Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang tại tọa đàm Chúng ta viết gì khi viết về phim diễn ra sáng ngày 19/10. Ảnh: Đức Huy. |
Theo đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, phim Việt đang ở trong tình trạng người sản xuất không biết phim mình hay dở ở điểm nào. Nguyên nhân là hoạt động phê bình điện ảnh trong nước chưa phát triển kịp để đáp ứng với số lượng tác phẩm tăng lên chóng mặt. Dẫn đến chất lượng phim không có thay đổi đáng kể.
“Một nền phê bình mạnh sẽ thúc đẩy một nền điện ảnh năng động”, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang chia sẻ tại tọa đàm Chúng ta viết gì khi viết về phim diễn ra sáng ngày 19/10.
Đội ngũ phê bình điện ảnh Việt Nam còn mỏng
Từ góc độ của những nhà làm phim và đào tạo, nền phê bình điện ảnh Việt Nam hiện nay vẫn còn non trẻ và đang đối mặt với nhiều thách thức. Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho biết rằng có thời điểm Việt Nam sản xuất tới 30-40 phim một năm nhưng sự phát triển về chất lượng dường như chưa theo kịp số lượng. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu các bài phê bình xác đáng để nhà sản xuất nhìn vào đó và đánh giá lại đứa con tinh thần của mình.
"Ngành phê bình điện ảnh gần như chết khi thiếu vắng những bài viết chuyên sâu, nghiêm túc, trong khi mục văn hóa trên các tờ báo lại dần trở nên chung chung", Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nói.
Phê bình điện ảnh khác hoàn toàn với phê bình văn học, bởi điện ảnh là nghệ thuật dàn cảnh của đạo diễn. Việc hiểu được cách dàn cảnh, bố cục khuôn hình, ánh sáng và màu sắc là yếu tố quyết định để đánh giá phim. Yêu cầu này đòi hỏi người viết phải có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu.
Hướng dẫn viết về phim là cuốn sách được ra mắt từ năm 2010 với mục đích lưu hành nội bộ. Mới đây tác phẩm được tái bản để đến tay độc giả đại chúng. Ảnh: Nhã Nam. |
Tuy nhiên, việc đào tạo lý luận và phê bình điện ảnh ở Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. "Cách đây nhiều năm có khoa phê bình, lý luận về điện ảnh nhưng rồi chỉ có một sinh viên thi vào nên không thể mở lớp”, bà Phạm Nhuệ Giang chia sẻ thêm.
Đây là một thực tế đáng lo ngại bởi phê bình điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà sản xuất nhận ra những bài học từ tác phẩm của mình. Nếu nền phê bình điện ảnh phát triển, điều này sẽ tạo ra sự phản hồi hữu ích và có giá trị cho ngành sản xuất phim ảnh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Nhìn nhận từ góc độ đào tạo, ông Nguyễn Hoàng Phương - phụ trách điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD - cũng nhấn mạnh: "Một nền điện ảnh phát triển cần phải phát triển các khâu, từ người làm phim đến người giảng dạy, giám tuyển và phê bình”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng việc học và phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực phê bình điện ảnh là rất khó khăn tại Việt Nam, bởi vì tài liệu về ngành chưa phong phú.
Từ những chia sẻ của các chuyên gia, có thể thấy rằng nền phê bình điện ảnh Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cần lấp đầy. Tuy nhiên, với sự đầu tư đúng đắn vào việc đào tạo và phát triển, tương lai của ngành này hoàn toàn có thể phát triển, đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của điện ảnh trong nước.
Hình ảnh trong "Chiếm đoạt" - phim 18+ bị nhận xét nhảm nhí, nhàm chán. |
Nguồn sách về điện ảnh chưa đủ cập nhật
Nguồn sách về điện ảnh tại Việt Nam hiện nay vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt, đặc biệt là các tài liệu chuyên ngành cần thiết cho những người làm phim, nghiên cứu và học tập trong lĩnh vực này. Trước đó, đạo diễn Việt Linh đã cho ra mắt tủ sách điện ảnh, nhưng nỗ lực đó chưa thể đủ để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phê bình về nghệ thuật thứ bảy.
“Theo khảo sát của tôi, hệ thống sách giáo trình về điện ảnh tại Việt Nam đang bị lạc hậu, thiếu cập nhật, làm cho người đọc không thể có cái nhìn tổng quát hơn về lịch sử điện ảnh, trong khi đây là một lĩnh vực quan trọng cần phải biết nhằm viết phê bình”, TS Mai Anh Tuấn cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Phương - phụ trách điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD - chia sẻ tại tọa đàm Chúng ta viết gì khi viết về phim. |
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ với tạp chí Tri Thức - Znews rằng tài liệu về điện ảnh ở Việt Nam rất hiếm, chủ yếu là về biên kịch, một lĩnh vực dễ tiếp cận hơn, hoặc lịch sử điện ảnh. Các sách về đạo diễn, quay phim hay sản xuất còn rất ít. Đây cũng là khó khăn lớn nhất mà các cơ sở đào tạo phải đối mặt.
"Sách về điện ảnh rất khó để thương mại hóa. Vì vây, các đơn vị đào tạo hiện nay chỉ mới thực hiện sưu tầm và lưu hành nội bộ", Ông Phương nhấn nói.
Để giải quyết vấn đề này, các đơn vị giáo dục, nhà xuất bản và những người làm sách cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm đưa ra giải pháp từ việc mua bản quyền nước ngoài, dịch thuật, cho đến việc tạo ra những ấn phẩm mang tính cập nhật và phù hợp với nhu cầu của người học cũng như người làm nghề.
Việc mở rộng và phát triển nguồn sách chuyên ngành về điện ảnh là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam đang ngày càng phát triển. Hơn hết, dòng sách công cụ, cung cấp kiến thức nền sẽ thiết thực trong việc xây dựng một lớp công chúng am hiểu về phim.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.