Buồng lái trên máy bay A320 xấu số của hãng Germanwings. Bức ảnh chụp trong chuyến bay gần nhất của phi cơ trước khi gặp nạn. Ảnh: EPA |
Các kỹ sư thiết kế cánh cửa rất đặc biệt để ngăn chặn những người cố ý vào nơi làm việc của phi công. Họ trang bị cho cánh cửa hệ thống điện tử hiện đại có khả năng tự động đóng - mở. Quá trình kiểm soát cửa dựa trên công tắc trên bàn điều khiển của phi công.
Trong vụ tai nạn của chuyến bay 4U9525, cơ phó Andreas Lubitz đã khóa cửa buồng lái, ngăn không cho cơ trưởng quay trở lại sau khi ông đi vệ sinh. Carsten Spohr, tổng giám đốc hãng hàng không Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, khẳng định: "Không hệ thống an toàn nào trên thế giới có thể ngăn chặn sự cố cá biệt như vậy".
Đồng tình với lời giải thích của ông Spohr, phi công kỳ cựu Andy Danziger trả lời báo New York Daily News rằng: "Đây là điều không ai có thể đoán trước. Cánh cửa là một thiết kế hoàn hảo để ngăn chặn khủng bố. Tuy nhiên, người gây ra tai nạn lại chính là phi công trên máy bay. Làm sao có thể ngờ rằng anh ấy nguy hiểm như vậy".
Danziger là phi công với thâm niên trong nghề gần 30 năm. Năm 2008, ông là cơ trưởng trên chuyến bay chở Tổng thống Barack Obama đến nơi nhậm chức.
Cơ trưởng cố phá cửa nhưng không thành. Đồ họa: National Post |
Báo USA Today cho biết, luật hàng không Mỹ quy định buồng lái phải luôn do hai người thường xuyên túc trực. Nếu một phi công rời buồng lái để đi vệ sinh hoặc đi ăn thì một tiếp viên phải vào đây, cửa buồng lái vẫn khóa kín. Hiệp hội phi công Mỹ khẳng định: "Mọi hãng hàng không đều quy định không bao giờ để tình huống chỉ có một phi công trong buồng lái xảy ra".
Tuy nhiên, các nước châu Âu không áp dụng quy định này. Theo Bloomberg, hành động của cơ phó Lubitz chính là tiếng chuông cảnh báo các hãng hàng không châu Âu và nhà chức trách phải xem xét lại quy chuẩn an ninh.
Vội vã sửa đổi quy định
Trang Deutsche Welle (Đức) cho biết Liên đoàn Hàng không Đức (BDL) đã đề nghị các hãng hàng không của nước này áp dụng quy định phải có hai người luôn ở bên trong buồng lái. Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất ở Đức, và Air Berlin sẽ áp dụng điều sửa đổi này ngay lập tức với tất cả các chuyến bay về sau. Hai hãng hàng không Đức, Condor và TuiFly, cũng đồng ý áp dụng quy định mới theo đề nghị của BDL.
Phó chủ tịch Liên đoàn Giao thông Đức Arnold Vaatz hoan nghênh động thái nhanh chóng thể hiện sự "xây dựng lòng tin" của các hãng hàng không.
Nhiều hãng hàng không châu Âu mới đây bắt buộc phải luôn có 2 người bên trong buồng lái. Ảnh minh họa: Nola |
Hai hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng của châu Âu, EasyJet (Anh) và Norwegian Air Shuttle (Na Uy), ngày 26/3 thông báo áp dụng quy định mới để bảo đảm luôn có hai người bên trong buồng lái.
Báo USA Today cho biết, Bộ trưởng Giao thông Canada Lisa Raitt ngày 26/3 yêu cầu tất cả hãng hàng không phải thiết lập quy định mỗi buồng lái phải có hai người túc trực. "Quy định này có hiệu lực ngay lập tức", bà Raitt nói, đồng thời cho biết bộ đang đánh giá lại toàn bộ chính sách của các hãng hàng không trong nước.
Cơ quan hàng không dân dụng Anh đã yêu cầu tất cả các hãng bay nước này xem xét lại quy trình tiêu chuẩn an toàn.
Tuy nhiên, Gregory Zahornacky, cựu phi công và hiện là phó giáo sư ngành khoa học hàng không tại Đại học Embry-Riddle, Florida, Mỹ, nói các điều tra viên trong vụ 4U9525 phải nghiên cứu nhiều vấn đề chứ không chỉ dựa trên đoạn ghi âm từ hộp đen, vì có rất nhiều luật lệ để ngăn chặn một phi công khóa kín cửa buồng lái.
Đồng tình với ý kiến trên, phi công Danziger nói không nên đánh đồng việc bắt buộc phải có 2 phi công trong buồng lái với kế hoạch ngăn chặn phi công tự sát. "Các hãng thiết kế quy trình ra - vào buồng lái là để chống khủng bố muốn chiếm quyền kiểm soát máy bay, chứ không phải để ngăn phi công có kế hoạch hủy diệt phi cơ", Danziger nói.