“Tôi nghĩ tôi đang gặp vấn đề. Đó là vì tôi đang trở nên xuất sắc hơn ở mọi lĩnh vực liên quan đến công việc của mình, từ cách chuẩn bị đến đọc trận đấu. Tuy nhiên có một điểm mà tôi không thay đổi: khi đối mặt với giới truyền thông, tôi không bao giờ là kẻ đạo đức giả”, Jose Mourinho nói với tờ Telegraph vào năm 2015.
Các phóng viên có thể xác nhận điều này. Đôi khi vì những thủ thuật đượm màu hắc ám khiến người ta luôn đề phòng với các phát ngôn của Mourinho. Nhưng phần lớn nó là các tâm sự và biểu hiện rất thật.
Mourinho ngày càng mệt mỏi và xơ xác trong tình trạng ít sáng sủa của MU. |
Chính vì thế, nhiều người tin rằng HLV người Bồ đang không thoải mái. Tại đội bóng thành Manchester, sự duyên dáng và nét hài hước của Mou dường như đã mai một.
“Khi Jose còn dẫn dắt Chelsea, tôi luôn trông chờ các buổi họp báo. Không phải lúc nào cũng trong tâm trạng vui vẻ, nhưng khi có cơ hội, ông luôn rất sống động”, John Richardson, phóng viên của Sunday Express nói trên Bleacher Report, “Bây giờ tại MU, tất cả đã biến mất. Bầu không khí luôn căng thẳng như muốn nói, ông không muốn xuất hiện ở đó, và đây thuần túy mang tính chất công việc”.
Khó có thể nói áp lực ở MU lớn hơn Chelsea. Tất cả biết rằng MU không có ông chủ đồng bóng kiểu Roman Abramovich, người sẵn sàng xộc vào phòng thay đồ để chất vấn HLV kể cả khi chiến thắng.
Đội bóng này cũng tráo khá nhiều quyền hành cho Mou, đơn cử như có tiếng nói quyết định trong chuyển nhượng. Họ không có Marina Granovskaia và Michael Emenalo, mà chỉ có một Ed Woodward luôn cố gắng thỏa mãn yêu cầu mua sắm của HLV. Ở đây ông cũng tuyệt đối an toàn trong phòng thay đồ, bất chấp hành động chỉ trích công khai, thậm chí đày đọa học trò (Luke Shaw, Bastian Schweinsteiger).
Sau các thất bại, Mourinho không còn tự tin với khả năng của mình. |
Vậy tại sao Mourinho lại không vui? Câu trả lời là ông không còn tự tin với khả năng của mình. Khao khát chiến thắng vẫn còn nguyên vẹn song vị trí thứ 2 với 8 điểm kém hơn Man City khiến Mou chợt nhận ra, ông đã là “người của ngày hôm qua”.
MU của ông, sau khi tiêu tốn 286 triệu bảng để nâng cấp đội hình, đã không tốt như nó có thể. Ngay khi đụng độ các đội bóng cạnh tranh, con thuyền lập tức chao đảo và hiện lên với dáng vẻ tiều tụy. 2 trận gặp Liverpool và Chelsea, họ không thể ghi bàn, chỉ kiểm soát bóng 41,9% và tung ra 3 cú sút trúng đích.
Thống kê cũng chỉ ra rằng, 7 chuyến làm khách trên sân các đội Big Six, MU thua 4, hòa 3, ghi được vỏn vẹn 1 bàn từ 16 cú dứt điểm trúng đích. Nó không gì khác hơn ngoài việc cho thấy sự bất lực của Mourinho.
7 lần làm khách trước các đội thuộc nhóm Big Six, kết quả của MU là rất tệ. |
Phương pháp, chủ nghĩa thực dụng và tâm lý chiến, mọi chiêu trò của HLV người Bồ đều không phát huy tác dụng. Nói đúng hơn, nó lạc hậu và quá dễ đoán, trong khi chiến thuật của các đối thủ, từ Pep Guardiola, Antonio Conte, Juergen Klopp đến Mauricio Pochettino lại quá tinh vi và nhiều tùy biến.
Trước đây Mourinho chỉ cần 1 mùa giải để kiện toàn đội ngũ để luôn trở thành nhà vô địch ở mùa thứ 2. Thói quen này khó xảy ra một lần nữa, dù vẫn còn 27 vòng đấu để cố gắng. Trong 6 mùa đăng quang cùng Chelsea, Inter và Real, đội bóng của ông luôn vọt lên phía trước khi bắt đầu. Mou không phù hợp với vai kẻ bám đuổi và lật đổ.
Thông tin của tờ The Sun nói về lo ngại của Mou trước sự bành trướng của Pep không phải không có cơ sở. Và khi sự tự tin đã bị đánh gục, ông tính tới chuyện tháo chạy. Bến đỗ tiếp theo có thể là PSG, nơi Mou ca ngợi là “có sức hút ma thuật, trẻ trung cũng như chất lượng”. Quan trọng hơn, ở đó sự cạnh tranh không lớn để giúp ông khôi phục quyền uy ngày nào.
Khi các dấu hiệu đã rõ ràng, đây là thời gian để MU tìm kiếm một HLV mới.
8 mùa Mourinho vô địch, đội bóng của ông gồm Porto 2002/03, 2003/04, Chelsea 2004/05, 2005/06, 2014/15, Inter 2008/09, 2009/10 và Real 2011/12 đều dẫn đầu và chắc chắn kiếm được nhiều hơn 23 điểm ở vòng 11 (mùa 20015/06 thậm chí còn tích lũy 31 điểm, tương đương Man City hiện tại).