao đồ ăn xoay quanh xe 2 bánh. Suốt 3 năm qua, khi nhận nhiều câu hỏi về dự định phát triển mảng gọi xe 4 bánh, lãnh đạo GoViet trước đây và Gojek Việt Nam hiện tại thường trả lời “luôn xem xét việc phát triển các dịch vụ mới”.

Trong khi đó, các nhà sáng lập của Gojek nhiều lần khẳng định mình mới là cha đẻ của khái niệm "siêu ứng dụng" tại Đông Nam Á với việc tích hợp hàng chục dịch vụ trên một ứng dụng và cho rằng Grab chỉ là người đi theo mô hình này. Nhưng ở Việt Nam, số lượng dịch vụ của Gojek khiêm tốn hơn nhiều so với đối thủ lớn nhất và ít hơn cả Be.

Là người đi sau trong mảng gọi xe 4 bánh nhưng ông Đức cho rằng “trước hay sau không quan trọng bằng việc ai đi được đường dài”. CEO Gojek Việt Nam đánh giá thị trường vẫn rất lớn và đủ chỗ cho nhiều người chơi. Ông Đức dẫn chứng bằng các số liệu trong những báo cáo nghiên cứu dự báo kinh tế số Việt nam sẽ tăng trưởng 30-40% mỗi năm trong 5-10 năm tới.

Gojek anh 1

Tổng giám đốc Gojek Việt Nam Phùng Tuấn Đức. Ảnh: GJ.

“Các dịch vụ gọi xe sẽ còn phát triển rất nhanh. Thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ những năm tới và trở nên rộng lớn hơn nhiều”, CEO Phùng Tuấn Đức tự tin.

Lý giải về việc chọn thời điểm này để ra mắt dịch vụ gọi xe 4 bánh, ông Đức cho hay sau khi Gojek đã gặt hái nhiều thành công ban đầu sau thời gian tập trung phát triển theo chiều sâu xoay quanh các dịch vụ với xe máy. Thành quả mới nhất là con số 200.000 đối tác tài xế 2 bánh.

“Các dịch vụ của Gojek đã tập trung vào những nhu cầu sát sườn nhất của người tiêu dùng là đi lại và ăn uống. Thị trường đang tăng trưởng rất nhanh, khách hàng cần chúng tôi cung cấp dịch vụ mới và Gojek cũng tự tin để mở rộng. Chúng tôi đã thành công với dịch vụ gọi xe 2 bánh thì cũng sẽ làm bài bản với xe 4 bánh”, ông Đức nói.

Sớm ra mắt dịch vụ thanh toán

Trong lần thay đổi thương hiệu từ GoViet sang Gojek vào tháng 8/2020, người đứng đầu ứng dụng này tại thị trường Việt Nam nhiều lần nhắc đến cụm từ “tam giác vàng” với công ty. Đó là 3 mảng dịch vụ cốt lõi gồm di chuyển, giao đồ ăn và thanh toán. Các dịch vụ khác của siêu ứng dụng này là những vệ tinh bao quanh 3 mảng cốt lõi trên.

Vị CEO cho biết cùng với dịch vụ gọi xe 4 bánh, dịch vụ thanh toán của Gojek cũng sẽ được triển khai ngay trong năm nay để hoàn thiện “tam giác vàng” tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, Gojek vẫn chỉ cho phép phương thức thanh toán duy nhất là tiền mặt sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, đứng ngoài xu hướng phát triển thanh toán điện tử của các đối thủ.

Gojek anh 2
Gojek chỉ có duy nhất phương thức thanh toán bằng tiền mặt từ ngày vào thị trường Việt Nam đến nay. Ảnh: Lê Trọng.

Tháng 8/2020, ông Đức và một nhân sự cấp cao của Gojek tại Singapore là ông Pablo Malay lần lượt giữ chức Tổng giám đốc và Chủ tịch Công ty TNHH Dịch vụ Thanh toán WePay. Địa chỉ trụ sở chính của WePay sau đó cũng được thay đổi, trùng với văn phòng của Gojek tại Việt Nam. Đầu năm nay, WePay cũng bổ sung một loạt ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Dù chưa từng xác nhận thông tin mua lại công ty fintech này nhưng với việc các nhân sự cấp cao đang điều hành WePay, Gojek nhiều khả năng sẽ dùng fintech này làm bàn đạp để bước vào thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam. WePay nhận giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước vào năm 2017, điều kiện cần để tham gia thị trường ví điện tử.

Trước đó, đối thủ của Gojek cũng đi con đường tương tự. Grab hợp tác chiến lược với Moca, một fintech sở hữu giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Sau đó, dịch vụ thanh toán GrabPay by Moca ra đời vào cuối năm 2018. Với sự hậu thuẫn của hệ sinh thái Grab, Moca là một trong 3 ví điện tử chiếm tới 90% thị phần tại Hà Nội và TP.HCM cùng với Momo và ZaloPay theo một khảo sát công bố đầu năm 2020 do công ty nghiên cứu thị trường Cimigo thực hiện.

Grab thu phụ phí ngày nghỉ lễ 30/4-1/5

Khách hàng sẽ trả thêm phụ phí 5.000 đồng/chuyến khi sử dụng dịch vụ GrabBike và 10.000 đồng/chuyến với GrabCar trong 3 ngày giỗ Tổ Hùng Vương (21/4), 30/4 và 1/5.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm