Phi công là một trong những nghề căng thẳng và áp lực nhất thế giới. Ảnh minh họa: Pixgood |
Thế giới đang theo dõi vụ máy bay U49525 của hãng Germanwings, Đức, rơi trên dãy Alps ngày 24/3. Các công tố viên Pháp công bố cơ phó Andreas Lubitz điều khiển phi cơ lao vào núi khiến toàn bộ 150 người thiệt mạng. Nhiều báo cáo từ các nhà điều tra cho thấy, Lubitz từng có giai đoạn bị trầm cảm nặng.
Theo trang tư vấn nghề nghiệp Career Cast, phi công lái máy bay thương mại là một trong nhưng nghề căng thẳng và nguy hiểm nhất thế giới. Những người cầm lái trên bầu trời phải làm việc trong thời gian dài, đối mặt với mọi điều kiện thời tiết và những rủi ro như máy bay hỏng hóc hay khủng bố tấn công.
Mỗi phi cơ chở khách thường chở từ vài chục đến vài trăm hành khách. Vì vậy, phi công là người quyết định sự an toàn của bản thân, phi hành đoàn và tất cả hành khách trên máy bay.
Để trở thành phi công thực sự, mỗi người phải trải qua quá trình đào tạo cực kỳ khắt khe và lâu dài. Tuy nhiên, khoản thu nhập của họ không quá cao. Tại Mỹ, những người mới vào nghề chỉ nhận khoảng 21.000 USD/năm trong khi cơ trưởng nhận từ 75.000 đến 100.000 USD/năm. Với mức lương này, các phi công chỉ đủ tiền trang trải sinh hoạt cho dù họ sống bất kỳ đâu trên đất Mỹ.
Ngoài ra, lịch bay bất ngờ và việc tập trung cao độ cho cất cánh, hạ cánh trong mỗi chuyến bay cũng khiến nhiều phi công cảm thấy mệt mỏi. Họ thường xuyên phải thực hiện những chuyến bay dài ngày, đi đến nhiều châu lục. Thậm chí, một số người không thể về thăm nhà, gặp gỡ người yêu.
"Họ không có nhiều người để chia sẻ, trò chuyện. Điều đó làm gia tăng căng thẳng", Tiến sĩ William Sledge, giám đốc y tế của Bệnh viện tâm thần Yale-New Haven, nói về mặt trái của nghề phi công.