BÌNH LUẬN
“Tôi chắc chắn nhiều người đang ở nhà và theo dõi trận đấu này”, bình luận viên Guy Mowbray của BBC đưa ra nhận định trong trận chung kết Euro 2016 giữa tuyển Bồ Đào Nha và tuyển Pháp.
Vào thời điểm ấy, Ronaldo bật khóc vì chấn thương sau pha va chạm với Dimitri Payet ở phút 13. Số 7 của Bồ Đào Nha biết mình không thể tiếp tục có mặt trên sân ở trận đấu lớn nhất trong sự nghiệp quốc tế.
Những màn kịch trên sân cỏ
Khả năng chinh phục các danh hiệu của Ronaldo chưa bao giờ bị hoài nghi. Tiền đạo người Bồ Đào Nha sở hữu tốc độ, sức mạnh, sự sáng tạo, tinh thần mạnh mẽ và sự tự tin ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất. CR7 (biệt danh của Ronaldo) có những phẩm chất khiến HLV Carlos Quieroz phải thốt lên: “Tôi nhận ra rằng mình đang phải đối mặt với một siêu nhân”.
Thế nhưng, trong sự nghiệp lẫy lừng của Ronaldo, đặc biệt sau thời gian gắn bó với Real Madrid, có một câu hỏi được nhắc đến rất nhiều: Liệu Ronaldo có thực sự được yêu quý?
Có nhiều lý do để người hâm mộ cảm thấy khó chịu với Ronaldo. Việc anh thường xuyên có tình huống ăn vạ là một trong số đó.
Ronaldo phải rời sân ở phút 15 trong trận chung kết Euro 2016. Trên sóng truyền hình, bình luận viên Mowbray nhận định: “Chứng kiến những khoảnh khắc này, nhiều người sẽ chỉ trích cậu ấy sau khi trận đấu tiếp tục”.
Các cổ động viên cảm thấy bất ngờ khi Mowbray nhận xét như thế. Song, bình luận viên người York có lý do của mình.
Trong quá khứ, Ronaldo không ít lần giả vờ gặp chấn thương trong những trận đấu quan trọng và nhiều người không còn tin tưởng CR7 nữa. Phần đông CĐV Anh thường xuyên tỏ thái độ mỉa mai với Ronaldo. Điều này hoàn toàn dễ hiểu.
Ronaldo khoác áo Man United, đội bóng sở hữu lượng cổ động viên đông đảo nhưng cũng có không ít người ganh ghét. Trong khi đó, những người yêu mến tuyển Anh chưa bao giờ quên trận đấu giữa “Tam sư” (biệt danh của tuyển Anh) và Bồ Đào Nha tại tứ kết World Cup 2006.
Ronaldo xuất hiện, gây tác động lên trọng tài, khiến Wayne Rooney bị đuổi khỏi sân. Cái nháy mắt của CR7 sau tình huống ấy khiến các CĐV Anh tức giận. Sau đó, chính Ronaldo là người thực hiện quả penalty cuối cùng, đưa tuyển Bồ Đào Nha vào bán kết.
Ngoài thói ăn vạ, nhiều người không thích sự khoe mẽ của Ronaldo. Trong tư tưởng của người Anh, chỉ có những người mang 100% dòng máu bản địa như Steven Gerrard, Frank Lampard, Alan Shearer mới được yêu thích. Đối với những người ngoại quốc như Ronaldo, họ coi như những chú ngựa non được cưng chiều.
Tại Euro 2016, một người dẫn chương trình của BBC Five Live đặt cho Ronaldo biệt danh là “Người đàn ông của nước hoa”. Nhiều người chỉ trích cựu cầu thủ Sporting Lisbon, cho rằng anh quá điệu đà, hay phô trương những bộ quần áo đắt tiền mang nhãn hiệu thời trang CR7.
Tiền đạo người Bồ Đào Nha không ngần ngại làm người mẫu cùng với những sản phẩm ấy. Rất nhiều lần anh khoe thân hình cơ bắp cuồn cuộn, rắn chắc của mình.
Ronaldo chăm sóc sức khỏe rất tốt, có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Tuy nhiên, điều đó khiến nhiều người nảy sinh lòng đố kỵ.
Ronaldo thường xuyên ăn mừng mãnh liệt và khoe cơ bắp cuồn cuộn trên sân cỏ. Ảnh: Getty Images. |
Sự dũng cảm của Ronaldo
Nhắc đến Ronaldo, nhiều người sẽ nghĩ đến ý chí mạnh mẽ để vượt qua nghịch cảnh, vươn tới thành công. HLV Alex Ferguson từng có chia sẻ về cậu học trò sau một buổi tập của Man United vào năm 2008.
“Ronaldo bị đánh giá thấp về sự dũng cảm. Rất ít cầu thủ có được dũng khí như cậu ấy. Việc quyết tâm tranh bóng, dẫn bóng lao thẳng vào hàng phòng ngự đối phương rồi gây nguy hiểm cho khung thành của họ là những ví dụ”.
Cựu thuyền trưởng người Scotland tiếp tục: “Ngoài ra, không thể bỏ qua sự dũng cảm khi giữ bóng. Ronaldo có được điều đó, giống như George Best, Bobby Charlton, Eric Cantona hay những cầu thủ tuyệt vời khác”.
Cá tính mạnh mẽ theo Ronaldo từ khi anh còn là một cậu bé ở đội trẻ Sporting Lisbon. Anh lớn lên trong cảnh nghèo đói ở đảo Madeira. Ronaldo luôn tìm mọi cách để thoát khỏi sự khó khăn ấy và ý chí sắt đá lớn dần theo năm tháng.
Bà Dolores cho phép cậu con trai Ronaldo chuyển đến Sporting Lisbon khi mới 12 tuổi, để theo đuổi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Tuy nhiên, khát khao của anh còn lớn hơn thế. Ngay trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, Ronaldo đã nhắc đến cụm từ “cầu thủ xuất sắc thế giới”.
Cha của Ronaldo, ông Dinis, một người làm vườn qua đời vào năm 2005 vì nghiện rượu. Khi ấy, Ronaldo mới 20 tuổi, chưa gặt hái nhiều vinh quang. Trong suy nghĩ của mình, tiền đạo người Bồ Đào Nha luôn dằn vặt vì không thể thành công sớm hơn, để ông Dinis được nở nụ cười hạnh phúc.
Ronaldo từng trải qua nhiều khó khăn, đau thương. Vậy nên, anh trân trọng những gì mình có được sau thời gian nỗ lực không biết mệt mỏi và muốn thể hiện cho cả thế giới được biết. Tuy nhiên, điều đó khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng.
Nhà báo Oscar Campillo, người từng làm biên tập viên ở Marca, cho biết: “Một anh bạn từng hỏi tôi tại sao nhiều người yêu quý Messi hơn Ronaldo. Tôi trả lời rằng Messi cư xử thông minh hơn Ronaldo nhiều. Messi luôn dành những lời tốt đẹp, cho rằng những giải thưởng cá nhân của mình có sự đóng góp không nhỏ của các đồng đội”.
Campillo tiếp tục chia sẻ: “Trong khi đó, Ronaldo thì ngược lại. Cậu ấy luôn chỉ nhìn vào bản thân mình, khoe cơ bắp cuồn cuộn. Cậu ấy ăn mừng bàn thắng của đồng đội một cách miễn cưỡng và tỏ ra rất phấn khích sau khi tự mình sút tung lưới đối thủ. Ronaldo rất tức giận khi nghe những lời ấy và cần đến 10 giây để lấy lại trạng thái bình thường”.
Những khó khăn, môi trường, con người xung quanh tạo nên hai tính cách trong con người của Ronaldo, khiến các CĐV ngưỡng mộ nhưng cũng cảm thấy không hài lòng. Song, ở tuổi 36, tiền đạo người Bồ Đào Nha không quan tâm nhiều đến thái độ của mọi người. Anh chỉ tập trung vào sự nghiệp và tiếp tục gặt hái thành công.